30/03/2023 10:45 GMT+7

Những chuyện ngồ ngộ ở miền Tây - Kỳ 7: Thầy giáo làm son môi từ... hạt thanh long

Thanh long... bỏ thịt, lấy hạt giờ đây không còn là chuyện cười trái khuấy khi thầy giáo Trần Quốc Trọng, giáo viên Trường THCS Trần Phú (P.7, TP Tân An, Long An), đã làm ra hàng loạt sản phẩm như tinh dầu, son môi, kem dưỡng da từ hạt thanh long.

Hạt thanh long sấy khô, ép chiết xuất tinh dầu được thầy Trọng ứng dụng vào nhiều sản phẩm khác nhau - Ảnh: S.LÂM

Hạt thanh long sấy khô, ép chiết xuất tinh dầu được thầy Trọng ứng dụng vào nhiều sản phẩm khác nhau - Ảnh: S.LÂM

Ban đầu mình chưa tìm được đúng loại men để ủ nên men không sống được, đổ bỏ gần 3.000 lít. Người nhà thấy nói thôi xong rồi, cản đừng làm nữa. Lúc đó mới thấy nắm vững lý thuyết cũng chưa hẳn là thực hành dễ dàng. Để cho ra một sản phẩm thực tế từ lý thuyết, nhiều khi phải học lại từ đầu... Và tôi nghĩ mỗi sản phẩm cũng chỉ có thể thành công ở một giai đoạn, nên tôi chưa bao giờ dừng lại.

Thầy giáo Trần Quốc Trọng


Một ngày thứ Năm đầu tháng của năm mới, thầy Trọng phải nhờ giáo viên khác dạy thế mấy tiết lý, hóa để có mặt ở nhà thuộc ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành - nơi vùng rốn của "thủ phủ" thanh long miền Tây cả chục năm nay.

Đó là ngày nghiệm thu đề án sản xuất thử nghiệm dầu hạt thanh long chất lượng cao theo hợp đồng giữa công ty do thầy Trọng thành lập với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An.

Sản phẩm tinh dầu thanh long từ đề án khoa học hơn 2 tỉ đồng

Đề án mang tính chuyển giao công nghệ với tổng vốn hơn 2 tỉ đồng này đều được những người nghiệm thu hài lòng sau khi xem xét toàn bộ quá trình từ khi thanh long được ép gạt lấy hạt, hạt được sấy khô rồi đưa vào máy chiết xuất tinh dầu... cho đến khi cầm trên tay những lọ nước hoa, thỏi son môi, kem dưỡng da được tạo nên từ dầu hạt thanh long.

"Đề án được hội đồng đánh giá thành công, những sản phẩm này đều có thể đưa vào thương mại" - bà Hồ Thị Diệp Thúy, phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An, nhận xét chung khi được hỏi về những sản phẩm mới của thầy Trọng.

Chế biến son môi, kem dưỡng da từ hạt thanh long

Trước đó, tại hội chợ trong Tuần lễ du lịch tỉnh Long An tổ chức tại TP Tân An, thầy Trọng cũng đã đem những sản phẩm này ra tặng cho bà con tham gia hội chợ. Những chai tinh dầu, kem dưỡng da, son môi chế biến từ hạt thanh long lần đầu được thầy Trọng giới thiệu cho mọi người biết đã gây nhiều tò mò, thích thú.

"Dù tinh dầu thanh long còn mùi hơi ngậy của hạt và ít thơm hơn so với những loại tinh dầu khác như bưởi, tràm... nhưng nhìn chung cũng rất dễ chịu. Tôi đang tiếp tục cải thiện hơn nữa hương vị của tinh dầu hạt thanh long" - thầy Trọng cười, nhận định một cách thật thà về sản phẩm mới của mình.

Trong khi đó, nhiều hộp kem dưỡng da, son môi hai màu đỏ, hồng thì được rất nhiều người ngỏ ý mua dùng thử và hơn 20 sản phẩm bày trong gian hàng triển lãm hôm ấy đã được thầy Trọng tặng hết. Lúc ấy, sản phẩm của thầy giáo 46 tuổi này vẫn chưa đăng ký mẫu mã và chỉ mới ở giai đoạn vừa được chứng nhận sản phẩm đạt theo các tiêu chí của đề án chuyển giao khoa học.

Đó cũng là giai đoạn giá thanh long vẫn còn xuống thấp do khó khăn chung sau thời gian dài gặp phải dịch COVID-19, xuất khẩu gặp khó. Một tấn thanh long sau khi gạt bỏ vỏ, thịt trái chỉ còn khoảng gần 20kg hạt. Trong khi nhiều vườn thanh long xung quanh bỏ vườn và bán tháo giá rẻ, vợ chồng thầy Trọng hì hục chắt lọc được hơn 1 tấn hạt thanh long đem sấy khô để dành làm tinh dầu, kem dưỡng da, son môi.

Nhiều người bị thu hút bởi sản phẩm son môi, kem dưỡng da, tinh dầu làm từ hạt thanh long của thầy Trọng trong triển lãm Tuần văn hóa du lịch tỉnh Long An - Ảnh: SƠN LÂM

Nhiều người bị thu hút bởi sản phẩm son môi, kem dưỡng da, tinh dầu làm từ hạt thanh long của thầy Trọng trong triển lãm Tuần văn hóa du lịch tỉnh Long An - Ảnh: SƠN LÂM

Miệt mài theo đuổi khoa học thực nghiệm

Lớn lên ở huyện Tân Trụ (Long An), một vùng trước đây thuần trồng lúa, nên thầy Trọng chỉ tiếp xúc với cây thanh long khi lập gia đình và về ở nhà vợ tại xã Long Trì gần 20 năm trước.

Khi diện tích vườn thanh long ở Long An bắt đầu lan rộng thay đất lúa vào chục năm trước, trong một lần nghe thảo luận từ Hội Làm vườn Việt Nam về việc tăng sản phẩm đầu ra cho thanh long, sẵn kiến thức hóa học ngày ngày dạy học trò, thầy Trọng cũng là người tiên phong trong việc tạo ra nhiều loại nước uống từ trái thanh long, kiếm thêm đầu ra cho loại trái cây đã thay thế cho toàn bộ đất lúa ở huyện Châu Thành (Long An) này.

Rồi theo nguyên tắc làm ra các sản phẩm nước uống từ cây thanh long, thầy Trọng lại tiếp tục nghiên cứu các loại nước uống từ xoài, chanh dây, ca cao, khóm... có thể đem bán ra trên thị trường.

Mỗi khi gặp phải khó khăn cho một loại sản phẩm mới của mình, thầy giáo đều cố sắp xếp giờ dạy để lặn lội đi tham quan, tìm tòi công nghệ mới khắp nơi từ Sài Gòn, Cần Thơ, An Giang... Nhờ vậy, thầy Trọng đã được rất nhiều công ty, tổ chức trong và ngoài nước giúp đỡ hỗ trợ từ vốn với kỹ thuật để hoàn thiện các sản phẩm.

Những mối quan hệ mở rộng, những sản phẩm mới ra đời, thầy Trọng lại có thêm một điều để kể cho các học sinh trên lớp. Bởi dẫu có say mê với các sản phẩm, công việc ngày ngày tính toán mở rộng thị trường, nhưng thầy Trọng chưa bao giờ quên nhiệm vụ của một thầy giáo, chưa bao giờ quên học trò của mình.

"Mình làm được nhiều sản phẩm cũng ứng dụng từ các bài học trong sách giáo khoa mà ra. Học trò biết mình làm được nên cũng nghe theo dữ lắm. Đôi khi mình nghĩ nếu không làm giáo viên thì có thể mình cũng không vượt qua được những bài tập khó mà quá trình thực nghiệm đề ra để có thể hoàn thiện được các sản phẩm mà mình theo đuổi", thầy giáo 46 tuổi cười hiền.

Chỉ theo đuổi sản phẩm hữu dụng

Hiện công ty của thầy Trọng luôn thường trực hơn 10 nhân công. Đa dạng nhiều sản phẩm, có thể thấy trái thanh long khi vào xưởng của thầy Trọng thì được tận dụng tối đa. "Còn phần vỏ và các phần bỏ thanh long hiện đang được ủ để làm phân bón theo kiểu tự nhiên.

Tôi đang nghiên cứu thêm đề án xử lý sản xuất phân vi sinh từ vỏ thanh long và cũng đã có đơn vị ủng hộ. Đề án này thành công thì tất cả trái thanh long đều có thể tạo thành sản phẩm bán ra thị trường, không bỏ thứ gì", thầy Trọng nói một cách chắc chắn.

Trong suốt những năm mày mò nghiên cứu, thầy Trọng cho hay những sản phẩm mình theo đuổi đều phải hữu dụng, có thể nhân rộng, thương mại được và có thể giải quyết được đầu ra cho nguồn nguyên liệu nông nghiệp phong phú ở nước ta.

"Về nguyên tắc thì một quy trình có thể làm ra nhiều sản phẩm khác nhau, nhưng thường thì mình không lan man. Đây cũng là vấn đề mà nhiều người có máu nghiên cứu, thực nghiệm hay gặp phải", thầy Trọng nhận định.

Cứ thấy có cơ hội làm ra những sản phẩm thương mại, thầy Trọng đều nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán thị trường rồi mới bắt tay vào làm.

Song song với việc phát triển các sản phẩm từ thanh long để tiếp tục mở rộng thị trường, hiện thầy Trọng còn ấp ủ dự án: "Muốn mở rộng sản xuất dù sao cũng phải có kinh tế vững vàng. Hiện tôi đang tiếp tục xin thực hiện đề án phục hồi trồng đay, ép khô rồi xuất khẩu ở vùng Thạnh Hóa, Long An. Trước kia đây là vùng đay, do không có đầu ra nên người dân chuyển đổi sang trồng các thứ khác nhưng cũng rất khó khăn. Dự án của mình khi đưa vào thực hiện sẽ rất có ích cho cộng đồng".

"Con này ngon nhất khi đem nướng hoặc chiên nước mắm, thiên hạ đồn đây là món ông ăn, bà khen".

Kỳ tới: Săn "viagra" ... dưới lòng đất

Đào tiền dưới... gốc dừa mụcĐào tiền dưới... gốc dừa mục

"Hiện nay rễ dừa mục đang là nguồn phân bón hữu cơ rất hấp dẫn với dân chơi cây kiểng, nên các gốc dừa mục bị thiên hạ lùng sục, tranh nhau khai thác dữ lắm", Hai Huy vui vẻ kể nghề kiếm bộn tiền từ thứ ngày xưa người ta bỏ đi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên