Người đứng đầu vừa là người dẫn đường, người gánh vác, người truyền lửa của tất cả anh em đồng hành. Trách nhiệm trên vai không chỉ là cơm áo gạo tiền, là lợi nhuận của công ty, mà còn gánh cả giấc mơ của cả những đồng đội, kỳ vọng sau này là cả đội ngũ nhân viên.
Thế hệ doanh nhân "gen Y" như chúng tôi may mắn được sinh ra và trưởng thành trong một thời đại đầy biến đổi và giao thoa, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và viễn thông, Internet, trí tuệ nhân tạo.
Chúng tôi thực tế với kinh doanh nhưng cũng đầy mơ mộng, với lý tưởng chinh phục giấc mơ "kỳ lân công nghệ", vươn tầm thế giới với sự bùng nổ của công nghệ, sức ép thay đổi rất kinh khủng.
Giấc mơ nào rồi cũng tới lúc "chân cần chạm đất". Các nhà đầu tư ngày càng khó tính hơn, thị trường bão hòa, doanh nghiệp đối mặt với sức ép và thách thức ngày càng lớn để có thể "sống sót" trong cơn khủng hoảng, suy thoái này.
Dù là giám đốc, là quản lý doanh nghiệp nhưng sẽ không còn nhiều thời gian ngồi văn phòng, thay vào đó là một ngày dăm cữ cà phê, di chuyển qua lại các địa điểm trong thành phố để đi hội thảo sự kiện, tiếp xúc bán hàng, gặp gỡ nhà đầu tư, chốt đơn hàng; họp hành có khi là những cuộc video call giữa các khung giờ di chuyển, có khi là khung giờ nửa đêm...
Những khó khăn hiện nay rất lớn, nhưng chỉ khi thực sự đối mặt với cuộc chiến sinh tồn, với nỗi lo cơm áo gạo tiền trong giai đoạn kinh tế hiện nay, chúng tôi mới thực sự ý thức được bản thân và doanh nghiệp của mình cần chuyển đổi thực tế và thực chiến hơn bao giờ hết.
Thế hệ doanh nhân Việt Nam trẻ chúng tôi mang đầy khát vọng đưa công ty mình lên tầm thế giới, đưa Việt Nam trở thành cường quốc khởi nghiệp với những start-up đứng đầu thế giới.
Và thực tế, chúng ta đã có những start-up có hàng chục triệu người dùng trên toàn cầu, có vốn hóa tỉ đô, có doanh thu hàng chục hàng trăm triệu đô từ thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, để có thêm ngày càng nhiều doanh nhân trẻ với những công ty vươn tầm thế giới, để ngày càng nhiều doanh nhân Việt gánh được giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người lao động, rất cần sự chung tay tạo điều kiện từ Chính phủ, cơ quan nhà nước không chỉ về luật, chính sách mà cả những kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra "biển lớn".
Chẳng hạn với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt rất cần chính sách liên quan đến hỗ trợ vay vốn, giãn nợ, giảm lãi suất ngân hàng trong vòng 12 - 24 tháng để "sống sót" qua "mùa đông tài chính".
Với các start-up, các hỗ trợ về nguồn vốn, đào tạo hiện nay vẫn chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư, trong khi từ Chính phủ vẫn chưa được rõ ràng, cụ thể.
Đặc biệt, luật và thuế khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các start-up, còn mơ hồ và có phần "sợ".
Do đó, rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và cơ quan chức năng trong việc đơn giản hóa và rõ ràng các chính sách luật, thuế, tạo điều kiện, thậm chí là ưu đãi đặc biệt, cho doanh nghiệp dễ dàng phát triển, nhất là hướng kinh doanh ra thị trường toàn cầu.
Có như vậy, Việt Nam mới mau chóng gầy dựng một thế hệ doanh nhân mới đạt tầm vóc quốc tế, góp phần đưa hình ảnh Việt Nam hùng cường, không thua kém bạn bè thế giới.
Tôi vẫn tin rằng thời điểm này, những khó khăn này là cần thiết để thế hệ doanh nhân trẻ, hay những người "thực tập" làm doanh nhân như tôi có cơ hội được chuyển đổi; đón nhận thử thách để tôi rèn bản thân, đặt mình vào tình thế phải lèo lái, xoay xở, vượt sóng để dẫn dắt doanh nghiệp của mình phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Ngày Doanh nhân Việt Nam, mong tất cả doanh nhân luôn kiên định; mong sau tất cả sự nỗ lực và bền chí là thành tựu và quả ngọt cho các anh em, cho tổ chức và xã hội cùng phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận