29/03/2023 10:16 GMT+7

Trở lại 'cánh đồng vàng' Vĩnh Ân

Hơn 30 năm trước, ấp Vĩnh Ân (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, Long An) bất ngờ xảy ra cơn sốt tìm vàng kỳ lạ như trên miền núi, làm náo loạn các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Và chuyện khó tin mà có thật vẫn còn in rõ trong ký ức nhiều người.

Ông Sáu Lý bên cánh đồng từng lên cơn sốt tìm vàng - Ảnh: HÙNG ANH

Ông Sáu Lý bên cánh đồng từng lên cơn sốt tìm vàng - Ảnh: HÙNG ANH

Làng quê náo động vì "cơn sốt vàng"

Chuyện xảy ra vào mùa khô năm Bính Dần 1986, trên cánh đồng rộng hơn 40ha ở ấp Vĩnh Ân thuộc sở hữu của các ông Sáu Lý (Lê Thành Lý, nay đã quá vãng) và Hai Thiêm. Hồi đó, nơi đây chỉ trồng tràm, cấy lúa mùa một vụ mỗi năm, năng suất rất thấp. Mỗi năm 6 tháng nước ngập trắng đồng lút đầu người, 6 tháng mùa khô đất đai nứt nẻ, nắng cháy da người, muỗi mòng, rắn rít và đỉa nhiều không kể xiết.

Bỗng dưng một buổi sáng sớm, ông Sáu Lý ra ruộng hái mớ rau muống thì nhìn thấy nhóm người lạ mặt giăng hàng ngang trên ruộng, mặt cắm xuống đất nhìn chăm chú tìm kiếm thứ gì. Thấy lạ, ông Sáu hỏi thăm nhưng chẳng ai trả lời. Tức mình, ông Sáu nói ông là chủ ruộng, ai muốn tìm thứ gì trên đất của ông phải xin phép ông, thì nhóm người nói họ đang đi... tìm vàng.

Nhóm người lạ tiết lộ: mấy hôm trước ông già Mười ở xã Tuyên Thạnh thả trâu ăn cỏ trên ruộng của ông Sáu, tình cờ lượm được cục vàng, bán bộn tiền, mở tiệc đãi hàng xóm rồi chỉ chỗ nhặt được "của hoạnh tài" (tài lộc lớn tự dưng có).

Vàng ở đây thì không còn, nhưng trong quá trình cày xới đất, lâu lâu người ta lại nhặt được những mảnh vỡ của đồ sành sứ xưa hay vài hạt chuỗi đá.
Ông LÊ THANH SANG

Lúc đầu, ông Sáu Lý nghĩ chắc mấy người này... bị khùng bởi ông cày xới trên ruộng bao năm mà có thấy miếng vàng nào đâu? Nhưng rồi ông Sáu cũng bán tín bán nghi, mỗi khi ra ruộng vẫn để ý nhìn xem có thấy thứ gì lạ hay không. 

Một hôm, ông dọn đất chuẩn bị cấy lúa thì con dao chặt trúng vật lạ nghe "cạch" một tiếng. Ông Sáu moi vật đó lên, thấy nó có hình cuộn tròn, dài như cái vỏ đạn thời chiến tranh, dính đầy bùn đất. Nhớ chuyện vàng, ông ngồi rửa sạch đất bùn rồi giật mình vì vật đó có màu vàng rực. Gỡ thẳng ra, ông Sáu thấy đó là lá kim loại màu vàng, được chạm trổ tinh xảo, chế tác công phu. Ông Sáu tức tốc đem lá kim loại màu vàng đến thợ bạc thì được khẳng định vàng thật.

Mấy ngày sau, không biết từ đâu tin đồn "ấp Vĩnh Ân có cánh đồng đầy vàng" lan ra khắp nơi. Lúc đầu, dân xã Vĩnh Đại và các địa phương lân cận kéo vào đất ông Sáu tìm vàng, rồi tràn sang ruộng ông Hai Thiêm để săn "lộc trời cho". Sau đó, dân tứ xứ từ Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh... cũng ùn ùn đổ về cánh đồng, gây nên "cơn sốt tìm vàng" náo nhiệt vùng quê hoang vắng.

Cùng với dòng người đông đặc đổ xô về cánh đồng ấp Vĩnh Ân tìm vàng là những chuyện hết sức giật gân: nào là sau mỗi cơn mưa vàng rũ bùn trồi lên khắp nơi, tha hồ mà nhặt, con nít đi mò cua bắt ốc ngoài ruộng cũng lượm được vàng. Nào là ông A. nhặt được cục vàng to tướng nên đổi đời, ông B. lượm được nguyên nải chuối bằng vàng trái to bằng ngón tay người lớn, bà C. đào được chiếc vương miện bằng vàng như của vua chúa nặng cả ký lô...

Tuy nhiên, bà Trần Thị Kiều (50 tuổi, xã Vĩnh Đại), người từng đi nhặt vàng ở ấp Vĩnh Ân, nhớ sau những cơn mưa vàng đội đất trồi lên là chuyện có thật. Bản thân bà Kiều và nhiều người trong xóm có nhặt được vàng trên cánh đồng của ông Sáu Lý và ông Hai Thiêm. 

"Nhưng vàng nhặt được chỉ là những món nữ trang nho nhỏ như xâu chuỗi, nhẫn... trọng lượng chẳng đáng bao nhiêu. Tui chưa tận mắt nhìn thấy ai tìm được những món vàng nặng ký như lời đồn. Sở dĩ thiên hạ đổ xô về khu vực này tìm vàng chung quy cũng tại... tiếng đồn", bà nói.

Ông Nguyễn Chí Linh, dân ấp Vĩnh Ân, cho biết khi cơn sốt tìm vàng ngày càng náo nhiệt thì người ta quên luôn cái tên ấp Vĩnh Ân, mà gọi là ấp Đồng Vàng. Rồi con kênh thủy lợi trước nhà ông Sáu Lý được gọi là kênh Đồng Vàng, cây cầu ngoài lộ 79 cũng được kêu là cầu Đồng Vàng...

Những ngày lên "cơn sốt tìm vàng", ấp Vĩnh Ân rối loạn. Mùa khô nước cạn, trên kênh 62 và kênh Đồng Vàng lúc nào cũng đặc kín ghe xuồng, bờ đê san sát lều trại tạm bợ của dân tìm vàng. Ban ngày, người ta dàn hàng ngang ngồi xổm trên ruộng mà đào đãi kỹ từng thước đất. Ai trúng được vàng (mà rất hiếm), bán được tiền thì ban đêm tổ chức ăn nhậu, hát hò rần rần. Nhưng khổ nhất là nạn ô nhiễm trầm trọng do chất thải của hàng ngàn con người xả ra mỗi ngày, nước kênh rạch đều đen sì, hôi thối nồng nặc.

Đến mùa nước nổi, dân tìm vàng sinh sống trên những chiếc xuồng giăng khắp đồng nước, ban đêm đèn đuốc sáng rực một góc trời. Hằng ngày từ mờ sáng, họ cặm sào neo xuồng trên mặt nước sâu 2-3m rồi thi nhau lặn hụp móc đất, bỏ lên sàng đãi vàng. Hàng ngàn con người lặn hụp tìm vàng, nhưng người nào lấm lét nhìn trước ngó sau, hối hả bơi xuồng vào bờ là chắc chắn họ vừa tìm được vàng, đem vô xóm bán cho đám thợ bạc đang túc trực.

Thời gian đầu, người đi tìm vàng phải chuẩn bị gạo mắm để ăn. Nhưng sau đó, một khu chợ tự phát mọc lên bên cạnh "cánh đồng vàng". Khu chợ này bán gạo thóc mắm muối, nhu yếu phẩm, rượu đế... và cả đồ đào đãi vàng như cuốc xẻng, sàng đãi, chảo khoắng.

Cầu được gọi tên Đồng Vàng trên tỉnh lộ 79, nay được chính thức đặt tên Đồng Ràng - Ảnh: HÙNG ANH

Cầu được gọi tên Đồng Vàng trên tỉnh lộ 79, nay được chính thức đặt tên Đồng Ràng - Ảnh: HÙNG ANH

Giàu nhờ lúa, chẳng ai giàu nhờ vàng

Ông Chí Linh kể những năm ấp Vĩnh Ân lên cơn sốt tìm vàng, do lượng người đổ về đây quá đông nên các chủ đất như ông Sáu Lý, ông Hai Thiêm... không thể ngăn cản họ. Lúc đầu chủ đất không cho họ vào tìm vàng vì họ phá nát rừng tràm, đào hang đào hốc khắp cánh đồng.

Nhưng càng cấm thì họ càng làm đủ mọi cách để lấy đất đãi vàng. Rừng tràm họ đốn bỏ, lúa mùa đang xanh tốt họ bứng từng cụm dời qua một bên để móc đất đãi vàng. Ban ngày bị ngăn cấm thì họ đào đãi vàng ban đêm, đèn đuốc sáng rực một góc trời, nên mấy ông chủ đất đành... chào thua.

Mùa này, "cánh đồng vàng" ngày xưa đang vào vụ lúa đông xuân. Ông Nguyễn Văn Ken, chủ tịch UBND xã Vĩnh Đại, cho biết hiện nay dân trong xã chỉ làm hai vụ lúa/năm, năng suất 15-16 tấn/ha/năm, thêm chăn nuôi, nên cuộc sống tương đối khá. Ấp Vĩnh Ân có 320 gia đình, chỉ còn 6 hộ nghèo. Hỏi ở địa phương có ai làm giàu nhờ "trúng vàng" hay không, ông Lê Thanh Sang (trưởng ấp Vĩnh Ân, con thứ 7 của ông Sáu Lý) cho biết ông chưa từng nghe nói trong ấp hoặc trong xã có người đổi đời nhờ tìm được vàng. Bởi hồi đó ai tìm được chút vàng nhỏ xíu bán có tiền là mua rượu thịt ăn nhậu, nên nghèo vẫn hoàn nghèo.

Sau "cơn sốt vàng" một thời gian, khu này nhiều người cất được nhà tường, nhà ngói, nhưng chủ yếu do nhiều đất, liên tiếp trúng mùa lúa có giá mà khá dần lên, chứ không phải do trúng vàng. "Tui nghe cha tui kể, hồi đó ông có nhặt được vàng mấy lần, chừng 2-3 chỉ. Nhưng tất cả đều là vàng nữ trang với đủ loại hình thù, tuổi vàng rất thấp, bán vàng chỉ đủ tiền đong gạo chứ chẳng giàu có gì. Vậy mà không biết ai ác miệng đồn cha tui đào dược nải chuối vàng nặng hàng ký lô", ông Sang kể.

Hơn 30 năm đã qua, "cơn sốt tìm vàng" chỉ còn trong ký ức của những người lớn tuổi. Ông Chí Linh kể khi "dịch" tìm vàng lắng xuống thì vào những tháng mùa khô sau đó, khi ruộng đã thu hoạch lúa, lâu lâu vẫn có những người giả dạng đi cắt cỏ, bắt ốc để tìm vàng trong niềm hy vọng mong manh. Còn bây giờ, "cánh đồng vàng" ấy chỉ còn màu vàng lúa chín...

*****************

Một thầy giáo ở Long An đã hổng giống ai tự làm ra nhiều sản phẩm tinh dầu, son môi, kem dưỡng da từ... hạt thanh long.

>> Kỳ tới: Thầy giáo làm son môi, kem dưỡng da từ... hạt thanh long

Đào tiền dưới... gốc dừa mụcĐào tiền dưới... gốc dừa mục

"Hiện nay rễ dừa mục đang là nguồn phân bón hữu cơ rất hấp dẫn với dân chơi cây kiểng, nên các gốc dừa mục bị thiên hạ lùng sục, tranh nhau khai thác dữ lắm", Hai Huy vui vẻ kể nghề kiếm bộn tiền từ thứ ngày xưa người ta bỏ đi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên