01/04/2023 10:55 GMT+7

Những chuyện ngồ ngộ ở miền Tây - Kỳ cuối: Nuôi 'thủy quái' sông Mekong

"Con thủy quái lớn xác và hung dữ nhứt hạng trên sông Tiền mà tui từng biết phải kể đến lũ cá vồ cờ, các loài thủy sản khác đều phải tránh xa nó nếu không muốn mất mạng", Ông Tư Chiến (Cái Bè) Tiền Giang với gần 50 năm gắn bó nghề đánh bắt tôm nói.

Vồ cờ, loài cá quý hiếm đang được phục hồi ở miền Tây - Ảnh: Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ

Vồ cờ, loài cá quý hiếm đang được phục hồi ở miền Tây - Ảnh: Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ

"Mấy con đặc sản này nuôi chừng chục ký là bán được rồi. Nuôi lâu, tụi nó bự chà bá cả trăm ký, ao mương nào chứa được", ông Tư Chiến cười khà khà nói về loài "thủy quái" là cá vồ cờ.

Bây giờ nếu nuôi được loài cá quý hiếm này với số lượng lớn, vừa bảo tồn được cá tự nhiên, vừa đáp ứng thị trường. Chỉ cần cá cỡ 5 - 10kg/con với giá bán 300.000 - 500.000 đồng/kg là thị trường có thể chấp nhận.
Ông NGUYỄN TRUNG KIÊN

Nuôi con thủy quái "ăn tạp mà ở sạch" quý hiếm

Ông Tư Chiến (Nguyễn Văn Chiến, ngụ cồn Quy, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, Tiền Giang) năm nay 63 tuổi với gần 50 năm gắn bó nghề đánh bắt tôm cá sông Tiền. Nhắc đến kình ngư trên sông, ông Tư Chiến không giấu vẻ thán phục, nói: "Con thủy quái lớn xác và hung dữ nhứt hạng trên sông Tiền mà tui từng biết phải kể đến lũ cá vồ cờ, các loài thủy sản khác đều phải tránh xa nó nếu không muốn mất mạng".

Theo ông Tư Chiến, vồ cờ là một loại cá da trơn sinh sống trên sông Cửu Long. Sở dĩ gọi vồ cờ vì cá này có điểm đặc biệt là vây lưng nó dài hơn rất nhiều so với các loài cá vồ khác. Khi nó trồi lên mặt nước, chiếc vây lưng vươn cao rẽ nước thành luồng như vây cá mập, nên ngư dân gọi là cá vồ cờ.

"Đặc điểm của cá vồ cờ là miệng không có ria như vài loài cá da trơn cùng họ, đầu rộng và dẹp, bản tính rất hung dữ, ham ăn. Nghe nói cá vồ cờ có thể nặng đến 200 - 300kg, nhưng tui chỉ gặp những con nặng hơn trăm ký. 

Hồi xưa khúc sông Tiền từ Hồng Ngự (Đồng Tháp) về đến Mỹ Thuận (Tiền Giang) cá vồ cờ xuất hiện khá nhiều, nhưng thịt nó có ngon hay không thì không ai biết. Nguyên nhân là hồi đó người ta thấy tụi nó lội từng bầy xúm vô giành nhau ăn thịt con này, con kia bị chết trôi trên sông, nên người ta sợ. 

Từ sau mùa nước lụt năm 2000 đến nay, loài cá này rất hiếm trên sông. Tui nghe nói hiện nay người ta đã gây giống nuôi được. Mấy con đặc sản này nuôi lớn chừng chục ký là bán được rồi. Nuôi lâu, tụi nó cả trăm ký, ao mương nào chứa nổi", ông Tư Chiến cho biết.

Nhắc chuyện nuôi cá vồ cờ, anh Thuận (một nghiệp chủ ở Mỹ Tho, Tiền Giang) kể: "Tui thích sưu tầm mấy loại cá lạ lạ đem về thả vào ao nuôi chơi. Hồi năm 2017 tui nghe nói đến cá vồ cờ mà không biết đó là cá gì, nên thử tìm mua được vài chục con giống với giá 200.000 đồng/con, loại lớn bằng ngón chân cái". Cá đem về, anh Thuận thả vào ao nuôi chung cùng nhiều loài cá khác. 

Chỉ sau 5 năm, bầy cá vồ cờ hiện nay của anh Thuận có trọng lượng từ 8kg đến 12kg/con. "Là loài ăn tạp nhưng con cá vồ cờ lại khoái... ở sạch. 

Ao nuôi cá vồ cờ phải có nước chảy thông thoáng, oxy hòa tan trong nước nhiều, chứ nó không chịu ở nơi ao tù, nước dơ bẩn. Còn bản tính ham ăn hung hãn, theo tui thì cá vồ cờ có lẽ thuộc hàng vô địch. Bằng chứng là mới đây một con cá vồ cờ của tui săn đuổi rồi nuốt con cá rô phi khá lớn. Hậu quả là con cá vồ cờ bị... hóc xương con cá rô phi, nổi bụng ngáp ngáp chờ chết, phải vớt lên làm thịt mà tiếc đứt ruột", anh Thuận kể.

Theo thạc sĩ Huỳnh Hữu Ngãi (Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ - TTQGGTSNNNB - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II - Cái Bè, Tiền Giang), cá vồ cờ (tên khoa học Pangasius sanitwongsei) là loài cá quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam, có tên trong danh sách 100 loài động vật có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng nhất thế giới. 

Loài cá này có thể dài đến 3m và nặng 300kg, sinh sống trên lưu vực sông Mekong, từ Trung Quốc cho đến Việt Nam. Nhưng do tình trạng săn bắt trong nhiều năm, hiện nay cá vồ cờ gần như không còn, ngay tại các vùng nước sinh sống truyền thống. Vì vậy, từ năm 2013 đến năm 2019, cá vồ cờ được bảo tồn, lưu giữ nguồn gene và giống thủy sản, cho sinh sản thành công.

"Khi thực hiện việc bảo tồn, lưu giữ nguồn gene và giống cá vồ cờ, các nhà khoa học của trung tâm rất vất vả. Chúng tôi phải lặn lội khắp nơi tìm nguồn cá giống, chủ yếu là cá con theo nguồn nước sông Cửu Long đi lạc vào các bè, các ao nuôi cá của người dân và được thuần dưỡng. 

Cứ nghe nơi nào có cá vồ cờ thì chúng tôi tìm đến hỏi mua lại với giá cao, đem về trung tâm nuôi dưỡng thuần thục cho sinh sản. Hiện tại, bầy cá vồ cờ bố mẹ của trung tâm có hơn 50 con, con lớn nhất nặng hơn 30kg, trong khi cá có trọng lượng hơn 10kg là có thể cho sinh sản", thạc sĩ Ngãi cho biết.

Các nghiên cứu của TTQGGTSNNNB cho thấy, cá vồ cờ nuôi trong ao có tỉ lệ tăng trọng từ 1kg đến 4kg/năm, khi cá lớn hơn 12kg/con thì tỉ lệ tăng trọng chậm lại. Trên thị trường, cá vồ cờ đang được các nhà hàng, quán ăn đặc sản thu mua với giá 200.000 - 250.000 đồng/kg, ở các thành phố lớn còn đắt đỏ hơn.

Thạc sĩ Ngãi cho biết trước đây người dân chưa nuôi đại trà cá vồ cờ như các loài cá khác vì giá cá giống cao, thị trường tiêu thụ hẹp, chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn. 

Nhưng theo anh Phan Minh Luận, một người nuôi cá chuyên nghiệp với nhiều loài cá quý hiếm ở huyện Châu Thành (Tiền Giang), do thịt cá vồ cờ ngon, chất lượng cao, nguồn cá giống đang có và cho hiệu quả kinh tế, nên con cá đặc sản này bắt đầu được thả nuôi ở nhiều nơi.

Cá tra dầu khổng lồ bắt trên sông Mekong, hình ảnh này ngày càng hiếm hoi - Ảnh: NVCC

Cá tra dầu khổng lồ bắt trên sông Mekong, hình ảnh này ngày càng hiếm hoi - Ảnh: NVCC

Cá tra dầu vào ao nuôi thử

Trong lúc cá vồ cờ đang được nhà nông chú ý thì ở Tiền Giang nhiều người kháo nhau chuyện nuôi loài thủy quái mệnh danh "chúa tể sông Mekong", đó là cá tra dầu, tên khoa học Pangasianodon gigas. 

Anh Luận cho biết cá tra dầu sau khi được thuần dưỡng, sinh sản nhân tạo, sinh sống, tăng trưởng rất tốt trong môi trường nuôi nhốt như cá tra công nghiệp. Tuy nhiên, ưu điểm lớn nhất của cá tra dầu khi thả nuôi trong ao là một năm tăng trọng tối thiểu khoảng 3kg, nếu diện tích ao nuôi thông thoáng, rộng rãi và chế độ cho ăn đầy đủ. 

Hiện tại, giá bán con giống cá tra dầu khoảng 30.000 đồng/con, loại có kích cỡ bằng ngón tay người lớn. Điều quan trọng nhất là khi thả nuôi cá tra dầu, nhà nông chỉ sử dụng thức ăn viên đóng bao như nuôi cá tra công nghiệp.

Theo các tài liệu khoa học, cá tra dầu là loài cá da trơn lớn nhất sinh sống trên sông Mekong, chiều dài có thể hơn 3m và nặng hơn 300kg. Những năm gần đây, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) đã nhiều lần cảnh báo sự suy giảm nghiêm trọng của quần thể cá tra dầu trên sông Mekong, chủ yếu do việc các quốc gia trong lưu vực con sông xây dựng quá nhiều đập thủy điện, trong khi người dân đánh bắt kiểu tận diệt. Hiện nay, cá tra dầu nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, được xếp hạng cực kỳ nguy cấp (nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao).

Theo lão ngư Tư Chiến, cá tra dầu dễ nhận diện với đặc điểm là đầu to, dẹp, miệng rộng với 2 râu dài ở hàm trên. Lưng cá màu nâu thẫm, vây nhạt hơn. Điều đặc biệt là cá tra dầu tuy lớn xác nhưng chỉ ăn thực vật thủy sinh. 

Thạc sĩ Huỳnh Hữu Ngãi cho biết ông có nghe thông tin vài nơi gây giống được cá tra dầu. Riêng TTQGGTSNNNB chưa thực hiện việc này. Trong khi đó ông Út Kiên, tức Nguyễn Trung Kiên - nghiệp chủ chuyên kinh doanh thủy, hải sản ở Tiền Giang - cho biết vài năm trước vẫn còn nghe tin cá tra dầu nặng 200 - 300kg bị đánh bắt ở Campuchia, Thái Lan đưa về Việt Nam tiêu thụ với giá 1 - 2 triệu đồng/kg. Nhưng những năm gần đây rất hiếm nghe tin ngư dân đánh bắt được cá tra dầu.

"Tui nghe nói phần vì nguồn cá đang cạn kiệt, rồi các đập nước trên sông Mekong ngăn cản quá trình di cư, sinh sản của cá nên cá tra dầu ngày càng khan hiếm", ông Út Kiên tâm sự.

Những chuyện ngồ ngộ ở miền Tây - Kỳ 7: Thầy giáo làm son môi từ... hạt thanh longNhững chuyện ngồ ngộ ở miền Tây - Kỳ 7: Thầy giáo làm son môi từ... hạt thanh long

Thanh long... bỏ thịt, lấy hạt giờ đây không còn là chuyện cười trái khuấy khi thầy giáo Trần Quốc Trọng, giáo viên Trường THCS Trần Phú (P.7, TP Tân An, Long An), đã làm ra hàng loạt sản phẩm như tinh dầu, son môi, kem dưỡng da từ hạt thanh long.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên