16/11/2015 09:02 GMT+7

Một ngày dò biển bằng xuồng

HỒ TẤN VŨ - 
ĐẶNG TIẾN LONG
HỒ TẤN VŨ - 
ĐẶNG TIẾN LONG

TT - Hơn 1 triệu km2 biển của Tổ quốc từ vịnh Bắc bộ xuống Trường Sa kéo dài qua vịnh Thái Lan, hầu như nơi nào những người lính đo biển cũng từng có mặt.

Chiến sĩ tàu 884 hạ xuồng máy, bắt đầu một ngày quần thảo khảo sát, đo đạc trên biển - Ảnh: Tiến Long
Chiến sĩ tàu 884 hạ xuồng máy, bắt đầu một ngày quần thảo khảo sát, đo đạc trên biển - Ảnh: Tiến Long

Họ cho rằng muốn làm chủ về đại dương thì phải hiểu cặn kẽ về biển. Và công việc không phải lúc nào cũng thảnh thơi...

“Độ” xuồng để đo biển

Ngày thứ tư trong hành trình đo đáy biển, con tàu chúng tôi buộc phải thả neo gần quần đảo Hải Tặc bởi biển ở đây quá cạn và dòng chảy khá bất thường.

Sau bữa cơm sáng, thuyền trưởng Vũ Trọng Phú hạ lệnh thả xuồng máy. Chiếc xuồng như quả dưa chuột chẻ đôi chở sáu người và hàng loạt thiết bị bắt đầu tách khỏi xuồng mẹ khởi đầu cho một ngày lênh đênh.

Đại úy Phạm Văn Quang cho biết hôm nay đoàn sẽ đo các yếu tố hải dương học cả một ngày trên biển.

“Tùy theo tình hình sóng gió, nếu sóng quá lớn chúng ta có thể về đến tàu mẹ lúc trời tối. Phóng viên nếu say sóng thì có thể nằm nhà vì đi xuồng rất mệt!” - đại úy Quang dặn dò.

Hai phóng viên chúng tôi đều xin xuống xuồng. Thực phẩm cho sáu người là sáu gói mì và sáu chai nước suối. Chiếc xuồng tròng trành, lắc lư như muốn hất tung mọi người vì những con sóng bạc đầu giật mạnh. Tuy nhiên nó vẫn bắt đầu cưỡi sóng làm nhiệm vụ.

Chiếc xuồng máy của tàu 884 được hàn một khung nhôm trước mũi. Bên trong khung nhôm được lợp bằng những tấm kính cường lực để che mưa nắng.

Bên dưới là những chiếc ghế gỗ dính chặt vào chiếc bàn kẹp giữa khung nhôm, sao cho sóng tròng trành như vậy nhưng người ngồi trên xuồng vẫn thao tác được với máy tính xách tay.

Chưa hết, bên phải khung nhôm được thiết kế một cái túi nhỏ dính chắc vào xuồng để treo cái bình ăcquy cấp điện cho các thiết bị. Phía bên trong của mũi xuồng cũng được thiết kế mới hoàn toàn để hàng loạt thiết bị điện tử không bị va đập và hỏng hóc, nhiễm muối mặn khi lênh đênh trên biển.

Chiếc xuồng tách khỏi tàu mẹ chừng 1 hải lý, đại úy Quang bảo lái xuồng dừng máy. Bất chấp con thuyền tròng trành, trung úy Nguyễn Văn Đại và hai người khác hỗ trợ cẩn thận thả thiết bị xuống lòng biển.

Đó là những ống inox màu sáng chói, ba tầng, với vô số các con chip bên trong và có thể hoạt động độc lập trong lòng biển. Đại úy Quang cho biết đó là thiết bị đặc chủng của hải quân, khi những thiết bị này được kích hoạt, chúng tự động thu thập toàn bộ dữ liệu theo yêu cầu từ lòng biển.

Khoảng 15 phút sau, thiết bị đặc chủng được vớt lên, một thẻ nhớ được tháo rời và cắm vào máy tính ngay trên xuồng. Dữ liệu được xuất ra máy tính ngay tại tọa độ vừa đo.

Đại úy Quang giải thích: “Đây là những số liệu cực kỳ quan trọng, gồm nhiều thành phần khác nhau, chúng tôi gọi chung là các yếu tố hải dương học. Chúng tôi phải thu thập đúng tọa độ, ghi chép chính xác để sau này có một bộ phận xử lý riêng về nó”.

Anh giải thích sơ qua rằng sau khi phân tích các thông số vừa đo được, chúng ta sẽ biết tốc độ dòng chảy, vận tốc nước của biển ở khu vực đó, độ pH, nồng độ khí, độ mặn, độ đục của nước..., đặc biệt là trọng lực và từ trường biển cũng như sóng âm của khu vực biển cần khảo sát.

Từng mẫu đất đá, mẫu nước thu từ biển được đánh dấu cẩn thận để gửi về đơn vị xử lý - Ảnh: Chu Văn Túc
Từng mẫu đất đá, mẫu nước thu từ biển được đánh dấu cẩn thận để gửi về đơn vị xử lý - Ảnh: Chu Văn Túc

Không chỉ là nhiệm vụ...

Song song với việc thu thập các dữ liệu trên thiết bị đặc chủng, việc lấy mẫu nước theo từng tầng sâu của biển cũng hết sức quan trọng. Đại úy Phạm Đức Nha ngồi ở mũi xuồng làm nhiệm vụ chính là thả thiết bị lấy mẫu nước.

Khu vực biển mà anh em lấy mẫu nước sâu chừng 7m, đại úy Nha phải lấy bảy mẫu khác nhau, mỗi mét theo phương thẳng đứng lấy một mẫu.

Chúng được niêm phong và đánh dấu từng số trên chai, ghi độ sâu và cất giữ mẫu nước cẩn thận. Anh Nha cho biết mẫu nước phải lấy ở mũi xuồng mới chính xác vì không bị chân vịt của xuồng quẫy đục nước, bùn pha lẫn tạp chất khi phân tích kết quả nước sẽ sai lệch.

Bữa trưa của chúng tôi là những gói mì nhai sống cùng với nước suối dưới cái nắng rát mặt của biển. Tay cầm gói mì khô nghẹn cứng ở miệng, đại úy Quang cười bảo:

“Có hôm nhai không được vì sóng nhồi khủng khiếp. Nhưng nhiệm vụ trên giao thì phải hoàn thành. Cũng có ngày biển êm, vừa cho xuồng chạy vừa kẹp lưỡi câu cá phía sau, có hôm được cá to lắm!”. Cứ một hải lý xuồng chúng tôi dừng lại và đo đáy biển một lần, tổng cộng hơn 20 điểm.

Khi xuồng vừa hoàn thành nhiệm vụ trong ngày và cập tàu mẹ thì trời đã nhá nhem tối.

Trong bữa cơm tối trên boong tàu lộng gió, trung úy kỹ sư Phạm Tuấn Thắng tâm sự rằng công việc tìm hiểu về đại dương cực kỳ quan trọng nên các thông số thu thập được phải càng tỉ mỉ.

Với hải quân, việc này càng quan trọng hơn, bởi những thông số thu được đều phục vụ cho những nhiệm vụ quốc phòng hết sức lớn lao.

Kỹ sư Thắng ví von rằng để các con tàu ngầm liên lạc được với nhau phải qua sóng âm. Nhưng sóng âm trong lòng biển không phải nơi nào cũng giống nhau. Tìm hiểu về sóng âm, từ trường biển là những nghiên cứu chuyên sâu vô cùng thú vị.

“Tốc độ âm thanh trong nước thường 1.400-1.600m/s, nhưng không phải vùng biển nào cũng giống nhau nên cần phải nghiên cứu. Càng xuống sâu trong lòng biển thì trọng lực biển cũng thay đổi theo từng tầng từng lớp.

Mục đích tối ưu là khi liên lạc trong lòng biển ít tốn năng lượng nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất là những điều chúng tôi cần thu thập” - kỹ sư Thắng nói.

Hơn 15 năm theo nghề đo đạc biển, trung úy Nguyễn Văn Đại kể rằng biển ngấm vào máu thịt anh lúc nào không hay.

Niềm yêu của anh không phải là những lúc ngắm hoàng hôn hay bình minh trên biển, cũng không phải là những đêm trăng thanh bình giữa khơi xa lặng gió mà chính là lòng đại dương.

Nhấp chén chè xanh, anh Đại kể tiếp: “Nếu ở trên cạn, hai đồng bằng lớn nhất nước là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, thì trong lòng đại dương, ở khúc nối tiếp hai khu vực này cũng như vậy.

Đó là những đồng bằng rộng bát ngát, phủ đầy nước, phẳng lì, trải dài mênh mông đến bất tận. Và nếu dãy Trường Sơn đầy núi đồi nhấp nhô thì khu vực từ quần đảo Hoàng Sa đến Trường Sa cũng vậy.

Đó là những dãy núi rất cao và đầy vực sâu, khác nhau chỉ là nếu ở Trường Sơn là rừng cây thì Trường Sa là những rừng san hô. Có nơi sâu đến 4.700m, đó cũng là độ cao của những ngọn núi trong lòng biển”.

Anh Đại tự hào rằng mình và các đồng đội trên con tàu này đã đi khắp mặt Biển Đông từ vịnh Bắc bộ, ra Hoàng Sa, xuống Trường Sa và kéo dài qua vịnh Thái Lan.

Chưa nơi nào họ chưa đo, vẽ, lấy mẫu nước. Có những chuyến hải trình kéo dài suốt bảy tháng trời đằng đẵng và họ sống chết với công việc cũng là niềm đam mê ấy.

“Chúng tôi cũng giống như những nhà thám hiểm thích leo núi vậy. Với những người leo núi thì đỉnh cao nhất là Everest cao hơn 8.000m, nhưng những người đi đo biển thì không.

Với họ, đỉnh núi cao nhất chính là những ngọn núi ngầm trong lòng biển ở vực Mariana sâu hơn 10.900m, chìm hẳn trong lòng đại dương đầy bí ẩn...” - anh Đại kể với ánh mắt đầy hào hứng.

Nhưng công việc của họ đâu chỉ vậy...

_____________

Kỳ trước

>> Kỳ 1: Ra khơi quét biển

>> Kỳ 2: Thả “cá mập” điện tử...

____________

Kỳ tới: 10 ngày tìm hai chiếc Su gặp nạn

HỒ TẤN VŨ - 
ĐẶNG TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên