21/05/2016 14:24 GMT+7

Những đại biểu đặc biệt và bản Hiến pháp đầu tiên

QUỐC MINH
QUỐC MINH

TTO - Trong hồi ký Tiếng sóng bủa ghềnh, bà Bảy Huệ kể: “Tôi cũng được Mặt trận giới thiệu ra ứng cử... Tôi cảm ơn đồng bào cử tri biết bao khi nghe bà con bàn tán chọn đại biểu.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I tại Hà Nội - Ảnh: tư liệu
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I tại Hà Nội - Ảnh: tư liệu

Biết tôi đã từng tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ ở tuổi mới đôi mươi, bị bắt lãnh án chung thân khổ sai, đã qua thử thách trong nhà tù đế quốc nên có thể tin tưởng được.

Trong tâm trí tôi lại khắc ghi thêm hình ảnh của những bà mẹ, người chị buôn thúng bán bưng, đã viết nguệch ngoạc tên Huệ trên những tấm lá chuối, giấy gói hàng chuyền tay nhau đọc, vận động bỏ phiếu cho tôi”.

Hiến pháp có những điều hết sức mới mẻ và ý nghĩa vào thời điểm ấy, như: Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam; đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện; công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài

Những đại biểu của miền Nam

Theo bà Huệ, ở Bạc Liêu có ba đại biểu trúng cử là ông Cao Triều Phát, ông Nguyễn Văn Đính và bà. Ông Cao là một điền chủ có uy tín trong đạo, là chưởng quản Cửu Trùng đài phái Minh Chân đạo (một trong 12 phái đạo Cao Đài), đang là phó chủ nhiệm Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh...

Trong mười phụ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội năm 1946, miền Nam ngoài bà Huệ còn có thêm các bà Trịnh Thị Miếng ở Gia Định, Nguyễn Thị Thập ở Tiền Giang. Năm 1935, bà Thập là ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam kỳ, sau đó bị tù ở Khám lớn Sài Gòn.

Trong hồi ký của mình, bà Thập kể đầu tháng 8-1945 được cử ra Hà Nội, dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, nhưng vừa đến cuối tháng 8 lại trở về ngay miền Nam để tiếp tục tham gia phong trào kháng chiến.

Đất nước tổ chức cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên, bà Thập được Tiền Giang tin tưởng chọn làm ứng cử viên của tỉnh. Trong cuộc bầu cử khét mùi bom đạn, bà Thập đã trúng cử cùng năm người khác là ông Huỳnh Tấn Phát, Ngô Tấn Nhơn, Nguyễn Văn Nguyên, Nguyễn Phi Hoanh, Diệp Ba.

Khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định lúc ấy có 16 đại biểu Quốc hội, trong đó có các ông Tôn Đức Thắng, Lý Chính Thắng, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Văn Trấn, Hoàng Đôn Văn, Thái Văn Lung... Cần Thơ có sáu người gồm Phan Lương Báu, Trần Ngọc Danh, Nguyễn Đăng, Đặng Văn Quang, Trần Ngọc Quế, Đỗ Văn Y.

Tại Rạch Giá, bốn người trúng cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh là ông Trần Văn Luân (dược sĩ), ông Nguyễn Văn Tạo (Đảng Cộng sản), kỹ sư Nguyễn Ngọc Bích (Đảng Dân chủ), Huỳnh Bá Nhung (Đảng Dân chủ).

Ông Trần Văn Luân, thủ lĩnh tổ chức Thanh niên tiền phong, là một dược sĩ, du học ở Pháp và gia nhập Đảng Cộng sản ở Pháp. Thời điểm bầu cử, ông Luân cũng là chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên của tỉnh Rạch Giá.

Còn ông Nguyễn Văn Tạo, một người hoạt động cách mạng nổi tiếng bị Pháp đưa về Rạch Giá để “an trí” (một dạng quản thúc, phải ra trình diện định kỳ), là một trong bốn đại biểu được nhóm Cứu quốc đưa ra ứng cử.

Bản Hiến pháp đầu tiên

Đến nay, 13 khóa Quốc hội đã trải qua cùng bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, nhưng khóa Quốc hội đầu tiên năm 1946 vẫn nguyên vẹn trong tâm trí nhiều người. Nền dân chủ không chỉ được hình thành từ bầu cử phổ thông đầu phiếu, mà còn từ máu xương của dân tộc phải chịu đựng đêm trường lầm than.

Hồi ký bà Bảy Huệ kể rằng: “Đến tháng 3 năm 1946, chúng tôi được thông báo mời ra thủ đô Hà Nội dự phiên họp Quốc hội đầu tiên. Lúc này quân và dân tỉnh nhà đã bước vào cuộc kháng chiến gian khổ ác liệt. Tôi ra đi giữa cảnh giặc Pháp giày xéo quê hương, gieo đau thương, tang tóc, lòng quặn đau...”.

Bà Bảy Huệ kể không thể đi được đường công khai, mà phải theo ngả biển. Cùng một đại biểu Cần Thơ xuống mũi Cà Mau, bà đi thuyền đánh cá qua Thái Lan với kế hoạch sẽ đi tiếp đường bộ qua Lào đến Hà Nội. Nhưng rồi Pháp tăng cường đánh phá Lào, kế hoạch này bất thành.

Cuối cùng, họ phải tiếp tục đi đường biển từ Thái Lan đến Hải Nam rồi theo đường bộ Trung Quốc vào Việt Nam.

Tại phiên họp Quốc hội năm 1946, ông Nguyễn Văn Tạo đại diện các đại biểu miền Nam tuyên thệ quyết tâm cùng đồng bào kháng chiến, để đến ngày lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc được dựng lên ở Nam bộ.

Cả hội trường đã vỡ òa xúc động khi Chủ tịch Hồ Chí Minh bước lên, ôm hôn ông Tạo như gửi gắm niềm kỳ vọng chiến đấu và chiến thắng đến đồng bào miền Nam.

Theo Lịch sử Quốc hội Việt Nam, từ ngày 2-11-1946, bản dự án Hiến pháp Việt Nam được đưa ra thuyết trình trước Quốc hội.

Đại diện các nhóm đảng trong Quốc hội: ông Hồ Đức Thành (Việt Cách), Trần Huy Liệu (Mác xít), Hoàng Văn Đức (Dân chủ), Lê Thị Xuyến (Xã hội), Nguyễn Đình Thi (Việt Minh), Trần Trung Dung (Việt Quốc) lần lượt phát biểu ý kiến. Các đại diện đều nêu lên những ưu điểm, tính chất tiến bộ của dự án Hiến pháp, góp thêm một số khía cạnh cụ thể và cuối cùng đều tán thành dự án.

Riêng các đại biểu Trần Trung Dung và Phạm Gia Đỗ tuy cũng tán thành dự án Hiến pháp nhưng không đồng ý chế độ một viện. Đại biểu các nhóm đảng khác đã phản đối ý kiến này...

Ngày 9-11-1946, Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với 240 phiếu thuận trên 242 đại biểu, hai đại biểu không tán thành là Nguyễn Sơn Hà và Phạm Gia Đỗ.

Bản Hiến pháp gồm có lời nói đầu, 7 chương và 70 điều. Lời nói đầu viết nhiều nội dung, trong đó có: Nhiệm vụ của dân tộc trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ; đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; đảm bảo quyền tự do dân chủ...

Trong bản Hiến pháp này, chính thể quốc gia được ghi rõ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam”.

Hiến pháp có những điều hết sức mới mẻ và ý nghĩa vào thời điểm ấy, như: đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện; công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.

Nhiều đại biểu Quốc hội đã ứa nước mắt xúc động khi thông qua bản Hiến pháp quyết định tương lai của chính mình và đồng bào quốc dân.

Đại biểu đặc biệt nhất

Đó là luật sư Thái Văn Lung, người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên ở Gia Định. Đỗ cử nhân luật tại Trường đại học Paris danh tiếng, ông lại trở thành sĩ quan pháo binh Pháp chống phát xít trong Thế chiến thứ hai.

Đầu năm 1945, ông về nước, được bổ nhiệm làm ở Tòa thượng thẩm Sài Gòn, nhưng đã cùng các bạn trí thức Phạm Ngọc Thạch, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước tham gia phong trào yêu nước.

Là đại biểu Quốc hội khóa 1, ông xin không ra dự đại hội ở Hà Nội mà ở lại chiến đấu. Sau đó, ông bị Pháp bắt và tra tấn đến chết ở nhà tù Khám lớn Sài Gòn. Trong các kỳ họp của Quốc hội khóa đầu tiên, tên ông được đưa ra để tưởng niệm.

__________

Kỳ tới: Lá phiếu thống nhất

QUỐC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên