Có bậc cha mẹ đến cuối đời vẫn còng lưng trả nợ khi con không những dựa dẫm mà còn phá gia chi tử...
Hai lần bán nhà trả nợ cho con
Sáng thứ bảy, Đỗ Tấn Trường (28 tuổi) từ phòng trọ tại đường Dương Bá Trạc (quận 8, TP.HCM) gọi điện thoại video về hỏi han mẹ đang nằm liệt giường ở quê nhà An Giang. Nhìn mẹ quẹt nước mắt, anh ân hận bởi những lỗi lầm mình đã gây ra.
Là con trai một nên dù gia cảnh không khá giả, anh vẫn được nuông chiều. Học hết lớp 9, anh nghỉ rồi làm thợ đụng, thường xuyên xin tiền mẹ. Người mẹ thương con nên dù la mắng vẫn cho tiền, thậm chí bà phải đi vay góp theo ngày để cho con.
Năm 22 tuổi, Trường lấy 40 triệu đồng qua Campuchia đánh bạc. Càng đánh càng thua, anh xin mẹ "mượn" sổ đỏ đi cầm gần 260 triệu đồng, kể cả vay nóng tại sòng, nhưng sau đó cũng thua sạch.
Sau khi bán nhà trả nợ cho con gần 400 triệu đồng, còn dư chút đỉnh, cha mẹ anh mua căn nhà ván cũ sâu trong hẻm nhỏ ở An Giang. Trường lại làm đủ nghề, nhưng mỗi nghề vài tháng rồi bỏ. Chán nản, vợ anh đâm đơn ly dị, ôm con bỏ đi. Anh có người vợ sau và một con gái, lại càng túng thiếu.
Ngày còn khỏe, ngoài việc bán bún nuôi cả nhà, mẹ anh còn phải chắt chiu phụ nuôi cháu. Hai năm trước, anh lại "mượn" mẹ 200 triệu đồng làm ăn và vay thêm app lãi suất cắt cổ. Căn nhà thứ hai của cha mẹ lại "bay" mất khi anh bị chủ nợ tới tận nhà dưới quê.
Cha mẹ anh lại cố gắng mua căn nhà thứ ba, dĩ nhiên càng xập xệ hơn căn trước. Mẹ anh nhiều bệnh nhưng không dám đi khám. 8 tháng trước, bà nằm liệt giường ngay lúc vợ Trường vừa sinh con thứ hai.
Đứa con gần 30 tuổi sực tỉnh, ân hận và tìm cách... báo hiếu. Anh ra sức làm lụng nhưng cảnh khổ vẫn đeo bám, phải vay mượn khắp nơi gửi về quê.
Tương tự, Nguyễn Hùng (27 tuổi, quê thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) là con một. Anh làm quen thuốc lá, rượu bia, đua xe từ thời trung học. Theo lời mẹ anh là bà Hồng (49 tuổi), không ít lần con bà ngó ai "thấy ghét" là kiếm chuyện đánh nhau, khiến bà phải đi xin lỗi và bồi thường tiền thuốc men.
Càng lớn, trình độ ăn chơi của Hùng càng... "đẳng cấp". Mẹ anh tâm sự rằng con mình hay nói "tiền ông bà già ăn ba đời không hết, học làm gì phí thời gian".
Từ ngày thôi học, anh ăn chơi vô độ. Hết tiền, anh cầm cố đồ đạc. Cứ vài ba bữa, bà Hồng lại mang tiền đi chuộc đồ. Vợ chồng bà nhiều lần tạo công ăn việc làm, mong con tu tỉnh làm ăn. Rồi cũng đến lúc Hùng lấy vợ, được mua nhà và cho một khoản kha khá làm ăn. Anh tiếp tục lao vào những cuộc vui. Vợ anh quyết định đường ai nấy đi, anh lại tiếp tục sống bám cha mẹ...
Đốt nhà cha mẹ vì xin tiền không được
Ở Bến Lức (Long An), Trương Minh Hiếu dù đã 34 tuổi cũng vẫn "ký sinh" cha mẹ. Bỏ học từ lớp 10, anh được cho tiền mở tiệm sửa điện thoại. Chưa đến hai năm, anh dẹp tiệm bởi phải... trốn nợ số đề, cá độ.
Hiếu có vợ và con gái. Thuê trọ tại Bến Cát (Bình Dương), ban ngày vợ ở nhà giữ con, anh lông bông đá gà và ăn nhậu đến chiều tối mới về, để vợ đi làm cho một quán ăn.
Mỗi tháng, cha mẹ anh gửi 3 triệu đồng phụ giúp. Anh được vợ cho 200.000 đồng/ngày tiền... giữ con, nhưng thường xuyên mắng vợ nếu xin thêm mà không cho. Thấy chồng "hết thuốc chữa", người vợ dẫn con bỏ đi. Anh về lại nhà cha mẹ.
"Trước Tết, nó lén đem điện thoại của tui đi cầm. Tui phải mượn tiền người ta chuộc lại. Bữa Tết, nó xin 3 triệu đồng mà tui với cha nó không có tiền cho. Buổi chiều, tui đang nấu cơm thì nghe nó la lên cháy nhà. Cả nhà mới tá hỏa thấy lửa cháy trong phòng ngủ của vợ chồng tui, rồi la nhờ ở xóm tới dập lửa tiếp.
Cũng may chỉ cháy cái nệm với bị nám trần nhà, chưa lan ra hết nhà. Không biết sao nó mới đốt nhà thì thức tỉnh hay hoảng sợ, la lên để người ta vô dập lửa kịp" - bà Thảo, mẹ Hiếu, khóc kể.
Tại cha mẹ và tại con
Theo TS giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng, vấn đề con cái sống bám vào cha mẹ có thể chia làm hai dạng. Thứ nhất là dựa dẫm về vật chất. Đây là đứa con đã tới tuổi trưởng thành nhưng không có nghề nghiệp, hoặc có nghề nhưng không chịu làm việc, đòi hỏi cha mẹ phải chu cấp, không tự nuôi sống bản thân.
Họ có làm ra tiền nhưng vẫn muốn cha mẹ đưa thêm tiền để trang bị cho mình nhiều tiện nghi hơn nữa, đại khái là đòi hỏi hưởng thụ nhưng từ nguồn tài chính hoặc tài sản của cha mẹ.
Thứ hai là sự phụ thuộc, yếu đuối về mặt tinh thần. Những đứa con dạng này không dám tự lập, tự đối đầu với vấn đề mình gặp phải trong cuộc sống mà luôn dựa vào sự đỡ đần, chỉ đạo và chờ đợi cha mẹ chăm sóc hay quyết định giúp mình. Hoặc họ phụ thuộc về mặt tình cảm, dựa vào tình yêu thương của cha mẹ mà không dám tách rời khỏi vòng tay của cha mẹ.
Ngoài ra, cũng có loại thứ ba là đứa con bám cả vật chất lẫn tinh thần. Những người này không thể nào lớn lên được, mãi là một "bé con" dưới sự bảo bọc, nuông chiều của cha mẹ. Hoặc họ đã lập gia đình rồi nhưng cha mẹ vẫn phải lo lắng tiền bạc cho, chăm sóc con cái giùm cho, việc lớn việc nhỏ trong gia đình cũng nhờ ông bà hết.
Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng xuất phát từ cách nuôi dạy của cha mẹ và từ bản thân người con. Cụ thể, khi cha mẹ quá nuông chiều hoặc áp đặt định hướng tương lai của con thì con không thể trưởng thành được.
Mọi quyết định của con, cuộc sống của con lâu nay cha mẹ cung ứng hết khiến con không tự đương đầu, hoặc trước đây con muốn đương đầu nhưng cha mẹ lại bảo bọc kỹ. Sống trong sự an toàn cùng với thói quen phụ thuộc quá lâu, khi trưởng thành sẽ khiến con bị thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề.
Theo bà Hồng, nguyên nhân thứ hai có thể là do chính đứa con.
Thật ra cũng có cha mẹ cố gắng hướng dẫn, định hướng cho con nhưng bản thân đứa con lại lười biếng, thiếu bản lĩnh, có những thói quen không tốt hoặc đua đòi theo bạn bè. Họ bị ảnh hưởng từ các mối quan hệ trong cuộc sống, ví dụ thấy bạn bè mình không phải làm gì cả mà vẫn được hưởng thụ thì về nhà đòi hỏi cha mẹ phải cung ứng cho mình.
Hiện nay, nhu cầu hưởng thụ của con người được đẩy mạnh. Họ được tiếp cận nhiều nguồn hình ảnh, thông tin người khác sống tận hưởng nhu cầu vật chất.
Những điều đó cũng tạo nên cám dỗ khiến một số bạn trẻ thiếu ý chí phấn đấu, mà chỉ muốn tận hưởng ngay. Cho nên khi thấy mình thiếu điều kiện để hưởng thụ thì họ sẽ quay ra... đòi hỏi cha mẹ dù bản thân mình đã lớn.
Nhìn lại cách dạy con
Trước những vụ án đau lòng như con hại cha mẹ, chơi bời khiến tan cửa nát nhà, nhiều bậc phụ huynh cũng đã nghĩ lại cách dạy con của mình. Bà Hồng, mẹ của Nguyễn Hùng, tuy vẫn còn phần nào "bao sô" cho con nhưng đã có biện pháp cứng rắn hơn. Bước đầu, con bà đã không còn dính vào cờ bạc và biết tự đi kiếm việc nuôi sống bản thân.
"Tôi không thương con mù quáng như ngày xưa nữa. Tôi sang lại một phần cửa hàng để có thời gian bên con, cho nó mượn tiền đi mua bán nhưng tôi đứng tên trên giấy tờ. Tài chính tôi siết chặt", bà nói.
"Anh tôi hay nạt nộ mẹ, khiến mẹ buồn phiền. Anh đi làm nhiều năm cũng không phụ giúp gia đình, chưa khi nào quan tâm mua cho mẹ chai dầu gió hay vỉ thuốc...".
Kỳ 3: Chuyện lớn, chuyện nhỏ gì cũng "Mẹ ơi"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận