17/05/2023 11:34 GMT+7

Những đứa con mãi không chịu 'lớn' - Kỳ 4: Cho trẻ cơ hội đương đầu thử thách

Dù bố mẹ có thương và bảo bọc con tới đâu thì tới lúc nào đó, con buộc phải tự sống độc lập, va chạm với đời và trưởng thành.

Cha mẹ nên tập cho con biết phụ giúp việc nhà từ nhỏ để rèn dần tính tự lập - Ảnh: Y.TRINH

Cha mẹ nên tập cho con biết phụ giúp việc nhà từ nhỏ để rèn dần tính tự lập - Ảnh: Y.TRINH

Người xưa có câu: "Ai nắm tay đến tối, ai gối tay đến sáng", tức đời người sẽ có lúc này lúc khác, dù bố mẹ có thương và bảo bọc con tới đâu thì tới lúc nào đó, con buộc phải tự sống độc lập, va chạm với đời và trưởng thành.

Còng lưng gánh nợ thay con

Theo các chuyên gia, giáo dục cuộc đời đứa trẻ không phải chỉ có tiền tài vật chất, mà còn cần tập hợp của sự phát triển, trong đó liên quan đến giáo dục kiến thức, trí lực... để con có khả năng tự sống và sống vui vẻ với đời dù không còn bố mẹ ở cạnh.

Học xong lớp 12, Lê Nhật (36 tuổi, đã được đổi tên) ra Hà Nội học trường nghề nhưng bỏ ngang, rồi vào TP.HCM làm việc tại một tiệm cầm đồ. Dù thật thà, song Nhật mắc "bệnh ham vui", anh ứng trước lương cả năm và lấy tiền hàng của tiệm để bao bạn bè bất kể thân sơ.

Nợ chất chồng, con dại thì cái mang. Hằng tháng cha mẹ của anh phải gom góp từng đồng trả nợ cho con. Năm 2015, Nhật làm thêm công việc chạy bàn tại quán ăn của người quen vào ban đêm, còn ngày vẫn làm tiệm cầm đồ.

Một đêm cách đây ba năm, Nhật chạy xe về nhà trong trạng thái say mèm. Đến một ngã tư, nhìn đèn đỏ mà ngỡ ánh đèn trong quán bar vẫy gọi. Anh vặn ga lao vào... bên hông thùng xe container. Sau một tháng điều trị, Nhật xuất viện, sức khỏe giảm sút. Nhưng lạ ở chỗ, sức khỏe lại... tỉ lệ nghịch với mức độ ăn chơi. Trước đây nếu chỉ ham nhậu, nay thêm cờ bạc, cá độ.

Sau vụ tai nạn, Nhật còn "nằm đường" không biết bao lần vì say. "Ngoài quê, bố mẹ nó đang gánh nợ không biết bao giờ mới trả xong. Ông bà tâm sự rất buồn nhưng không biết làm sao để nó thay đổi...", anh Lâm - chủ tiệm cầm đồ nơi Nhật làm việc - nói. Ăn chơi trác táng khiến Nhật liên tiếp lâm nợ lên đến 1 tỉ đồng, chưa kể những khoản nợ thẻ tín dụng, bạn bè, người thân.

"Em làm khổ bố mẹ, người thân nhiều quá rồi. Em muốn quên đi những tháng ngày tệ hại để làm lại từ đầu. Nếu suôn sẻ, sau này hằng tháng em cũng dành dụm được một ít, gửi gia đình để trả nợ dần", Nhật kể với anh Lâm.

Về phía cha của Nhật, ông chia sẻ rằng cũng vì quá tin tưởng con, nghe con cần vốn làm ăn nhưng ông lại không tìm hiểu, góp ý. "Tôi đã buông lỏng cho con muốn làm gì thì làm. Thôi thì con dại cái mang, máu chảy ruột mềm. Tôi và bà nhà cố gắng làm lụng trả nợ dần cho con. Mong rằng đây là bài học xương máu để cháu làm lại từ đầu", ông giãi bày.

Giật mình nhìn lại

Tương tự cha của Nhật, nhiều bậc cha mẹ sau những năm tháng nuông chiều con đã giật mình nhận ra sai lầm của mình. Bà Dung, mẹ của Nguyễn An (đã được đổi tên, 37 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) hiện đang sống với nỗi chán chường khi người con trai bao năm qua làm khổ bà.

Con bà Dung chịu chơi, xài sang, lại mê nhậu nhẹt là kết quả mà bà Dung tự nhận do mình cưng chiều con hết mực, đòi gì được nấy vì muốn con có thể ngẩng mặt với đời. Bà cũng "lót ổ" sẵn cho An một căn nhà nhỏ.

Công việc kinh doanh của gia đình phát đạt nên bà cho con trông coi một chi nhánh bán hàng. Quen "làm biếng", nhiệm vụ này đối với An là quá sức tưởng tượng. Hầu như không thấy mặt An ở cửa hàng, bà đành để con trở về với thú ăn chơi thường ngày.

Dần dà tiền gia đình chu cấp không đủ đổ vào những cuộc vui, An "khởi nghiệp" bằng cách cá độ qua mạng, phải vay tiền bạn bè, bán xe. Trước tình cảnh này, bà Dung âm thầm rút sổ tiết kiệm trả nợ thay con, cho tiền xài.

Sau đó con bà lao vào đầu tư tiền ảo. Ban đầu anh thắng lớn, tậu xe hơi, xài hàng hiệu... khiến ai cũng trầm trồ. Người thân tin tưởng rót tiền cho anh đầu tư. An tiêu xài bạt mạng và tiếp tục bơm tiền vào đầu tư. Rồi một ngày, tin tức "sàn X bay màu rồi" khiến toàn bộ số tiền vay mượn đầu tư mất sạch.

Bà Dung cùng với người nhà phải dốc hết tiền bạc, bán thêm căn nhà cũng chỉ đủ trả cho vài người. An cầm cự bằng cách vay người này trả người kia với lãi suất cao hơn. Đồ đạc, xe cộ trong nhà lần lượt ra đi, anh phải trốn chủ nợ. Bà Dung lúc này mới nhìn nhận do mình quá nuông chiều con mà ra nông nỗi.

Tiến sĩ Bích Hồng: “Hãy để con tự đương đầu thử thách” - Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Bích Hồng: “Hãy để con tự đương đầu thử thách” - Ảnh: NVCC

Cha mẹ nên sớm nhận ra dấu hiệu của con

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hồng - tiến sĩ giáo dục học - đối với cha mẹ chẳng may có con đang sống dựa dẫm, hoặc có những biểu hiện phụ thuộc thì nên nhận ra dấu hiệu ngay từ đầu và kiên quyết ngừng việc chu cấp lại.

"Đổi lại là hãy giao trách nhiệm cho con, để con trải nghiệm nhiều thứ. Có thể trong hành trình đó, con sẽ gặp khó khăn nhưng mình cũng phải ráng lòng để con được thử thách, rèn luyện trở lại. Còn cứ tiếp tục nuông chiều, bảo bọc sẽ không đem lại kết quả tích cực cho cả con và bản thân người làm cha mẹ", tiến sĩ Bích Hồng cho biết.

Còn với bậc cha mẹ may mắn chưa gặp phải đứa con như vậy nhưng đang dạy con theo cách chiều hư, bà Hồng có lời khuyên là không nên tiếp tục thái độ bảo bọc, nuông chiều, hoặc có thái độ độc đoán để áp đặt con cái. Bà chia sẻ: "Cả hai cách dạy đó đều không thể nào giúp con trưởng thành lên được mà phải là thái độ đồng hành, làm bạn với con, cư xử một cách tôn trọng để con được thể hiện bản thân, được thử thách. Có như vậy, đứa con sau này mới thật sự vững vàng được".

Cái chết của gia đình "80-50"

Hồi tháng 1-2023, cái chết thương tâm của gia đình ba người ở hòn đảo miền Trung Nhật Bản trở thành vấn đề nổi cộm bằng tên gọi "gia đình 80-50", tức cha mẹ hơn 80 tuổi vẫn phải nuôi con thất nghiệp, sống ẩn dật (gọi là "hikikomori") ngoài 50 tuổi.

Theo đó, cặp vợ chồng 91 và 88 tuổi cùng con trai 59 tuổi được phát hiện chết trong nhà riêng tại thành phố Sado, tỉnh Niigata. Trước khi bi kịch ập đến, người cha nằm liệt giường, người mẹ mắc chứng mất trí nhớ và đi lại khó khăn. Họ sống cùng con trai thứ hai, người này thất nghiệp gần 6 năm nay, không kết hôn, hạn chế giao tiếp, rất ít khi rời khỏi nhà cha mẹ mà tự nhốt bản thân trên tầng hai.

Sở cảnh sát địa phương xác định người con trai chết trước vì bệnh tật, sau đó cha mẹ anh qua đời do tuổi cao sức yếu.

- Nội dung bài viết đáng để mỗi người, mỗi gia đình phải suy ngẫm. Chúng ta coi mỗi cá nhân, mỗi gia đình là tế bào của xã hội, mỗi tế bào đó khỏe mạnh thì cơ thể xã hội mới khỏe mạnh. Không chỉ một số người trong độ tuổi lao động, không chịu trách nhiệm về bản thân mình mà còn ăn bám vào cha mẹ, người đã hết tuổi lao động. Ngay gia đình tôi, không đến mức vợ, các con ăn bám vào ai, song tư tưởng "ngậm thìa vàng", tống đồ ăn vô mồm bằng "thìa bạc" cũng có...

PHẠM THIẾT HÙNG

- Một bộ phận lớp trẻ được nuông chiều thôi, những người này lại giỏi lên mạng kê kích nhau, nhuộm tóc đủ màu, xăm trổ tỏ ra anh chị, thuốc lá phì phèo. Từ nhỏ không rèn luyện, lớn rồi rất khó.

KHANG LƯU

- Mình theo dõi các bài và thấy đây là câu chuyện không của riêng ai. Nó đã thành vấn đề xã hội cần đào sâu, có giải pháp, để tương lai chúng ta không phải là một xã hội chỉ có người già vất vả còn người trẻ thờ ơ, bất hiếu, lệ thuộc. Thân!

NGẪM CHUYỆN ĐỜI

- Rất mong Tuổi Trẻ tập trung vào những mảng vấn đề xã hội tương tự loạt bài này, để xã hội dần bớt đi những chuyện đau lòng, không vui... Cũng như để thức tỉnh những người làm cha, làm mẹ.

LÃO GÀN

Cha mẹ đã về hưu, chỉ còn đồng lương vừa đủ sống cơ bản cho bản thân, nhưng vẫn phải nuôi những đứa con đã 30, 40 tuổi đầu, thậm chí nuôi cả cháu nhỏ.

Kỳ tới: Sống bám tới đồng lương hưu của cha mẹ

Những đứa con mãi không chịu "lớn" - Kỳ 3: Chuyện nhỏ, chuyện lớn gì cũng "mẹ ơi, ba ơi"Những đứa con mãi không chịu 'lớn' - Kỳ 3: Chuyện nhỏ, chuyện lớn gì cũng 'mẹ ơi, ba ơi'

Dù đã 40 tuổi, anh Tuấn Minh vẫn không tự quyết những chuyện quan trọng, khiến gia đình luôn lo lắng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên