17/11/2015 12:30 GMT+7

10 ngày tìm kiếm hai máy bay Su-22 gặp nạn trên biển

HỒ TẤN VŨ - 
ĐẶNG TIẾN LONG
HỒ TẤN VŨ - 
ĐẶNG TIẾN LONG

TT - Họ làm việc bất chấp ngày đêm, bắt đầu từ 5g sáng ngày trước đến 1g sáng hôm sau trong 10 ngày liên tục đến khi nhiệm vụ hoàn thành.

Đội bản đồ số 2 đang xử lý số liệu từ các tàu gửi về   - Ảnh: Tiến Long
Đội bản đồ số 2 đang xử lý số liệu từ các tàu gửi về - Ảnh: Tiến Long

 “Hơn 10 ngày quần thảo trên biển, những người lính ở Đoàn 6 Hải quân đã tìm thấy hai chiếc máy bay và đưa thi thể hai phi công về với gia đình, đồng đội. Đó là những tháng ngày chúng tôi ăn sóng nằm gió, làm việc không có ngày đêm...” - đại úy Nguyễn Minh Đức, chính trị viên tàu 884, nhớ lại.

Những ngày không ngơi nghỉ

Lật cuốn nhật ký hải trình ố vàng để ở buồng lái trên tàu 884, thuyền trưởng Vũ Trọng Phú nhớ như in khoảnh khắc con tàu nhận được lệnh khẩn cấp quay đầu về khu vực gần đảo Phú Quý. Tàu được lệnh quét đáy biển tìm hai chiếc máy bay Su-22 cùng phi công tử nạn.

Bức điện phát lúc 12g30 ngày 17-4-2015, khi đó tàu 884 đang làm nhiệm vụ quét và đo đáy biển ở gần đảo Tri Tôn, thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).

“Chúng tôi thu dọn thiết bị và cho con tàu quay mũi ngay lập tức. Chiếc tàu có tuổi thọ gần nửa thế kỷ bắt đầu rướn hết ga, hết số để kịp về khu vực Phú Quý tham gia tìm kiếm” - thuyền trưởng Phú nhớ lại.

Khoảng cách nơi con tàu 884 đang làm nhiệm vụ đến khu vực tìm hai máy bay Su-22 hơn 300 hải lý. Con tàu tròng trành đi ngược sóng giữa lúc áp thấp nhiệt đới đang vào bờ nên phải mất hơn 40 tiếng tàu 884 mới đến nơi.

“Sóng quá lớn, có những lúc tưởng tàu không thể di chuyển được nhưng đây là nhiệm vụ thiêng liêng nên anh em phải dốc hết sức.

Người nào khỏe thì lái tàu, người không say sóng thì nấu cháo cho anh em nuốt. Sóng biển to đến độ con tàu gập mũi xuống phía trước múc nước biển hất thẳng vào cabin, buồng chỉ huy” - thuyền trưởng Phú nhớ lại.

Sau một hải trình dài đầy sóng gió, các chiến sĩ trên tàu 884 lao ngay vào việc tìm kiếm. Toàn tàu chia làm ba ca, mỗi ca trực lái và chỉ huy hai người, trực máy hai, còn lại các kỹ thuật viên phải dán mắt trên màn hình để tìm kiếm, nhận dạng.

Họ làm việc bất chấp ngày đêm, bắt đầu từ 5g sáng ngày trước đến 1g sáng hôm sau trong 10 ngày liên tục đến khi nhiệm vụ hoàn thành.

Thuyền trưởng Phú kể rằng để bảo vệ cho các con tàu quét biển làm nhiệm vụ, hàng loạt tàu khác gồm hải quân và cảnh sát biển phải vây thành vòng tròn kín mặt biển để các tàu cá, tàu hàng khác không đi vào khu vực quét do dễ bị vướng thiết bị và nhiễu tín hiệu.

Chưa kể, tất cả lực lượng khác như người nhái, đặc công nước luôn trong tình trạng sẵn sàng. Nếu có dấu hiệu tìm thấy, ngay lập tức họ lao xuống đáy biển lặn tìm.

“Nước khu vực này sâu độ 35-38m nhưng dòng chảy rất mạnh nên nhìn thấy đó nhưng có khi vật thể lại bị cuốn đi mất trong tích tắc” - anh Phú kể.

Đại úy Nguyễn Minh Đức nhớ lại: khi đó không chỉ tàu 884 mà tất cả các tàu quét biển của Đoàn 6 Hải quân như 888, 886, 885... đều được điều động về đây làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn.

“Chỉ ở Đoàn 6 Hải quân mới có những thiết bị đặc chủng dò tìm và nhận dạng đáy biển nên việc tìm kiếm là hết sức nặng nề, vừa là nhiệm vụ, trọng trách, vừa là nghĩa tình đồng chí, anh em. Chúng tôi làm việc không quản ngày đêm và dốc hết sức mình là vậy!” - anh Đức nhớ lại.

Có thể nói những ngày quét đáy biển tìm Su 22 là những ngày đáy biển ở khu vực đảo Phú Quý như được lật xới lên màn hình. Để thuận tiện cho việc tìm kiếm và các tàu không chồng chéo nhau, toàn bộ khu vực tìm kiếm hai phi công và hai máy bay được chia ô vuông để quét.

Mỗi con tàu đảm nhiệm quét một diện tích 4x4 hải lý, trong một khu vực rộng hơn 60km2 mặt biển.

Không vật thể khả nghi nào bị bỏ qua, bên cạnh những kỹ sư có chuyên môn cao nhất của tàu túc trực 24/24 giờ để căng mắt theo dõi, một phi công chiến đấu cấp 1 của trung đoàn không quân 937 cũng có mặt ở buồng quan sát cùng nhìn màn hình và nhận dạng các vật thể.

Đại úy Nguyễn Minh Đức nhớ lại: “Những mảnh vỡ của cánh máy bay đều thấy rõ. Có một đêm chúng tôi quét được cả chiếc ghế và hình dạng như một phi công đang kẹt bên trong. Nhưng dòng nước chảy dữ quá không tài nào giữ được vị trí để các lực lượng tiếp cận ngay. Vậy là phải bám theo đến ngày mai”.

Toàn tàu 884 họp phân công nhiệm vụ - Ảnh: Tiến Long
Toàn tàu 884 họp phân công nhiệm vụ - Ảnh: Tiến Long

240 giờ dò tìm đồng đội

Đại úy Phạm Văn Quang, trưởng ngành đo đạc của tàu 884, kể rằng khu vực đảo Phú Quý, nơi hai máy bay rơi, đáy biển rất lô nhô và nhiều vực sâu, vách đá ngầm.

Việc thả các thiết bị dò đáy biển cách đáy biển 8-10m, kéo lê đi như vậy rất nguy hiểm bởi các thiết bị có thể va vào đá ngầm và hỏng hóc bất cứ lúc nào.

Vì vậy, ngoài các nhân viên kỹ thuật của tàu chia ca để trực màn hình, kéo và thả cáp theo lệnh của chỉ huy, thì đích thân đại úy Quang phải có mặt suốt trong phòng điều khiển.

Nhấp chén trà xanh, người đàn ông dày dạn biển cả nhớ lại với các nhân viên kỹ thuật khác, cứ khoảng hai tiếng thì thay ca nhau một lần, nhưng anh phải ngồi suốt 240 giờ trong phòng máy để theo dõi.

“Có nhắm mắt mình cũng không ngủ được. Không phải không tin tưởng anh em nhưng quá sốt ruột. Những ngày đó toàn tàu chỉ cầu mong sao tìm được các anh và đưa về với gia đình. Và đến ngày thứ 10, khi tàu 888 tìm thấy các anh thì mọi việc được hoàn tất, tất cả được tìm thấy và chúng tôi nhẹ nhõm khi đưa thi thể các anh trở về” - đại úy Quang nói.

*** Error ***

Thuyền trưởng Phú kể rằng tàu có được những kỹ sư lành nghề và dày dạn kinh nghiệm như đại úy Quang là rất hiếm.

Vì vậy trong các chiến dịch tìm kiếm lớn hay những nhiệm vụ đặc biệt anh đều có mặt. Còn nhớ cách đây gần một năm, ngày 9-11-2014, sau một hành trình dài gần bảy tháng đo đạc trên biển, tàu 884 được lệnh về cảng Hải Phòng.

Trời đã nhá nhem tối. Những tưởng sẽ được gặp lại vợ con, gia đình sau những ngày dài xa cách, thì bất ngờ có lệnh cấp trên điều động đại úy Phạm Văn Quang tức tốc lên đường làm nhiệm vụ tìm kiếm tàu Phúc Xuân 68 gặp nạn ở Nha Trang làm tám thuyền viên mất tích.

Gói quà cho con gái anh Quang đành gửi lại cho đồng đội mang về cùng lời nhắn hộ với vợ anh là anh phải lên đường làm nhiệm vụ. Từ Hải Phòng anh vội vã lên tàu quật ngược vào Nha Trang để quét biển tìm kiếm.

Và trong cuộc tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia mất tích, con tàu HQ-888 mang tên viện trưởng Trần Đại Nghĩa của Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển cùng một tổ chuyên trách cứu nạn của trung đoàn 196 Hải quân gồm: 1 quân y, 1 nhân viên kỹ thuật, kèm theo trang bị (10 máy lặn, 1 buồng tăng áp, 2 máy nén khí cơ động và các trang bị đồng bộ kèm theo) cũng được điều động xuất phát tại căn cứ Cam Ranh để tổ chức tìm kiếm máy bay bị nạn.

Chủ nhiệm chính trị Đoàn 6 Hải quân - thượng tá Đặng Ngọc Minh khẳng định cùng với không quân, việc đưa con tàu khảo sát thăm dò màu 3D hiện đại nhất Đông Nam Á vào tìm kiếm là một bước tiến dài của Hải quân Việt Nam trong công cuộc hội nhập quốc tế.

Nó không những thể hiện sức bật mạnh mẽ của Hải quân Việt Nam mà còn là tấm lòng, trách nhiệm của người dân Việt Nam với bạn bè quốc tế.

..............

Kỳ trước

>> Kỳ 1: Ra khơi quét biển

>> Kỳ 2: Thả “cá mập” điện tử...

>> Kỳ 3: Một ngày dò biển bằng xuồng

.......................

Kỳ tới: 

Những tấm bản đồ thấm đẫm máu xương

HỒ TẤN VŨ - 
ĐẶNG TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên