14/11/2015 12:46 GMT+7

Những người đo đáy Biển Đông - Kỳ 1: Ra khơi quét biển

ĐẶNG TIẾN LONG - HỒ TẤN VŨ
ĐẶNG TIẾN LONG - HỒ TẤN VŨ

TT - Phải mất nhiều tháng làm thủ tục, Quân chủng hải quân mới đồng ý để chúng tôi đi theo tàu của đoàn Đo đạc, biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển.

Đội nghiệm triều tàu 884 thả thiết bị đo thủy triều tại đảo Phú Quốc, Kiên Giang - Ảnh: Tiến Long
Đội nghiệm triều tàu 884 thả thiết bị đo thủy triều tại đảo Phú Quốc, Kiên Giang - Ảnh: Tiến Long

Trước đó, câu trả lời từ quân chủng là dù rất muốn tạo điều kiện cho phóng viên Tuổi Trẻ đi theo tàu, nhưng vì ngại những chuyến hải trình của tàu Đoàn 6 thường kéo dài vô định, thất thường. Có những chuyến lênh đênh trên biển cả nửa năm. Chuyến ngắn ngày cũng phải mất một, hai tháng mới cập bờ. Những người lính hải quân đo đáy Biển Đông, họ là ai?

Khi nhận được tin báo từ Quân chủng hải quân, chúng tôi mừng vui khôn tả. Càng vui hơn khi được sắp xếp đi cùng tàu 884, con tàu từng cứu hai đặc phái viên Tuổi Trẻ và 16 ngư dân Quảng Ngãi do bị chìm tàu hơn một năm về trước. Được gặp lại ân nhân trong hải trình đo vẽ chân dung biển quả là một chuyến đi hứa hẹn đầy những điều thú vị.

Đêm nóng lòng chờ sóng

Sau tám giờ nằm xe khách từ TP.HCM, chúng tôi gặp anh em tàu 884 tại phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang). Theo kế hoạch ngay trong chiều hôm đó, tàu sẽ bố trí xuồng vào bờ để đưa chúng tôi ra tàu.

Thuyền trưởng Vũ Trọng Phú liên tục điện thoại nhắc nhở anh em phải có mặt đúng giờ, tranh thủ bất cứ khi nào sóng lặng sẽ ra tàu liền. “Một tháng nay, tàu 884 thực hiện nhiệm vụ đo đạc để kéo đường dây điện ra đảo, công việc đang rất gấp rút, khẩn trương.

Thời tiết mùa này mưa gió thất thường nên anh em phải tranh thủ từng giờ biển êm thả xuồng đi đo đạc. Tàu nghỉ ngày nào chậm tiến độ ngày đó, dân ngóng chờ điện, anh em cũng nóng ruột” - anh Phú dặn dò thêm.

Bản thân chúng tôi sau thời gian dài chờ đợi cũng háo hức được xuất phát ngay. Cuối cùng trời không thuận lòng người, gió to sóng lớn nên tám thành viên tàu phải ở lại bờ chờ biển êm mới ra được tàu.

Ba ngày nằm chờ trong khách sạn với anh em tàu 884 dài dai dẳng như ba tháng. Ai cũng thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Lâu lâu mọi người thay nhau chạy ra biển xem tình hình. Nhìn những con sóng cao đập vào bờ, phía xa con tàu 884 mù mịt.

Ngoài tàu điện vào cho biết tàu bị dông gió lắc mạnh, không thả xuồng xuống được phải tiếp tục chờ. Mọi người thở dài, quay về mặt buồn rũ rượi. Từ bờ ra tàu chỉ chưa đầy 6 hải lý mà như xa vạn dặm.

Trong thời gian này, Tổng công ty Điện lực miền Nam cùng chính quyền tỉnh Kiên Giang tổ chức khởi công Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn.

Dự án đường dây điện gần 25km vượt biển trên không dài nhất Việt Nam này là một hợp phần trong Dự án cấp điện lưới quốc gia cho bảy xã đảo ở tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2015 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là dự án vô cùng quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội biển, đảo và ven biển. Đồng thời xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Dự án còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trên đảo.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Các đơn vị thi công dự án có thể vượt tiến độ. Nếu có điện cho dân sử dụng trước Tết Nguyên đán Bính Thân thì càng tốt. Khoảng 2.000 hộ dân, với 8.200 nhân khẩu xã đảo Lại Sơn đang ngày ngày hồ hởi đón chờ dòng điện lưới quốc gia hòa vào từng nhà”.

Từ lễ khởi công trở về, nhận thông tin anh em bị tắc chưa ra được tàu, thuyền trưởng Vũ Trọng Phú càng nóng ruột.

“Công việc đo đạc, khảo sát ban đầu hết sức quan trọng. có thuận lợi thì những công việc sau của dự án mới thông suốt được. Nhìn thời tiết thế này ai cũng nóng ruột như lửa thiêu đốt” - anh Phú thở dài mắt đăm chiêu nhìn tàu 884 mờ xa.

Nằm chờ mãi cuối cùng sóng cũng lặng hơn. Xuồng cập bờ đón 10 người chúng tôi ra tàu. Để đảm bảo an toàn, thuyền trưởng quyết định thuê riêng một tàu cá chở đồ ra.

Mọi người nhanh chóng chuyển toàn bộ lương thực, thực phẩm cho chuyến công tác dài ngày trên biển xuống tàu phòng khi sóng lại to lên. Phải mất gần một giờ mới chuyển xong.

Tàu cá nổ máy gấp rút ra tàu, trên những khuôn mặt dạn dày sóng gió, thấm vị mặn mòi của biển nở nụ cười tươi tắn, rạng ngời. Chúng tôi hiểu với các anh không có cực hình nào bằng việc phải nằm chờ đợi trời yên biển lặng.

Chiến sĩ tàu 884 đang thả thiết bị đo đạc xuống vùng biển quần đảo Hải tặc (Kiên Giang) - Ảnh: Tấn Vũ
Chiến sĩ tàu 884 đang thả thiết bị đo đạc xuống vùng biển quần đảo Hải tặc (Kiên Giang) - Ảnh: Tấn Vũ

Hải trình bắt đầu

Trong khi nhóm hậu cần rời bờ, gần đó một số anh em khác đang bì bõm lặn dưới nước để kéo thiết bị nghiệm triều lên. Chiếc máy vừa đưa lên bờ anh em đã xúm lại lau rửa, cạo sơn hàu bám, nâng niu tỉ mẫn như đứa con của mình. Máy sẽ nhanh chóng đưa ra tàu để xuất số liệu ghi nhận trong 17 ngày thả chìm sâu dưới biển.

Ba người khác được phân công dùng thước dọi để đo đạc bằng tay. Từng số liệu được ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ vào cuốn sổ nghiệm triều để tính toán mực nước biển trung bình.

“Dù máy móc hiện đại, đo đạc chính xác đến mấy nhưng anh em cũng phải đo bằng thước tay truyền thống rồi so sánh với số liệu do máy thu thập mới tính toán được kết quả chính xác nhất” - đại úy Phạm Văn Quang, trưởng ngành đo đạc tàu 884, giải thích.

Anh Quang cho biết toàn bộ số liệu thu thập phải nhập lưu ba lần trên các thiết bị máy vi tính, sổ thủy triều gốc và ở máy tính khác, phòng khi cố sự cố mất dữ liệu.

“Toàn bộ số liệu thu thập đều liên quan với nhau và phải thời gian đo dài ngày mới thu nhận được. Chỉ cần mất một số liệu, phá vỡ mắt xích trong chuỗi dữ liệu thu thập sẽ khiến kết quả thu được thiếu chính xác” - anh Quang chia sẻ thêm.

Nhóm nghiệm triều là nhóm rời tàu lên bờ làm nhiệm vụ thường xuyên nhất. Nhóm có khoảng ba người. Hằng ngày họ thay nhau túc trực suốt 24 giờ để quan sát mực nước biển lên xuống. Cứ 30 phút các anh lại thay nhau ra quan sát, ghi chép số liệu triều lên xuống. Mỗi đợt thu thập theo chu kỳ con nước kéo dài khoảng 17 ngày.

Trung úy Nguyễn Văn Toản - nhân viên đo đạc, người có 11 năm nếm sương nằm gió trên biển. Anh cũng là người thường xuyên được phân vào nhóm nghiệm triều. Anh Toản chia sẻ thường nếu vùng đo đạc có đơn vị biên phòng, cảnh sát biển thì nhóm xin ở cùng. Còn không thì phải vào ăn ở với dân.

Lên bờ không sợ thiếu thốn, khổ sở mà chỉ sợ thiếu điện. Như trước đó 10 ngày, nhóm lên Hòn Sơn (quần đảo Bà Lụa, thị xã Rạch Giá, Kiên Giang) để nghiệm triều. Khu vực này không có đồn biên phòng nên phải xin ở nhà dân.

Ở đây một ngày điện chỉ được phát bằng động cơ diesel sáu giờ, chia hai ca buổi sáng từ 8g30 - 11g, buổi chiều tối 15g30 - 23g. Anh em vừa phải thay nhau quan sát nghiệm triều, vừa phải chạy đua với lịch phát điện, tranh thủ xử lý số liệu thật nhanh mới kịp hoàn thành công việc.

... Khi những thiết bị máy móc được đóng gói cẩn thận, chiếc xuồng máy xé sóng chở chúng tôi và nhóm nghiệm triều lao nhanh ra biển. Nước biển tạt mạnh tung tóe. Chiếc xuồng dập theo từng đợt lên xuống của con sóng, có lúc tưởng chừng mất hút.

Mọi người ướt nhem nhưng máy móc, thiết bị không sao vì đều được bọc kín bởi hai ba lớp nilông. Gần một giờ chạy xuồng mới cập mạn tàu 884. Và những ngày sóng gió lênh đênh cùng hải trình đo đáy Biển Đông bắt đầu...

Kỳ tới: Thả “rôbôt” cá mập

ĐẶNG TIẾN LONG - HỒ TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên