21/08/2024 12:36 GMT+7

Những đám cưới nhanh, tan vỡ cũng nhanh - Kỳ 1: Qua hai lần đò khi tuổi đời còn quá trẻ

Nhiều cuộc hôn nhân đẹp đến đầu bạc răng long nhưng cũng có những đám cưới màu hồng sớm xám buồn và đường ai nấy đi. Có những bạn trẻ trải hai cuộc hôn nhân chỉ trong vài năm, yêu đương và chia tay chóng vánh.

Những đám cưới nhanh, tan vỡ cũng nhanh - Kỳ 1: Qua hai lần đò khi tuổi đời còn quá trẻ- Ảnh 1.

Hôn nhân vẫn cần xuất phát ở sự tự nguyện, chủ động của mỗi người trong việc hoàn thiện chính mình - Ảnh: YẾN TRINH

Có người cưới nhau từ nền tảng tình yêu nhiều năm nhưng lại kết thúc buồn. Dư vị ngọt ngào rồi đắng cay của những tổ ấm tan vỡ này nói sao cho hết...

Với vẻ ngoài vô tư và xinh xắn, người mới tiếp xúc khó mà nghĩ Chi đã trải một cuộc hôn nhân và hiện đang chung sống với bạn trai, chuẩn bị bước chân vào cuộc hôn nhân thứ hai.

Ly hôn năm 20 tuổi

Trong căn phòng trọ 15m2 ở Phú Giáo (Bình Dương), chị Phạm Quỳnh Chi (22 tuổi) vừa từ chỗ làm trở về. Đã 20h, mẹ Chi chừa sẵn cơm tối cho con gái, bà vừa giục Chi ăn nhanh kẻo khuya vừa dỗ dành cháu ngoại mới lên 3.

Là nhân viên cửa hàng đồ gia dụng ở khu chợ gần đấy, cuộc sống Chi thay đổi nhiều sau ly hôn. Người chồng trước là bạn học chung trường ở quê. Tốt nghiệp cấp III, cả hai không thi đại học. "Cưới rồi tính tiếp", cô gái có đôi mắt to tròn kể chuyện.

Con trai họ ra đời, đó cũng là ngày tháng khó khăn với Chi lẫn gia đình. Nhà chồng miệt xa xôi, cha mẹ nói vợ chồng cô cứ ở nhà ngoại cho tiện.

Sinh con xong, chưa có việc làm, Chi ở nhà chăm con, còn chồng thì tạm thời ai kêu gì làm nấy. Khi con được 1 tuổi, mâu thuẫn vợ chồng trở nên gay gắt.

Quen được cha mẹ nuông chiều, trước đây chỉ biết đi học, cô không biết cách chăm con. Mẹ cô phải thức khuya dậy sớm lo cho cháu ngoại.

Chi tâm sự: "Thiệt tình lúc đó tôi thấy hối hận. Nhìn bạn bè đi học trên thành phố, người thì đi làm sống vô tư, còn mình việc làm không có, ngồi ôm con nhỏ mà thấy chán lắm".

Thế rồi, cuộc ly hôn của Chi "nhẹ nhàng" vì dường như ở tuổi 20, người vợ trẻ con chưa nghĩ ngợi nhiều. Chi bồng con lên Bình Dương thuê trọ, tìm việc. Sốt ruột, sợ con khổ, không ai chăm cháu, mẹ cô từ quê lên ở chung, tiền bạc bà cũng vơi đi bởi những thứ chi tiêu đội lên hằng ngày.

Được thời gian, Chi lại yêu một người hơn mình 5 tuổi. Hiện cô đang mang thai, tạm thời gửi con riêng cho mẹ nuôi. Mỗi tháng, cô đưa mẹ 3 triệu đồng lo cho cháu. Nhắc chuyện kết hôn lần hai, cô nói như tan vào đêm vô định: "Thôi đẻ đứa nhỏ ra rồi làm thủ tục sau".

Chỉ có túp lều tranh mà không có trái tim vàng

Đám cưới đầu tiên của Trúc Ly (19 tuổi, An Giang) được tổ chức đầu năm ngoái khi cô vừa 18 tuổi. Chồng hơn cô 1 tuổi, là con trưởng trong gia đình làm nông, có hai anh em trai. Chồng cô đã nghỉ học, làm phụ hồ từ hai năm nay.

"Một túp lều tranh hai trái tim vàng, lúc đó tôi nghĩ vậy, chỉ cần hai đứa thương nhau thì cùng làm lụng kiếm tiền, xây dựng tương lai, tôi đâu sợ nghèo", Trúc Ly dường như vẫn còn rấm rứt khi nhắc chồng cũ.

Ly kể lúc báo với gia đình về quyết định kết hôn khi còn chưa tốt nghiệp phổ thông, cô nhận được phản đối kịch liệt của gia đình.

Cha mẹ biết họ mới quen nhau chưa đầy một năm thì càng phản ứng dữ dội hơn. "Mẹ tôi hỏi hai đứa chưa nghề ngỗng gì lấy nhau về rồi làm cái gì ăn, mẹ còn nói nếu muốn khổ thì cứ lấy chồng sớm", cô kể.

Sau khi cưới nhau về, vợ chồng cô quả thật không biết làm gì mà nuôi nhau. Lương phụ hồ của chồng Ly không đủ chi tiêu.

"Thời gian đầu hai đứa gắng rất nhiều, công trình ở đâu ảnh cũng nhận làm nhưng làm nhiều thì ảnh nhậu nhiều. Rồi càng ngày ảnh càng cáu gắt, sự xa cách giữa chúng tôi lớn dần. Mấy tháng sau kết hôn là ảnh có người khác bên ngoài", cô thở dài.

Ly không tha thứ, vậy là đôi vợ chồng trẻ ly hôn nhanh chóng. "Cuối cùng chỉ có túp lều tranh mà không có trái tim vàng", cô chán nản.

Những đám cưới nhanh, tan vỡ cũng nhanh - Kỳ 1: Qua hai lần đò khi tuổi đời còn quá trẻ- Ảnh 2.

Một cặp đôi bất hòa, cãi nhau giữa đường - Ảnh: TRÚC QUYÊN

Lưỡng lự ly hôn, chịu đựng nhau

Không chỉ những cuộc hôn nhân đến với nhau chóng vánh và ra đi nhanh lẹ, mà cả những tổ ấm được xây dựng trên gốc rễ yêu thương năm, bảy năm vẫn tan tành hoặc trên bờ vực đổ vỡ.

Có những cuộc hôn nhân nhìn ngoài êm ấm nhưng bên trong đã bước đến đường cùng, người trong cuộc cố gắng chịu đựng và không biết phải làm thế nào tiếp tục hoặc chấm dứt. Điều này như dấu chấm hỏi nặng nề: tại sao cuộc sống hiện đại, tiện nghi hơn nhưng sống với nhau chẳng được lâu bền?

Người ta nói tuổi trẻ chưa trải sự đời, thế nhưng độ tuổi khá chín chắn như trường hợp anh Ngô Minh Chiến (33 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) đang rối mù trong cuộc hôn nhân sáu năm.

Anh cho rằng mình là trụ cột kiếm tiền lo cho vợ con, mệt nhoài khi cả ngày ngồi văn phòng, tối về phụ vợ chăm con và bao nhiêu việc bên nội, bên ngoại.

Vợ anh hiền lành, thương con. Nhưng anh buồn vì quan điểm sống khác nhau, vợ ít khi chia sẻ khi anh kể những vấn đề trong cuộc sống. Lúc nóng giận, chị đùng đùng đóng cửa ở trong phòng với con.

Anh thở dài: "Mỗi lần có chuyện chán nản ở công ty, tôi lại rủ mấy người bạn đi nhậu. Nhiều lần muốn về nhà sớm chơi với con nhưng lại nghe vợ cằn nhằn, nạt nộ con, hai vợ chồng lại cãi cọ. Rồi đủ thứ tiền phải lo, bực bội nhiều tối không ngủ được".

Vợ anh thì cho rằng anh không hiểu mình, lúc nào cũng nóng nảy, ít dành thời gian cho gia đình. Vợ chồng trong những dịp cùng nhau dự tiệc, về thăm ông bà cũng hay cự nhau dù chỉ là những chuyện cỏn con!

Tình yêu không dừng ở kết hôn

Ông Đào Lê Tâm An (nghiên cứu sinh ngành tâm lý học Trường đại học Sư phạm TP.HCM) quan niệm rằng mặc dù nhiều người hay "quy định" hôn nhân là đích đến của tình yêu, nhưng thực chất tình yêu không dừng ở kết hôn và kết hôn cũng chưa chắc là điểm nút để chuyển đổi lượng và chất nếu nó không được cân nhắc kỹ lưỡng.

"Hôn nhân vẫn cần xuất phát ở sự tự nguyện, chủ động của mỗi người trong việc hoàn thiện chính mình, xem hành trình sắp tới là đồng hành, cùng chia sẻ buồn vui với nhau. Nếu bước vào cuộc sống hôn nhân với tâm thế ngây thơ, màu hồng, thiếu nghiên cứu trong vấn đề kinh tế, ứng xử với nội ngoại, cách nuôi dạy con cái... thì rất có thể hôn nhân cũng là... nấm mồ của tình yêu", ông An nói.

Theo thống kê của TAND tối cao, năm 2022 đã có trên 500.000 vụ ly hôn tại Việt Nam được thụ lý. Trong đó 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ độ tuổi 18 - 30. Nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn lối sống, môi trường khác nhau, xung đột và bất đồng quan điểm...

Vậy tỉ lệ này ở các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ thì sao? Tỉ lệ ly hôn ở Trung Quốc ở mức từ 0,96%/1.000 người vào năm 2000 đã tăng lên 3,1%/1.000 người vào năm 2020.

Trong khi tỉ lệ kết hôn từ 6,7%/1.000 người năm 2000, đến năm 2013 tăng lên 9,9%/1.000 người nhưng giảm dần chỉ còn 5,8% vào năm 2020. Nguyên nhân lớn nhất là bất hòa về mặt tình cảm, bạo lực gia đình, theo The Guardian.

Có thể thấy tỉ lệ ly hôn ở quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới tăng nhanh những năm gần đây. Năm 2012, lần đầu tiên tỉ lệ ly hôn vượt qua tỉ lệ kết hôn, lên đỉnh 4,71 triệu cặp đôi vào năm 2019. Năm 2022, con số này giảm còn 2,1 triệu cặp, có thể do việc xử lý đơn chậm trễ trong thời gian phong tỏa bởi COVID-19.

Tuy nhiên thời kỳ này các cặp vợ chồng lại nảy sinh căng thẳng do thất nghiệp cùng với gánh nặng chi phí. Sau phong tỏa, làn sóng ly hôn diễn ra ở nhiều tỉnh thành.

*****************

Phiên tòa ly hôn để lại sự nặng nề trong lòng người chồng nhưng với chị Thu Hồng là sự giải thoát, dù vợ chồng chị trong mắt mọi người là hình mẫu gia đình lý tưởng.

>> Kỳ tới: Ra tòa, cái chén, đôi đũa cũng chia đôi

Những đám cưới nhanh, tan vỡ cũng nhanh - Kỳ 1: Qua hai lần đò khi tuổi đời còn quá trẻ- Ảnh 3.Hải Dương: Số vụ ly hôn chiếm trên 63% so với tổng số cuộc kết hôn 6 tháng đầu năm

Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tại Hải Dương có 4.235 cặp đôi kết hôn và 2.696 vụ ly hôn. Tỉ lệ ly hôn chiếm trên 63%.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên