16/06/2011 04:11 GMT+7

Những người "bắt mạch" đất trời - Kỳ 3: Đong đếm đất trời

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - Năm giờ sáng của ngày thứ bảy, khi mọi người vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ, tận hưởng ngày cuối tuần thì tại Trạm khí tượng thủy văn Điện Biên, nhiều cán bộ của trạm đã chuẩn bị thay một kíp trực mới.

Kỳ 1: “Đánh đu” trên miệng hà bá Kỳ 2: Mái ấm giữa mờ xa

c7vA365G.jpgPhóng to

Quan trắc viên Bùi Thị Măng thả bóng thám không - Ảnh: Ngọc Quang

Trung tâm ở đây gồm có ba đơn vị, trạm vô tuyến thám không, trạm khí tượng và trạm khí tượng nông nghiệp.

“Ném tiền lên... trời cũng phải đúng giờ!”

Hóa ra lâu nay đêm đêm nhìn lên bầu trời những đêm quang mây vẫn thấy những ngôi sao di động và biết đó là bóng thám không dùng để đo các thông số khí tượng, nhưng phải đến lúc này ngồi trong căn phòng nhỏ cùng với anh Nguyễn Văn Thanh, trưởng Trạm vô tuyến thám không Điện Biên, mới tường tận được hết các công đoạn.

Bóng thám không được làm bằng cao su, đường kính hơn 1m, như một kiểu khinh khí cầu cỡ nhỏ, được bơm hydro vào để dễ dàng mang thiết bị cảm biến bay lên không trung.

Thay vì những bóng pilô ngày trước, bây giờ thiết bị máy móc hiện đại hơn. Cái máy đo cảm biến khí tượng hiệu Vasala - radiosonde này của Phần Lan sản xuất, trị giá 200 euro (gần 5,5 triệu đồng). Máy được đưa lên cao nhờ bóng thám không (bóng khinh khí) bằng cách buộc máy vào bóng (trước đây có nhiều nơi trên thế giới máy được phóng bằng tên lửa, hoặc được thả từ máy bay - máy thám không treo bằng dù).

Trước khi tiến hành, máy được đấu nối với máy tính để kiểm tra, cân chỉnh các thông số và mang ra vườn. Ở đó, quan trắc viên Bùi Thị Măng sau khi bơm hydro vào quả bóng khinh khí rồi mang ra gắn vào cọc. Thiết bị được buộc chặt vào cuối bóng. Kim đồng hồ chỉ đúng 7g sáng, bóng được kéo khỏi chốt giữ và chỉ chốc lát bay hút lên tầng không.

Trên chặng đường bay ấy, các yếu tố khí tượng như nhiệt độ, áp suất, độ ẩm của không khí dọc theo chiều cao tầng khí quyển từ mặt đất lên đến vài chục kilômet đều được các bộ cảm biến nhiệt, khí áp, độ ẩm của máy ghi nhận và chuyển các giá trị đo được sang bộ phận mã hóa. Sau đó anten phát từ máy sẽ truyền tín hiệu về mặt đất. Ở mặt đất, các thiết bị theo dõi, thu sóng, phân tích cho ra các kết quả.

Chúng tôi đã ngồi với các quan trắc viên trong phòng làm việc, vị trí bóng bay đến đâu được vẽ thành một đường tín hiệu trên màn hình. Và bên cạnh đó hiện ra độ cao của bóng, vị trí cách xa trạm, các thông số khí tượng. Anh Thanh bảo có khi bóng bay tới độ cao gần 40km và cách xa trạm đến 200km. Tuy nhiên thông số chỉ cần đến độ cao 12km là được, đó là độ cao mà các máy bay hoạt động, nếu bóng bị nổ dưới độ cao này thì bắt buộc phải tiến hành thả bóng khác. Dán mắt vào màn hình, đúng 35 phút sau khi thả bóng, lúc 7g35 sáng, bóng đạt độ cao 14,945km và cách xa trạm 24,7km thì bóng nổ.

Anh Thanh nói: hôm nay thời tiết xấu, bóng nổ sớm, nhưng đã vượt qua độ cao quy định là 12km, như vậy là đạt yêu cầu. Quả bóng nổ, nghĩa là cái máy cảm ứng Vasala trị giá 200 euro ấy cũng... tan tành, cộng với chi phí của quả bóng 500.000 đồng, mỗi ngày bình quân trạm thả một bóng, nghĩa là ném lên trời... chừng 6 triệu đồng, nhân cho 365 ngày mỗi năm. Đấy là trạm Điện Biên thả mỗi ngày một quả, các trạm ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM mỗi ngày thả hai quả, trạm Vinh một quả... Ném lên trời gần 10 máy mỗi ngày, nhân với 200 euro mỗi máy, nhân với 365 ngày trong năm thì đúng là một số tiền khổng lồ! Dịp chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, mỗi ngày Trạm Điện Biên phải thả hai bóng thám không, thông tin thời tiết nhiều khi khiến anh em “lên ruột” theo.

Anh Thanh bảo giờ thả bóng phải tuyệt đối chính xác vì cùng thời điểm ấy hàng ngàn trạm khác trên địa cầu cùng thả bóng, số liệu phải diễn ra đúng thời điểm mới cho kết quả dự báo chính xác được.

Nếu thời gian cập nhật số liệu các vùng chênh nhau sẽ không cho ra kết quả đúng. Chưa kể đường bay của bóng phải tính toán vào thời điểm không có máy bay hoạt động trên vùng trời, bởi nếu chẳng may bóng vướng vào máy bay thì thậm nguy vì bóng được bơm đầy khí hydro và càng lên cao áp suất giảm, bóng giãn nở ra có đường kính lên tới hàng mét. Thảo nào anh em ở trạm cứ bảo “ném tiền lên trời cũng phải đúng giờ!”.

Các số liệu về tốc độ gió, nhiệt độ, ẩm độ sẽ được mã hóa và truyền về bốn đơn vị là trung tâm dự báo thời tiết, đài cao - không, Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc và trao đổi với mạng lưới khí tượng thế giới.

Lặng lẽ những con số

Giờ giấc của anh chị em quan trắc ở trạm thám không vô tuyến thám không chính xác đã đành, hóa ra khi đến Trạm khí tượng Sa Pa, câu đầu tiên chúng tôi nghe chị Lê Thị Liên, trưởng trạm, cũng mang nội dung như thế.

Chị Liên bảo: “Nghề chúng tôi hầu như làm việc ở nơi xa xôi hẻo lánh, không có ai giám sát, nhưng chấp hành kỷ luật làm việc có lẽ không nghề nào bằng. Mà có muốn không tuân thủ kỷ luật cũng không được, ca nào không tuân thủ giờ giấc là bị phát hiện ngay”. Nói rồi chị chỉ vào cái áp kế để ngay trong phòng làm việc.

Chiếc kim của máy áp kế cứ đều đều kẻ những vạch chì trên băng giấy, cứ đúng giờ quan trắc viên của ca trực phải đánh dấu vào băng giấy đó, nếu không đánh dấu đúng giờ thì băng giấy đi qua, không có dấu đánh lên đó sẽ phát hiện ngay sự vắng mặt của người trực.

Ở Trạm khí tượng thủy văn Sa Pa này tất cả cán bộ quan trắc đều là nữ. Chị Liên vào nghề từ năm 1988, đã 23 năm theo nghề, cũng 23 năm chị công tác tại trạm này. Sa Pa nổi tiếng với mùa đông giá rét. Không nhớ hết bao nhiêu mùa đông Sa Pa có băng tuyết.Thế nhưng ca trực của các chị là bất di bất dịch, mỗi ngày bốn lượt, cách nhau sáu giờ.

Ca đầu tiên lúc 1 giờ sáng, tiếp theo lúc 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ. Đều đặn như vậy, dù mưa hay nắng. Đã 23 năm trong nghề nhưng chị Liên vẫn thấy ngại ca trực lúc 1 giờ sáng. Mùa đông gió rét mịt mù, đồng hồ sinh học của con người ta vào giờ ấy khó thích ứng với việc thức dậy lặn lội ra vườn quan trắc đo đạc số liệu. Biết là khó vậy nhưng cũng 23 năm nay chưa bao giờ chị trễ một ca trực nào.

Chị cười hồn hậu: “Công việc của chúng tôi chỉ có vậy, cứ đều đặn, tuần tự như thế, mỗi ngày bốn ca, các anh nghe chắc là chán lắm”. Nhưng chắc chắn nếu không có những “ốp” trực đều đặn ấy của 4.000 quan trắc viên khí tượng thủy văn trên đất nước này, cuộc sống mỗi ngày của 80 triệu người dân trên đất nước này sẽ bị động hơn với mưa nắng mỗi ngày.

Đưa chúng tôi ra vườn quan trắc, chị hướng dẫn chúng tôi từng chi tiết về thế nào là “phong kế”, “vũ kế”, “nhiệt biểu”, “vũ lượng ký”, “nhật quang ký”... Rồi từ hàng ngàn số liệu trên khắp cả nước được truyền về, từ bóng thám không trên trời, từ vườn quan trắc trên núi cao, từ trạm thủy hải văn giữa trùng dương... mà nên những bản tin thời tiết vài phút ngắn ngủi. Vài phút ngắn ngủi ấy lại thiết thân với hàng triệu người dân.

__________

Cho đến giờ trạm khí tượng Mường Lay vẫn không có điện lưới, phải trông chờ vào trời mưa để hứng lấy nước mà dùng. Muốn tắm giặt lại phải chạy xuống chân dốc, ra tận sông Nậm Na. Mỗi lần tắm xong đi ngược lên trạm thì mồ hôi đổ ra ướt đầm, bụi bám vào như là chưa tắm.

Kỳ tới: Ở lại cùng dâu bể Mường Lay

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên