15/11/2015 14:31 GMT+7

Những người đo đáy Biển Đông - Kỳ 2: Thả “cá mập” điện tử...

HỒ TẤN VŨ - 
ĐẶNG TIẾN LONG
HỒ TẤN VŨ - 
ĐẶNG TIẾN LONG

TT - Bữa cơm tối phía đuôi tàu chòng chành, đại úy Phạm Văn Quang, trưởng ngành đo đạc của tàu, ưu tư: “Cầu cho ngày mai đừng mưa và sóng êm để chúng ta tiến hành đo quanh khu vực đảo Hải Tặc này và bàn giao mặt bằng sớm cho ngành điện”.

“Cá mập điện tử” được thả xuống để quét đáy  đại dương - Ảnh: Chu Văn Túc
“Cá mập điện tử” được thả xuống để quét đáy đại dương - Ảnh: Chu Văn Túc

Gần 20 năm trong ngành đo đạc biển, anh Quang biết rõ rằng từ cuối mùa thu đến giáp mùa xuân là thời điểm biển cực kỳ sóng gió nên công tác đo đạc không hiệu quả.

Anh Quang lý giải những cột sóng dao động quá lớn, cách mặt nước từ hơn 1m thì kết quả đo đạc độ nông sâu sẽ không còn chính xác.

Háo hức của một ngày được làm người đi dò đáy biển khiến chúng tôi khó ngủ.

Những thiết bị tiền tỉ

Đúng 5g sáng, chuông báo thức kéo dài ba hồi. Nửa giờ cho ăn sáng và vệ sinh cá nhân, chúng tôi có mặt ở boong tàu để làm công tác hạ xuồng và tập kết thiết bị.

Từ dưới hầm tàu, bốn chiến sĩ khiêng một cái thùng gỗ sơn màu xanh lá được bao bọc khá cẩn trọng để trên sàn tàu. Trung úy Nguyễn Văn Đại, kỹ thuật viên đo đạc, vỗ vai chúng tôi nói: “Nhìn vậy nhưng con cá mập này tiền tỉ đấy!”.

Bên trong chiếc thùng là một vật thể lạ hình dáng trông giống như con cá mập to bằng bắp chân, dài gần 2m, bằng inox bóng lộn.

Phía sau đuôi và hai chiếc vây hướng lên trời để điều khiển cho nó khỏi lật ngửa trong nước và trên lưng là nơi kết nối thiết bị với dây cáp chằng chịt. Hai bên hông của chú “cá mập” này là hai ống thép màu đen với nhiều lỗ nhỏ.

Đại úy Quang cho biết con “cá mập” bằng điện tử này hết sức đặc biệt và cực kỳ thông minh. “Cá mập robot” này có nhiệm vụ phát ra những chùm tia hoặc đơn tia xuống lòng đại dương, sau đó thu thập toàn bộ địa hình mặt đáy biển và chuyển dữ liệu về máy tính.

Một chiếc cần cẩu phía sau đuôi con tàu, vươn dài như cánh tay rắn chắc được thả xuống, “cá mập” được buộc bằng dây thép có ròng rọc bắt đầu chìm dần vào đáy biển. Con tàu bắt đầu nhổ neo rê chầm chậm tiến về phía biển sâu. Trên buồng chỉ huy, thuyền trưởng Vũ Trọng Phú lật một hải đồ được vạch sẵn đo diện tích mặt biển sẽ được quét đáy biển trong ngày.

Thuyền trưởng Phú cho biết con tàu sẽ chạy tới rồi quay đầu chạy lui trên một diện tích mặt biển nhất định được vạch sẵn.

“Tương tự như người nông dân cày trên thửa ruộng của mình vậy. Luống cày trước và luống cày sau phải giáp ranh với nhau và không bỏ sót dù nửa luống cày. Con tàu này sẽ di chuyển và quét đáy biển sao cho luồng quét trước giáp ranh với luồng quét sau. Nếu nước sâu 100m thì dãy quét dưới đáy biển quét được một luồng rộng 400-600m theo chiều ngang. Có nhiều nơi quét được đến 800m theo chiều ngang tùy địa hình đáy. Và chúng có thể quét ở độ sâu đến 1.500m” - thuyền trưởng Phú giải thích.

Thuyền trưởng Phú bảo rằng âu lo nhất của con tàu là việc bảo quản và chăm sóc các thiết bị đặc chủng và rất đắt tiền này. Đây là thiết bị được mua để phục vụ cho những công tác đặc biệt, nếu gặp bất trắc thì không những công việc đình trệ mà việc sửa chữa hoặc mua lại cũng rất khó khăn.

“Sợ nhất là quét vùng biển nhiều đồi núi và lô nhô đá ngầm. Nếu chú “cá mập robot” lao vào đá hoặc các vật thể cứng thì nguy cơ hỏng hóc rất cao vì đa số thiết bị là đồ điện tử và các vi mạch tinh xảo” - thuyền trưởng Phú tâm sự.

Các sĩ quan kỹ thuật tàu 884 thu nhận tín hiệu gửi về từ những chú “cá mập điện tử” - Ảnh: Tiến Long
Các sĩ quan kỹ thuật tàu 884 thu nhận tín hiệu gửi về từ những chú “cá mập điện tử” - Ảnh: Tiến Long

“Copy” đáy biển lên màn hình

Ngay khi con tàu nhổ neo di chuyển, trong một gian buồng đặc biệt bên phải con tàu, những chiến sĩ kỹ thuật hải quân bắt đầu dán mắt vào màn hình máy tính. Căn buồng nhỏ chưa đến 6m2 được giăng kín bởi các màn hình.

Các máy tính bắt đầu nhấp nháy hoạt động khi chú “cá mập robot” được chính thức kích hoạt. Con tàu di chuyển với vận tốc dưới 4 hải lý/giờ. Trên màn hình máy tính hiện ra những vạch màu sẫm trôi dần từ trên xuống dưới. Trong khi đó một màn hình khác hiện lên một dải màu từ đỏ, xanh, vàng, cam và tím.

Chưa hết, một màn hình khác cho ra tất cả các vật thể nằm sát dưới đáy đại dương. Kể từ lúc con tàu di chuyển, máy tính và “cá mập robot” được kích hoạt là lúc các chiến sĩ bắt đầu tập trung cao độ để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ một dữ liệu kỹ thuật nào.

Chỉ tay vào một màn hình với những dải màu bí ẩn, trung úy Nguyễn Văn Đại giải thích: “Anh nhìn không quen chứ em thì biết hết. Độ sâu của biển bây giờ biểu thị bằng màu. Những dải màu đỏ là nơi biển cạn, những nơi màu vàng là sâu hơn và nơi hiển thị màu xanh đến tím là biển sâu nhất. Và độ sâu cụ thể thì có máy phân tích riêng”.

Anh Đại cho biết để có được những thông số chính xác về độ mặn, tính chất địa hình đáy biển, về khí tượng thủy văn, yếu tố dòng chảy... anh em phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Có những điểm các anh phải “cày đi cày lại” nhiều lần trong những điều kiện thời tiết khác nhau để có được thông tin chính xác nhất.

Khi kết thúc một ngày đo, tất cả các số liệu trên màn hình này sẽ được xử lý và tổng hợp bởi một bộ phận kỹ thuật khác và tích hợp chung trên một hải đồ mà anh em quen gọi là hải đồ 3D. Để có được một hải đồ 3D chuẩn quốc tế là một quá trình lâu dài, rất công phu và tất cả đều xử lý ở trên bờ.

Thạc sĩ, trung tá Nguyễn Phúc Hồng - phó hải đội trưởng Hải đội 695 thuộc Đoàn 6 hải quân, người đi cùng chuyến khảo sát với chúng tôi - giải thích thêm: Đoàn 6 bây giờ được trang bị 4 hệ thống SSS rất hiện đại.

Trong đó 2 hệ thống của Hãng Klein, 1 hệ thống của Hãng Kongsberg, 1 hệ thống của Hãng CMAX. Tất cả các thiết bị này có thể được sử dụng trong lĩnh vực khảo cổ học hàng hải, kết hợp với các mẫu đất đá đáy biển, có thể cung cấp thông tin chi tiết về sự khác biệt và thành phần kết cấu đáy biển.

“Hằng năm chúng tôi đều có dịp giao lưu với các chuyên gia nghiên cứu biển của rất nhiều nước như Anh, Hà Lan, Ý, Na Uy, Đức...

Các bạn đều đánh giá rất cao công nghệ và kỹ thuật của chúng ta. Những gì các nước tiên tiến nghiên cứu về biển có thì chúng ta đều có, đặc biệt khi chúng ta tham gia Hiệp hội Thủy đạc quốc tế thì tất cả phải theo tiêu chuẩn quốc tế nên có thể nói đây là bước khởi đầu đáng mừng của ngành nghiên cứu đo đạc biển” - trung tá Hồng khẳng định.

Cũng theo trung tá Hồng, ngoài công tác điều tra về hiện trạng các đường ống dẫn, cáp dưới biển, hệ thống đo sâu hồi âm, hệ thống đo biển này còn cung cấp một cái nhìn bao quát và chi tiết về cấu trúc bề mặt đáy biển.

Để bắn một trái ngư lôi hay phóng một quả tên lửa dưới nước đều phải biết các yếu tố biển xung quanh con tàu.

Và hệ thống còn cung cấp những thông tin quan trọng trong quân sự bao gồm phát hiện bom mìn, các cấu trúc bất thường của đáy biển nhằm phát triển khả năng phòng thủ, thậm chí cả việc lập một căn cứ dưới nước.

Hành trình của những con tàu đo đạc biển đã đưa các chiến sĩ đến với mọi vùng biển đảo Tổ quốc. Họ thông thạo luồng lạch, hiểu biển rõ như lòng bàn tay, tựa như người nông dân thuộc từng thửa ruộng. Giờ đây họ vẫn ngày đêm tiếp tục cày những đường cày đẹp trên khắp vùng biển của quê hương...

__________

Kỳ tới: Một ngày dò biển bằng xuồng

HỒ TẤN VŨ - 
ĐẶNG TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên