Những đứa trẻ vươn lên từ nếp nhà sàn

TTO - Những đứa trẻ mới lớn cơm chưa đủ ăn, áo còn chưa đủ mặc ở nơi vùng Tây Bắc xa xôi chỉ mong tiếp tục được đi học, để thoát khỏi cái nghèo đói bủa vây trong nếp nhà sàn bao đời nay.

Ngày hè, ba mẹ của đám trẻ thành phố lên kế hoạch chi tiết hè này con sẽ học thêm môn gì hay đi du lịch đâu xa cho trẻ đỡ căng thẳng sau một năm học. Nhưng với đám trẻ con miền núi nghèo như cô bé Đinh Thị Khiếu (11 tuổi, bản Sam Kha, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) thì quẩn quanh chăn con trâu con bò cũng hết ngày.

Những đứa trẻ vươn lên từ nếp nhà sàn - Ảnh 1.

Bố bị nặng tai, mỗi lần hai bố con trò chuyện, Đinh Thị Khiếu đều ghé sát và nói thật to cho bố nghe được lời của mình - Ảnh: HÀ THANH

Học vì thương bố

Khiếu lắc đầu khi nhắc đến người mẹ đã dứt áo ra đi. "Em không nhớ", mắt Khiếu ngân ngấn lệ. Mẹ bỏ đi, để lại hai bố con Khiếu trong căn nhà sàn với những bức vách thủng lỗ chỗ.

Ông Đinh Văn O - bố Khiếu nay đã gần 50 tuổi chỉ có mỗi mụn con gái. Ngày hè Khiếu được nghỉ học, hai bố con hết làm nương lại đi cắt cỏ cho con bò do Nhà nước hỗ trợ.

Ông O bị nặng tai, mỗi lần có ai hỏi chuyện thì đều nhờ Khiếu "phiên dịch". Cô bé sắp sửa lên lớp 7 này sẽ ghé sát vào tai bố nói thật to, rồi dịch từ tiếng Mường sang tiếng phổ thông những lời bố dặn dò.

"Mẹ nó bỏ đi, tôi còn mỗi đứa con này. Một mình tôi làm lụng nuôi con gái, mà nó đi học xa nhà thì tôi nhớ nó lắm", ông bố lo lắng sau này Khiếu lớn lên đi học xa nhà thì ông sẽ buồn lắm.

Những đứa trẻ vươn lên từ nếp nhà sàn - Ảnh 2.

Những tấm giấy khen dán ngay ngắn trên bức vách là thứ đáng giá nhất trong căn nhà sàn cũ kỹ - Ảnh: HÀ THANH

Nghĩ một hồi lâu, ông quay sang xoa đầu con gái bé bỏng: "Nhưng phải cho nó học à. Nó học giỏi lắm". Ông khoe thành tích học của cô con gái đạt được suốt mấy năm học qua.

Dù vắng mẹ, bố bệnh tật, cô bé Khiếu nhiều năm liền đạt học sinh giỏi, và đặc biệt có thành tích tốt với môn Toán. Lớp có 32 học sinh thì cô bé này có học lực đứng thứ hai lớp.

Những đứa trẻ vươn lên từ nếp nhà sàn - Ảnh 3.

Làm đủ mọi việc nhà nhưng Khiếu học rất giỏi. Góc giường nhỏ xíu là nơi cô bé thường ngồi ôn bài vì tận dụng được ánh sáng - Ảnh: HÀ THANH

Sáng đi học, chiều về giúp bố làm việc nhà, chăn thêm con trâu con bò, tối đến Khiếu tranh thủ chút ánh sáng yếu ớt nơi góc giường để học bài.

Trong căn nhà sàn lụp xụp, có lẽ thứ đáng giá nhất là mấy tấm giấy khen dán ngay ngắn trên bức vách. Chặng đường phía trước còn dài, nhưng Khiếu nói sẽ cố gắng học vì bố. 

"Em sẽ học để sau này bố đỡ khổ. Em ước mong làm cô giáo", Khiếu mong ước.

Không muốn bỏ học như anh

Những đứa trẻ vươn lên từ nếp nhà sàn - Ảnh 4.

Em Đinh Thị Nhàn (áo đỏ) đang đứng trước nguy cơ ngừng việc học như anh trai vì gia cảnh nghèo khó - Ảnh: HÀ THANH

Trong căn nhà sàn Đại đoàn kết vừa được xây tặng, em Đinh Thị Nhàn (13 tuổi, bản Sam Kha) bật khóc khi nhắc đến người anh trai đang đi làm thuê nơi xa.

Nhàn kể, vì đi học xa nhà nên mỗi tháng anh trai phải đóng 200.000 đồng tiền thuê trọ. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn không có nổi 200.000 đồng hàng tháng đóng tiền trọ nên chỉ mới học xong lớp 11, anh trai Nhàn quyết định dừng việc học để đi làm kiếm tiền giúp đỡ gia đình.

Chị Đinh Thị Quyếng (47 tuổi) không có chồng, thường xuyên ốm đau, trong căn nhà sàn còn có thêm mẹ già năm nay đã 84 tuổi. Tất cả ba miệng ăn giờ chỉ trông chờ vào hai con bò Nhà nước hỗ trợ và số tiền làm thêm hơn 1 triệu đồng ít ỏi hàng tháng của cậu con trai gửi về.

Để có tiền mua sách vở thì một buổi đi học, buổi còn lại Nhàn tranh thủ đi mò con cua con ốc đỡ đần thêm cho mẹ. "Mỗi bữa chăm chỉ cũng được 10.000 - 15.000 đồng, đứa bạn em hiểu hoàn cảnh của em nên thấy em sắp hết sách vở là rủ đi mò cua bắt ốc thật nhiều", Nhàn tâm sự.

Từ ngày gia đình có thêm con bò hỗ trợ, học về là cô bé Nhàn đi chăn bò, cắt cỏ cho bò ăn, tranh thủ còn thời gian là em lên rẫy phụ mẹ trồng ngô.

Những đứa trẻ vươn lên từ nếp nhà sàn - Ảnh 5.

Bữa cơm của gia đình Nhàn. Mỗi người chỉ được bát cơm trắng, bữa nào Nhàn kiếm được con cua con ốc bán lấy tiền thì bữa đó có thêm quả trứng hay vài ba miếng thịt, nắm rau rừng - Ảnh: HÀ THANH

Khó khăn bủa vây bao đời nay, bữa cơm ngày thường chỉ có duy nhất bát cơm trắng, mỗi người một bát cơm cứ thế là qua bữa. Bữa nào bé Nhàn bán được con cua con ốc thì bữa cơm hôm đó có thêm quả trứng hay vài ba miếng thịt và nắm rau rừng em hái được.

Ban ngày làm đủ việc nhà, tối đến cô bé này ngồi học bài chăm chỉ và còn kèm cặp thêm vài đứa nhỏ ở trong bản, em dạy chúng làm Toán, tập đọc thành thạo tiếng Việt.

Còn nhỏ tuổi nhưng Nhàn ý thức được hoàn cảnh gia đình, em đếm đi đếm lại số nợ mà gia đình đang vay mượn: nợ ngân hàng 10 triệu đồng kèm thêm nợ tiền mua ngô giống chừng 7 - 8 triệu đồng từ các cửa hàng.

"Càng ngày nhà càng khó khăn hơn, em sợ phải nghỉ học giữa chừng như anh. Em muốn được đi học, muốn hiểu biết rộng hơn nhưng em lo quá", cô bé mới 13 tuổi này không khỏi lo lắng cho con đường học phía trước.

Những đứa trẻ vươn lên từ nếp nhà sàn - Ảnh 6.

Ôn bài xong còn thời gian là Nhàn kèm thêm mấy đứa trẻ ở bản, dạy chúng tập đọc, làm Toán - Ảnh: HÀ THANH

Cơm không đủ ăn, có bữa em để bụng đói đến trường, nhưng Nhàn chỉ có một ước mong duy nhất là được đến trường. Năm học mới này, Đinh Thị Nhàn sẽ bước sang lớp 8 và đã tự "vạch lộ trình" học cho bản thân.

"Sau này đi học xa nhà nếu thấy người ta thuê việc gì thì em cũng làm, miễn sao có tiền học. Em cũng nghe nói học sinh dân tộc nếu học giỏi thì nên thi vào trường nội trú, đỗ rồi thì không phải lo tiền học. Em muốn làm bác sĩ để sau này về lại bản chữa bệnh cho người ốm đau, chữa bệnh cho bà nữa", Nhàn mong ước.

"Con không cha như nhà không nóc"

Những đứa trẻ vươn lên từ nếp nhà sàn - Ảnh 7.

Bố mất khi hai anh em còn nhỏ, em Mùi Văn Thuận ra dáng anh cả làm hết mọi việc nhà để đỡ đần mẹ - Ảnh: HÀ THANH

Vượt hơn 50km đường núi, những nếp nhà sàn ở bản Cà Đạc, xã Tân Hợp thấp thoáng hiện ra trong lớp mây mù. Con đường dẫn lên bản cứ dốc thẳng đứng, chỉ "tay lái lụa" mới dám đi xe máy lên tận nơi, còn lại chỉ còn cách đi bộ. Có đi cung đường này mới thấu được nỗi khó khăn và quyết tâm học lấy con chữ của đám trẻ miền núi Tây Bắc.

Sáu năm trước, chồng mất vì tai nạn điện giật khi đang giúp dân kéo điện về bản, từ đó đến nay chị Mùi Thị Thức (47 tuổi) một mình nuôi hai con. "Con không cha như nhà không nóc", chị làm quần quật cả ngày ở rẫy cũng chỉ đủ ăn đủ mặc cho mấy mẹ con nhưng chị quyết tâm phải cho hai đứa con trai ăn học đến nơi đến chốn.

Những đứa trẻ vươn lên từ nếp nhà sàn - Ảnh 8.

Chồng mất, một mình chị Thức nuôi hai đứa con nhỏ. Niềm vui lớn nhất của chị là hai đứa con luôn chăm ngoan - Ảnh: HÀ THANH

Đều đặn mỗi tháng, chị Thức bế đứa con út xuống viện chữa bệnh, đợt này sức khỏe đứa út đỡ hơn nên chị có thời gian chăm nương ngô nương lúa.

Là anh cả trong nhà, thằng bé Mùi Văn Thuận (12 tuổi) làm đủ việc nhà, từ phụ mẹ quét dọn nhà cửa, nấu cơm đến cắt cỏ cho bò ăn. "Em làm hết việc vì thương mẹ, thương em", Thuận giải thích lý do ôm hết việc trong nhà.

Em trai Thuận là Tú, chỉ kém Thuận 7 tháng nhưng mới học lớp 4. "Thằng anh thương thằng em nó lắm, nó ốm suốt", chị Thức nói. Đi học về, thấy mẹ tất bật ở trên đồi ngô, Thuận cầm cái liềm chạy theo mẹ lên đồi cắt cỏ cho bò ăn. Tối đến Thuận tranh thủ ôn lại bài vở và hướng dẫn em trai học bài.

Những đứa trẻ vươn lên từ nếp nhà sàn - Ảnh 9.

Tú - em trai của Thuận (trái) cứ mân mê tấm giấy khen của anh trai vì tự hào - Ảnh: HÀ THANH

Năm học vừa rồi Thuận đạt học sinh tiên tiến. Em tự hào khoe giấy khen với em trai và khuyên em cần cố gắng chăm chỉ hơn. Ước mơ của cậu bé nghèo miền núi này là cố gắng học thật chăm chỉ, sau này lớn lên sẽ trở thành chú công an đi bắt tội phạm.

Chồng mất, hai đứa con còn chưa kịp lớn, chị Thức đi vay mượn khắp nơi miễn sao có đủ tiền chữa bệnh cho con và nuôi chúng ăn học. Có lẽ niềm hạnh phúc mà người mẹ trẻ mới 30 tuổi này nhận lại được là hai đứa con đều chăm chỉ và biết vâng lời mẹ.  

Bài và ảnh: HÀ THANH


100 suất học bổng Đèn Đom Đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online sẽ giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻtổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam .

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên