13/09/2019 14:44 GMT+7

Những cuộc tiếp sức xúc động bất ngờ cùng 'Tiếp sức đến trường'

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Sáng 13-9, 90 tân sinh viên của Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận được nhận học bổng ‘Tiếp sức đến trường’ do Tuổi Trẻ trao tặng trong buổi lễ tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa).

Những cuộc tiếp sức xúc động bất ngờ cùng Tiếp sức đến trường - Ảnh 1.

90 tân sinh viên khó khăn ở Nam Trung bộ nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" sáng 13-9 - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Hơn 200 người, ngoài 90 tân sinh viên nhận học bổng còn có các đại biểu, học sinh THPT, phụ huynh… đã nhiều lần lặng đi, những đôi tay lặng lẽ quệt dòng nước mắt xúc động trước câu chuyện của 2 tân sinh viên được mời giao lưu tại buổi lễ trao học bỗng.

Không lùi bước

Tối 12-9, Nguyễn Thị Hồng Hạnh (quê tỉnh Bình Định, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) và Nguyễn Thị Tuyết Phượng (quê tỉnh Khánh Hòa, sinh viên ngành dược học, Trường ĐH Y dược TP.HCM) cùng lên chuyến xe đò xuyên đêm từ Sài Gòn về Nha Trang để kịp dự buổi lễ sáng 13-9. Cả hai cùng được ban tổ chức mời chia sẻ câu chuyện vượt nghịch cảnh vào đại học.

Những cuộc tiếp sức xúc động bất ngờ cùng Tiếp sức đến trường - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Tuyết Phượng (phải) và Nguyễn Thị Hồng Hạnh kể chuyện vượt qua khó khăn để vào giảng đường đại học - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Hạnh không biết ai là cha mình. Bất hạnh tiếp tục giáng xuống khi bạn mới lên 4 tuổi thì người mẹ bạo bệnh qua đời. Hạnh lớn lên bằng tình yêu thương của ông bà ngoại. 3 con người sống nhờ vào số tiền trợ cấp xã hội dành cho người già neo đơn mỗi tháng 270.000 đồng và một khoản tiền nhỏ hỗ trợ cho trẻ mồ côi là Hạnh.

Ông ngoại đã 89 tuổi, bà ngoại cũng ngoài 80 nhưng bị nhiều bệnh mãn tính hành hạ.

Khó khăn, bất hạnh chất chồng không làm chùn bước chân đến trường của Hạnh. Không tiền mua sách tham khảo, chỉ học với sách giáo khoa nhưng Hạnh đạt điểm khối D vào đại học cao nhất ở Trường THPT An Nhơn 2 (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).

Chặng đường sắp tới còn rất nhiều khó khăn, nhưng mong các em đừng bao giờ chùn bước, đừng bao giờ từ bỏ mà hãy nuôi dưỡng khát vọng, đặc biệt là niềm tin vào sự tử tế. Nếu sau này các em thành đạt hãy nghĩ về những hoàn cảnh như các em để quay lại tiếp sức cho thế hệ sau”

Nhà báo BÙI THANH - ủy viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ

"Ai đỗ đại học cũng mừng vui, tôi cũng vậy, vì đỗ vào ngành học ở ngôi trường mà mình mơ ước. Nhưng tiền đâu để đóng học phí, mua giáo trình và sinh hoạt ở một thành phố đắt đỏ 4 năm trời?", Hạnh thổ lộ.

11 triệu đồng học phí/năm là khoản tiền quá lớn với ông bà ngoại và Hạnh.

Ngày bạn vào Sài Gòn nhập học, ông bà chỉ còn 700.000 đồng, cô chủ nhiệm Đinh Thị Quỳnh Ly cho 250.000 đồng mua vé xe. Để có tiền đóng học phí của học kỳ đầu, Hạnh phải vay mượn tiền của những người bà con ở quê. Ở Sài Gòn, mỗi ngày Hạnh chỉ dám dùng 40.000 đồng cho 3 bữa ăn.

Đến giờ Hạnh chỉ còn trong tay 200.000 đồng, và chưa biết làm thế nào để có tiền tiếp tục ăn ở, học tập.

Hoàn cảnh của Nguyễn Thị Tuyết Phượng không hơn gì Hạnh. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, Phượng khóc cạn nước mắt vì nghĩ mình không thể nào thực hiện được giấc mơ vào giảng đường.

Năm Phượng lên 6 tuổi, anh trai 7 tuổi thì mẹ qua đời, người cha làm lụng nuôi hai anh em. "Họa vô đơn chí", 4 năm trước, ba Phượng bị tai nạn lao động, nằm liệt giường đến nay.

Anh trai học cao đẳng ở Nha Trang, Phượng vừa đi học, vừa làm ruộng, vừa lo việc nhà, chăm sóc ba và bà nội gần 70 tuổi.

"Khi ba bị tai nạn và trở thành người tàn phế, tôi giằng xé nhiều vì vừa mơ ước được làm thầy thuốc sau này để chăm sóc cho ba và bà nội, vừa cố đuổi giấc mơ ấy khỏi suy nghĩ vì quá khó khăn. Tôi đăng ký vào trường y dược chỉ để thỏa ước nguyện.

May là sau khi tôi có kết quả đỗ, bà nội dành hết số tiền dành dụm, vay mượn thêm để tôi được đến giảng đường", Phượng tâm sự. "Bà nội với ba gọi điện khuyên tôi phải cố gắng ăn uống đầy đủ mà học tập, không được bỏ bữa. Bà và ba có thể nhịn ăn để tôi được ăn học", Phượng nghẹn ngào.

Hạnh, Phượng cùng 2 bạn có hoàn cảnh rất khó khăn khác đã được ban tổ chức trao học bổng đặc biệt, mỗi suất 15 triệu đồng. Hai bạn tâm sự đây là số tiền rất lớn, giúp các bạn tiếp tục tự tin, vượt lên khó khăn bước đầu để đến giảng đường, tiếp tục thực hiện ước mơ học tập của mình.

Đó là quyết tâm không chỉ của Phượng, của Hạnh mà còn của 88 tân sinh viên khác cùng được nhận học bổng Tiếp sức đến trường.

Những cuộc tiếp sức bất ngờ

Trong câu chuyện, Hạnh nhắc đến cô giáo Đinh Thị Quỳnh Ly "như người mẹ của em". "Không có cô Ly, tôi không biết có vào được đại học không. Cô luôn động viên tôi học tập, vượt qua khó khăn, cho tiền để tôi đăng ký nguyện vọng vào đại học, cho tiền mua vé xe vào Sài Gòn…

Tôi không biết dùng từ nào để nói cho hết lời cám ơn của mình với cô. Tôi nghĩ quãng đường từ Bình Định vô Nha Trang khá xa, cô bận dạy nên khó có mặt ở đây để chia vui khi tôi", Hạnh tâm sự.

Những cuộc tiếp sức xúc động bất ngờ cùng Tiếp sức đến trường - Ảnh 4.

Cuộc hội ngộ bất ngờ, xúc động của Nguyễn Thị Hồng Hạnh và cô Đinh Thị Quỳnh Ly, chủ nhiệm lớp 12 của Hạnh ở Trường THPT An Nhơn 2 (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Một phụ nữ trẻ từ phía dưới khán phòng đứng dậy tiến về phía sân khấu. "Cô Ly!", Hạnh kêu lên và chạy xuống đón cô. Sự sắp xếp của ban tổ chức làm hai cô trò trùng phùng vô cùng xúc động.

Mang đến buổi lễ một cuốn từ điển tiếng Anh loại lớn, cô Ly tâm sự khi đến thăm nhà Hạnh, cô bất ngờ ngoài sự tưởng tượng, vì hoàn cảnh của Hạnh quá khó khăn.

"Hạnh mơ ước có được 1 cuốn từ điển tiếng Anh lớn, nhưng mấy trăm ngàn đồng để mua cuốn sách này là quá lớn với em. Cô tặng Hạnh cuốn từ điển này, mong em tiếp tục học giỏi để viết trang sách đẹp cho cuộc đời mình", cô Ly chia sẻ.

Sau câu chuyện về hoàn cảnh của Phượng, cuối buổi lễ, Tổng công ty Khánh Việt (KHATOCO) đã quyết định tài trợ học phí suốt khóa đại học dành cho em.

Chị Trần Thị Bích Trâm, một cựu sinh viên khó khăn từng nhận học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ vào năm 2010, dành 2 triệu đồng để "tiếp sức" cho Hạnh và Phượng.

Báo Tuổi Trẻ ngày 13-9 bài viết Học dưới ánh đèn đường, viết về Bùi Thị Thanh Nguyệt ở ngoại ô TP Nha Trang. Cha mẹ bệnh tật, lại ở nhờ trên đất của người khác, túp lều cả gia đình ở không có điện nên bạn phải học dưới ánh đèn đường, nhưng vẫn đỗ ĐH Văn Lang.

Một mạnh thường quân là cựu binh Trường Sa sống tại Nha Trang, sau khi đọc bài báo này, đã quyết định hỗ trợ học phí 4 năm đại học cho Nguyệt, cho Nguyệt ở trọ miễn phí tại TP.HCM và giúp chỗ làm thêm với lương 6 triệu đồng/tháng.

1 mạnh thường quân ở Nha Trang cũng đã tặng 3 xe đạp cho 3 tân sinh viên khó khăn ở tỉnh Khánh Hòa…

Phát biểu tại buổi lễ trao học bổng, nhà báo Bùi Thanh - ủy viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ - nói rằng mỗi suất học bỗng 10-15 triệu đồng không quá lớn, nhưng là sự hỗ trợ của cộng đồng để tiếp sức cho các tân sinh viên vượt qua khó khăn ở những ngày đầu tiên bước vào giảng đường ĐH, CĐ.

Dù khó khăn cách mấy, các em cũng đừng mặc cảm, đừng xem đó là số phận phải cam chịu. Các em hãy thay đổi số phận của mình bằng cách không ngừng vươn lên.

Nhà báo Bùi Thanh

Ông Phan Thông - phó chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa - bày tỏ rằng ông rất xúc động khi thấy có nhiều tân sinh viên rất nghị lực, bằng sự nỗ lực của bản thân, sự yêu thương giúp đỡ của người thân, thầy cô giáo và cộng đồng, đã vượt qua nghịch cảnh để vào ĐH, CĐ.

Những cuộc tiếp sức xúc động bất ngờ cùng Tiếp sức đến trường - Ảnh 6.

Ông Phan Thông - phó chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa - và nhà tài trợ trao học bổng cho tân sinh viên - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Những cuộc tiếp sức xúc động bất ngờ cùng Tiếp sức đến trường - Ảnh 7.

Bà Bùi Thị Hồng Tuyến - giám đốc Quỹ khuyến học khuyến tài tỉnh Khánh Hòa - trao học bổng cho tân sinh viên - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Những cuộc tiếp sức xúc động bất ngờ cùng Tiếp sức đến trường - Ảnh 8.

Nhà báo Bùi Thanh - ủy viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ - cùng nhà tài trợ trao học bổng - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG

Đây là đợt trao học bổng "Tiếp sức đến trường" thứ tư trong năm 2019 do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và đào tạo 4 tỉnh đã nêu và Hội Khuyến học - khuyến tài tỉnh Khánh Hòa tổ chức.

4 sinh viên được nhận học bổng 15 triệu đồng/suất, 86 sinh viên nhận học bổng 10 triệu đồng/suất. Tổng số tiền 920 triệu đồng trao học bổng đợt này do Công ty TNHH một thành viên Yến sào Khánh Hòa, Tổng công ty Khánh Việt, Công ty Lâm thủy sản Khánh Hòa, Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Khánh Hòa và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tài trợ.

Theo kế hoạch, năm 2019, học bổng "Tiếp sức đến trường" được trao cho hơn 1.100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 63 tỉnh, thành cả nước.

87 tân sinh viên khó khăn được miễn phí ký túc xá, trợ cấp học phí 87 tân sinh viên khó khăn được miễn phí ký túc xá, trợ cấp học phí

TTO - Bà Nguyễn Thị Nhung - trưởng ban quản lý Ký túc xá Cỏ May - cho biết đến nay đã có 87 tân sinh viên được chọn vào ở ký túc xá này năm học 2019 - 2020.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên