07/06/2019 12:24 GMT+7

Những chiến binh K - Kỳ cuối: Liều thuốc tuyệt vời

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Người bị ung thư có nên vận động hay không? Đó là một trong hai chủ đề chính mà bác sĩ Jorge Nieva - chuyên gia hàng đầu về ung thư tại ĐH Nam California (Mỹ) - mang đến thuyết trình tại Việt Nam.


Những chiến binh K - Kỳ cuối: Liều thuốc tuyệt vời - Ảnh 1.

HLV Sean Stocker sửa động tác yoga cho một bệnh nhân ung thư

Tầm quan trọng của vận động

Bác sĩ Nieva cho biết hầu hết các kết quả khảo sát với từng loại bệnh ung thư khác nhau đều cho thấy việc vận động giúp ích rất nhiều cho các bệnh nhân. "Theo nhiều kết quả thử nghiệm lâm sàng, bệnh nhân ít hoạt động hơn sẽ gặp phải nhiều biến chứng hơn. Ở đây, chúng tôi muốn cho thấy rằng những bệnh nhân ít hoạt động hơn - dành ít hơn 5 giờ trong 60 ngày để đi bộ hoặc di chuyển, phải cần đến những can thiệp cấp bách nhất của bác sĩ chuyên khoa ung thư. Trong khi các bệnh nhân hoạt động tích cực nhất có ít vấn đề nhất. Tất nhiên bác sĩ cần phải dõi theo bệnh tình của bệnh nhân để đưa ra lời khuyên tập luyện phù hợp. Hầu hết là đi bộ", ông Nieva cho biết.

Cụ thể, một khảo sát từ nhóm hợp tác ung thư phương Tây (ECOG) cho thấy những người mắc bệnh ung thư phổi nhưng vẫn hoạt động bình thường có tỉ lệ sống lâu hơn 1 năm vào khoảng 42%. Trong khi đó, những người nằm giường vào khoảng 50% thời gian thì con số tương tự chỉ còn 19%. Một nghiên cứu khác của ĐH Harvard cũng cho thấy những bệnh nhân tập luyện nhiều là đối tượng có tỉ lệ tử vong vì ung thư vú thấp nhất.

Tránh vận động, kiêng tập thể dục thể thao là một quan niệm sai lầm hoàn toàn của các bệnh nhân lẫn người thân bệnh nhân. "Chúng ta thường có quan niệm nên yêu thương người bệnh, không bắt họ phải vận động nhiều, điều này hết sức tai hại. Chúng tôi cần các bạn đi ra ngoài và nói với mọi người về tầm quan trọng của vận động. Những trường hợp như của Thủy Muối hay ông Phạm Trường Giang là minh chứng tiêu biểu, họ sống tích cực, năng động và có thể vượt qua căn bệnh ung thư", ông Nieva nói.

Thật vậy, hầu hết những bệnh nhân có lối sống vui vẻ, lạc quan mà chúng tôi gặp tại các tổ chức hỗ trợ ung thư đều rất năng động trong cuộc sống thường nhật. Bác sĩ Giang là minh chứng rõ nhất cho việc người đang trong quá trình điều trị ung thư vẫn có thể tập luyện thể thao thường xuyên. 

"Chỉ khoảng một tuần sau đợt hóa trị của ca ung thư đầu tiên là tôi xách vợt ra sân tập luyện. Các bác sĩ khuyên tôi nên chọn cách thức vận động phù hợp nhất, và tôi cảm thấy cơ thể mình đủ khỏe. Đều đặn mỗi tuần tôi vẫn chơi quần vợt 2 ngày suốt 15 năm qua", bác sĩ Giang cho biết.

“Chúng tôi cần các bạn đi ra ngoài và nói với mọi người về tầm quan trọng của vận động. Những trường hợp như của Thủy Muối hay ông Phạm Trường Giang là minh chứng tiêu biểu, họ sống tích cực, năng động và có thể vượt qua căn bệnh ung thư.

Bác sĩ Jorge Nieva

Những chiến binh K - Kỳ cuối: Liều thuốc tuyệt vời - Ảnh 3.

Lớp học yoga do SCI tổ chức - Ảnh: H.Đ.

Câu thần chú Gauranga

Tọa lạc tại một trung tâm thương mại ở Q.1, TP.HCM, lớp yoga dành cho bệnh nhân ung thư của SCI diễn ra từ 9h-10h chủ nhật hằng tuần. Lớp có khoảng 30 học viên, gồm cả nam lẫn nữ, từ người trẻ tuổi đến các cụ ông, cụ bà... Cũng như nhiều lớp học yoga khác, học viên đến đây học với cả HLV người Việt lẫn nước ngoài, họ được dạy cách thiền, điều hòa hơi thở, những bài tập uốn dẻo và cả bài tập thiền nhạc.

Chị Nguyễn Thị Thương Huyền - một bệnh nhân ung thư vú đã 6 năm - cho biết: "Tôi vốn là giáo viên thể dục thẩm mỹ nên từ lâu đã quen với việc vận động. Sau khi bị ung thư, tôi vẫn tập thể dục đều đặn, đến cách đây khoảng 1 năm thì chân trái của tôi bị phình to ra vì biến chứng phụ, khiến tôi gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại. Cũng trong thời gian này, lớp yoga của SCI mở ra và tôi đăng ký đi tập. Thật may mắn vì yoga rất phù hợp với trường hợp của tôi, tôi vẫn có thể vận động, điều hòa cơ thể mà không làm ảnh hưởng đến bệnh tình của mình".

Đặc biệt nhất trong buổi học là bài tập thiền nhạc của riêng HLV Sean Stocker. Vị HLV người Úc ôm đàn guitar, ngồi trước lớp và nghêu ngao hát một câu hát tiếng Ấn Độ, các học viên trong tư thế ngồi thiền cũng nghêu ngao hát theo. Ông Stocker gọi đó là "thần chú Gauranga".

"Thật ra, giai điệu bài nhạc mới là quan trọng, nó giúp tinh thần mọi người thanh thản, thoải mái, nhẹ nhàng hơn sau giờ tập luyện. Huấn luyện cho người bệnh ung thư khá khác biệt. Tôi chưa từng làm điều này khi còn ở Úc, SCI đã cho tôi cơ hội đặc biệt này. Mỗi buổi tập, tôi trò chuyện với các học viên để nắm rõ hơn tình trạng sức khỏe của họ. Một HLV cần biết điều đó để chọn động tác phù hợp cho học viên. 

Tôi không phải là bác sĩ, nhưng người bị ung thư lẫn người thân của họ cần có tinh thần tốt nhất, và yoga là một môn thể thao coi trọng tinh thần. Những bài tập yoga cũng phù hợp với hầu hết đối tượng, không đòi hỏi vận động mạnh, không sợ chấn thương... nên tôi nghĩ yoga rất phù hợp với người bệnh ung thư", HLV Sean Stocker cho biết.

Sau câu thần chú Gauranga, những bệnh nhân ung thư đến với SCI giữ được cho mình trạng thái tinh thần cũng như sức khỏe thoải mái sau mỗi buổi tập. Thể thao chính là một liều thuốc chữa trị ung thư tuyệt vời.

Những chiến binh K - Kỳ cuối: Liều thuốc tuyệt vời - Ảnh 4.

Giờ thiền nhạc đặc biệt của HLV người Úc Sean Stocker dành cho các bệnh nhân ung thư - Ảnh: H.Đ.

Tác dụng của yoga đối với ung thư

Trong các tổ chức chống ung thư thế giới, việc tập yoga cũng được khuyến khích rộng rãi, được thừa nhận như hình thức tập luyện đặc biệt phù hợp dành cho bệnh nhân ung thư nói chung. Tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh quốc cho biết giá trị đầu tiên mà yoga mang lại cho các bệnh nhân ung thư là liệu pháp tinh thần, giúp các bệnh nhân vượt qua được sự lo âu, căng thẳng và chứng trầm cảm.

Nhiều bệnh nhân ung thư khi được hỏi còn khẳng định việc tập yoga giúp họ cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình điều trị, giảm đi các triệu chứng, tác dụng phụ như đau đớn, mệt mỏi, buồn ngủ. Những lợi ích này được chứng minh trong một nghiên cứu vào năm 2010 của Tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh quốc.

Nhiều nghiên cứu nhỏ lẻ đã lần lượt cho thấy việc tập yoga thực sự có ích trong việc cải thiện các chứng đau lưng, cao huyết áp, bệnh suyễn, động kinh, trầm cảm. Năm 2012, một nghiên cứu khác ở Mỹ cho thấy yoga có tác động rất tích cực với việc điều trị ung thư vú. Ngoài việc cải thiện tinh thần cho người bệnh, yoga còn giúp giảm chứng sốt cũng như rối loạn giấc ngủ. Những bệnh nhân trải qua chương trình tập luyện yoga trong 7 tuần đã cảm nhận được những thay đổi tích cực trong cơ thể họ.

Những 'chiến binh K' - Kỳ 1: Làm bạn với ung thư Những "chiến binh K" - Kỳ 1: Làm bạn với ung thư

TTO - Nhiều bệnh nhân đã gục ngã hoàn toàn khi nghe bác sĩ thông báo mình mắc bệnh ung thư - hồi chuông báo tử. Nhưng một số khác vẫn kiên cường chiến đấu, trở thành những tấm gương truyền cảm hứng cho cộng đồng. Họ được gọi là những "chiến binh K".

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên