20/05/2016 10:30 GMT+7

Lá phiếu đẫm máu ở miền Nam

QUỐC MINH
QUỐC MINH

TTO - Không thể bỏ phiếu cố định, các thùng phiếu được chuyển đến tận xóm hẻm, nhà dân, nhiều nơi ở Sài Gòn đã phải bỏ phiếu vào ban đêm. Máu đã thấm đỏ những lá phiếu dân chủ...

Một điểm bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên ở Nam bộ
- Ảnh tư liệu
Một điểm bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên ở Nam bộ - Ảnh tư liệu

“Thời điểm bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946 ấy, tôi đang tham gia kháng chiến ở làng Tân Tạo, ngoại thành Sài Gòn” - cựu đại sứ Liên Hiệp Quốc Võ Anh Tuấn nhớ lại thời điểm nhân dân Sài Gòn tham gia cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên.

Bầu cử trong lửa đạn

Cuối năm 1945, thành phố Sài Gòn cũng như nhiều địa phương khác sục sôi trong chảo lửa. Pháp vừa nhờ phe đồng minh để thoát khỏi ách nô dịch phát xít Đức ở chính nước mình, lại đưa quân sang tái chiếm Việt Nam.

Sự kiện một nước thuộc địa như Việt Nam đứng lên giành chính quyền, tổ chức tổng tuyển cử, bầu ra Quốc hội của riêng mình là việc không thể chấp nhận được với Pháp.

Vì vậy, quân Pháp đánh phá ác liệt nhằm tái chiếm đất đai, ngăn cản nỗ lực khai mở nền dân chủ của những người cách mạng.

Tuy nhiên, công cuộc bầu cử Quốc hội vẫn được mọi người nỗ lực thực hiện, không hoạt động được ban ngày thì họ chuyển sang hoạt động ban đêm. Nhiều máu xương đã đổ ra cho nền dân chủ non trẻ...

Đặc biệt, thông tin từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn lúc ấy rất khó khăn và thường bị chậm trễ, một phần vì hạ tầng đất nước hư hỏng nặng nề trong chiến tranh, phần khác do âm mưu đánh phá sự độc lập, thống nhất của Việt Nam.

Tại Việt Nam học xá ở Hà Nội năm 1945, bác sĩ Bửu Triều đang là sinh viên ngành y tham gia lực lượng Việt Minh.

Ông nhớ lại: “Trường học này có rất nhiều sinh viên miền Nam như các ông Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Văn Khê...

Khi phong trào cách mạng đến giai đoạn giành chính quyền độc lập, họ trở lại miền Nam, đem theo tinh thần yêu nước và cả những nhận thức về nền dân chủ mà Chính phủ Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện”.

Ngay tại Việt Nam học xá, chính Hồ Chủ tịch đã đích thân đến giảng giải cho các giáo sư và sinh viên nghe ý nghĩa của việc thành lập Quốc hội đầu tiên của nước nhà.

Hồ Chủ tịch nói rất rõ ràng: “Từ xưa đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì dân chưa bao giờ làm chủ mình, xưa dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật...

Biết bao người đã bị bắn, bị chém, đã đeo cái tên chính trị phạm và bị nhốt đầy các nhà tù Sơn La, Côn Đảo, Ban Mê Thuật... mới đòi được cái quyền bầu cử ngày nay. Làm việc nước bây giờ là hi sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung.

Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ ấy”.

Tại Sài Gòn, các sinh viên yêu nước hòa vào phong trào kháng chiến chống Pháp. Đội quân xâm lược ngay sau khi được tăng cường lực lượng, từ cuối tháng 10-1945 đã từ Sài Gòn liên tục đánh chiếm ra các tỉnh.

Tình hình chiến sự ngày càng mở rộng ác liệt. Các sắc lệnh tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội của Chính phủ ở Hà Nội gửi vào Sài Gòn thường xuyên bị chậm trễ. Chính vì vậy, cuộc bầu cử vẫn được nơi này tổ chức ngày 23-12-1945 như kế hoạch ban đầu.

Ông Phan Minh Tánh, nguyên trưởng Ban Dân vận trung ương, kể: “Cuộc tổng tuyển cử ở Sài Gòn đã diễn ra trong sự bố ráp, đánh phá ác liệt của quân Pháp.

Nhiều nơi không thể tổ chức công khai được, phải thực hiện bỏ phiếu cơ động và bí mật để nhân dân có thể tham gia. Chính quyền kháng chiến xác định cuộc tổng tuyển cử thành công sẽ là một thắng lợi lớn trước quân xâm lược”.

Từ xưa đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì dân chưa bao giờ làm chủ mình, xưa dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật... Biết bao người đã bị bắn, bị chém... đã đeo cái tên chính trị phạm và bị nhốt đầy các nhà tù Sơn La, Côn Đảo, Ban Mê Thuật... mới đòi được cái quyền bầu cử ngày nay.

Làm việc nước bây giờ là hi sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ ấy.

HỒ CHỦ TỊCH

Những lá phiếu đẫm máu

Trước mũi súng quân Pháp, lực lượng cán bộ chính quyền, đoàn thể, thanh niên, chiến sĩ vừa công khai lẫn bí mật vào từng khu phố, xóm làng nội ngoại thành Sài Gòn để tuyên truyền vận động bầu cử, lập danh sách cử tri.

Không thể bỏ phiếu cố định, các thùng phiếu được chuyển đến tận xóm hẻm, nhà dân. Ông Võ Anh Tuấn kể nhiều nơi ở Sài Gòn đã phải tiến hành bỏ phiếu vào ban đêm để đối phó với sự đánh phá của quân Pháp. Tuy nhiên, máu đã thấm đỏ những lá phiếu dân chủ.

42 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn đã hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ bầu cử Quốc hội. Trong đó có ông Nguyễn Văn Tư, cán bộ Tổng công đoàn.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, năm 1945 là chiến sĩ ở Huế vào chi viện cho chiến trường miền Nam, kể:

“Sài Gòn - Chợ Lớn và nhiều địa phương khác đã nổ súng ác liệt ngay trong ngày tổng tuyển cử đầu tiên. Không chỉ dùng bộ binh lê dương thiện chiến, Pháp còn điều động cả thiết giáp, xe tăng, máy bay đánh phá các điểm bỏ phiếu lớn.

Nhiều đồng bào bị trúng đạn, gục xuống trong lúc tay vẫn còn cầm chặt lá phiếu thấm máu. Ở Nha Trang, máy bay Pháp đã ném bom trúng ngay một điểm bỏ phiếu làm bốn người chết, trong đó có một em bé, và gần 20 người bị thương.

Ý nghĩa thiêng liêng lúc này của ngày bầu cử được nhân lên bởi sự tàn bạo của giặc ngoại xâm”.

Ở Tân An, các máy bay quân sự của Pháp đã quần thảo, phát hiện các điểm bỏ phiếu và xả súng máy vào người dân, làm 14 người chết và hàng chục người khác bị thương.

Nhiều điểm bầu cử của địa phương phải tiến hành bí mật vào ban đêm nhưng vẫn đạt được con số trên 90% đi thực hiện quyền dân chủ. Liền kề Tân An, tình hình bầu cử ở Mỹ Tho cũng hết sức căng thẳng, nguy hiểm.

Suốt từ sáng sớm, máy bay Pháp đã quần thảo, săn tìm, đánh phá các điểm nhân dân tập trung. Nhưng việc bỏ phiếu bầu cử vẫn được nhân dân kiên cường thực hiện trong các con kênh rạch, dưới tán cây, mái đình...

Ở Tây nguyên, để khủng bố tinh thần đồng bào dân tộc, máy bay Pháp đã nhiều lần trút bom lửa xuống các bản làng ngay trước ngày chuẩn bị bầu cử. Đồng bào phải tản cư vào rừng núi tránh bom, rồi ban đêm lại trở ra để bỏ phiếu.

Thời điểm lịch sử này, miền Nam chỉ có mỗi tỉnh Tây Ninh là không thể thực hiện tổng tuyển cử được trong sự đánh phá dữ dội của Pháp.

Theo hồi ký của ông Trần Văn Dõi (một người kháng chiến ở địa phương rồi Bắc tiến tham gia cách mạng, con trai tổng thống Trần Văn Hương của chế độ Sài Gòn sau này), vì ở gần Sài Gòn và Campuchia, đường sá thuận lợi, nên Pháp không chỉ sử dụng máy bay oanh tạc mà còn đưa cả bộ binh lê dương xuống bố ráp, đánh phá cuộc tổng tuyển cử đầu tiên.

Tuy cuối cùng việc bầu cử không thể thực hiện được, nhưng lực lượng kháng chiến Tây Ninh xuất thân nông dân, học sinh như ông Dõi đã dũng cảm đánh trả, làm quân Pháp phải chịu thiệt hại rất nặng nề...

Trong máu lửa chiến tranh, nỗ lực cho cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam tại miền Nam được coi là thành công.

57% đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau

Ở 71 tỉnh thành trong cả nước, 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi phải đi bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần.

Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ và 34 đại biểu của các dân tộc thiểu số.

Nguồn: Lịch sử Quốc hội Việt Nam

__________

Kỳ tới: Những đại biểu đặc biệt và bản Hiến pháp đầu tiên

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên

>> Kỳ 2: Lá phiếu Hồ Chí Minh

QUỐC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên