Các bệnh nhân ung thư gia nhập tổ chức cộng đồng SCI thường xuyên có những hoạt động tập thể - Ảnh: SCI
Cả đời tôi chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ đi nhờ ai giúp đỡ kiểu vậy, dù có là người thân. Nhưng lúc này thì không thể ngại ngần gì nữa cả, tôi phải sống
Chị VÂN ANH
Không phải ai sinh ra cũng đã có sự lạc quan. Bác sĩ Phạm Trường Giang - người đã chiến đấu với ung thư suốt 16 năm - cho biết ông mất một tháng để thoát khỏi nỗi sợ chết.
Cái chết cận kề, ngại gì sĩ diện
"Tôi bị ung thư vào lúc 49 tuổi khi sự nghiệp đang ổn định nhất. Con tôi lúc đó lại còn quá nhỏ, và tôi lập nghiệp khá muộn vì long đong nhiều năm theo chuyện học. Tôi hoàn toàn không cam tâm khi phát hiện căn bệnh ung thư, đi kèm đó là nỗi sợ chết.
Tôi rất sợ, sợ cả ý nghĩ sau khi mình chết rồi, vợ con sẽ sinh sống cách nào. Giữa lúc nguy khó đó, bên cạnh vợ, bạn bè là những người đã vực tôi dậy" - bác sĩ Giang chia sẻ.
Là phó chủ tịch Hội quần vợt y - nha - dược TP.HCM, bác sĩ Giang được biết đến rất nhiều trong cộng đồng blouse trắng của VN. Và khi ông bệnh, những đồng nghiệp lập tức chia sẻ.
"Đó là một may mắn lớn của tôi, người bệnh thường khổ sở đi tìm bác sĩ, còn tôi được rất nhiều bạn bè đề nghị mổ giúp. Họ còn chia sẻ với tôi về mặt tài chính, chính họ là những người đã cứu sống tôi.
Thêm vào đó, vợ tôi còn có kinh nghiệm của điều dưỡng viên, là người đã ở bên cạnh tôi gần như không rời nửa bước suốt 15 năm qua" - ông kể.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như bác sĩ Phạm Trường Giang, chị Lương Ngọc Vân Anh - người mắc bệnh ung thư vú giai đoạn cuối cách đây hơn một năm - đã phải nuốt ngược những giọt nước mắt trong bóng tối khi nghe tin mình mắc bệnh.
Chỉ là một công nhân viên bình thường, còn là bà mẹ đơn thân chăm sóc cô con gái nhỏ, chị Vân Anh gần như cô độc hoàn toàn trong cái ngày đầy ám ảnh sau ca nội soi. Và không chỉ vậy, chi phí thực hiện ca mổ khoảng 50 triệu đồng, trong tay chị Vân Anh khi ấy chỉ vỏn vẹn 10 triệu.
"Tôi khóc không thành tiếng trong đêm đó. Tôi chỉ mới là một phụ nữ trung niên, còn rất nhiều kế hoạch đang ấp ủ. Con tôi lại quá nhỏ, tôi không muốn cháu thành đứa trẻ mồ côi. Khát khao sống đã khiến hồi sinh tôi sau một đêm.
Sáng hôm sau, tôi "mặt dày" nhắn tin cho bạn bè biết về căn bệnh của mình kèm lời ngỏ mong được giúp đỡ về tài chính. Cả đời tôi chưa từng nghĩ đến chuyện sẽ đi nhờ ai giúp đỡ kiểu vậy dù có là người thân.
Nhưng lúc này thì không thể ngại ngần gì nữa cả, tôi phải sống" - chị Vân Anh chia sẻ.
Đoàn kết để chống lại ung thư - Ảnh: SCI
Chữa trị tích cực
Trước khi dấn bước vào thế giới của người bệnh ung thư, chúng tôi mường tượng đến một khung cảnh ảm đạm, đầy rẫy sự khóc than, lo buồn... Nhưng rồi khi chứng kiến những người bệnh ung thư ngồi lại với nhau, cùng tham gia những chương trình giúp đỡ lẫn nhau, chúng tôi mới biết bộ mặt khác của họ.
Khi bác sĩ Phạm Nguyên Quý cần một ví dụ trong buổi hội thảo về ung thư, Nguyễn Ánh Hoa (20 tuổi), cô sinh viên người Hà Nội, không hề ngại ngần đứng lên chia sẻ bệnh tình của mình với mọi người giữa khán phòng cả trăm người.
Ánh Hoa mắc bệnh ung thư máu từ năm 11 tuổi, và từ nhỏ cô được bố mẹ cho uống rất nhiều loại thuốc dân gian và cả thực phẩm chức năng. Nhưng khi trưởng thành, Ánh Hoa kiên quyết chọn phương pháp điều trị của các bác sĩ và tự lựa chọn cuộc đời cho mình.
"Do mắc bệnh nên từ nhỏ tôi đã được bố mẹ bảo bọc rất kỹ, cái gì cũng không cho làm. Nhưng tôi thường suy nghĩ mình tuy bị ung thư nhưng cơ thể vẫn đầy đủ, so với những người khuyết tật tôi còn may mắn hơn nhiều. Vì vậy tôi muốn đi học, muốn đi làm như những người bình thường.
Tôi hiện là sinh viên năm 2 ĐH Thủy lợi. Song song việc đi học, tôi tham dự các chương trình cộng đồng của những tổ chức chống ung thư uy tín để lắng nghe và chia sẻ trường hợp bệnh tình của mình" - Ánh Hoa kể.
"Chữa trị tích cực" là khái niệm được nhắc đến rất nhiều bởi các bác sĩ chuyên khoa ung thư và bệnh nhân có nhiều kiến thức y học như bác sĩ Phạm Trường Giang. Họ không nằm dài trên giường bệnh để chờ đợi những ca mổ, những liều hóa trị để rồi cơ thể dần suy kiệt.
"Cộng đồng chống ung thư đầu tiên mà tôi bước chân vào là tổ chức được thành lập bởi Lance Armstrong (cuarơ xe đạp đã chiến thắng bệnh ung thư tinh hoàn). Ngay khi có bệnh, tôi tìm lên những trang web và chia sẻ bệnh tình của mình với mọi người.
Tôi nhận được nhiều lời khuyên có ích cùng sự an ủi. Có một cộng đồng những người giống như mình giúp tôi an tâm hơn rất nhiều. Và tôi bắt đầu phương thức chữa trị tích cực" - bác sĩ Trường Giang kể.
Hầu như cứ sau mỗi ca mổ hoặc những đợt hóa trị một tháng, bác sĩ Giang lại xách vợt ra sân. Quần vợt là thứ đi theo ông suốt 16 năm chiến đấu với bệnh tật. Ông cũng tham gia nhiều hoạt động công tác xã hội, tìm kiếm niềm vui qua việc giúp đỡ, chia sẻ với các bệnh nhân ung thư khác.
Tương tự bác sĩ Giang, chị Vân Anh cũng xem việc chia sẻ cho đời là liều thuốc xốc dậy tinh thần.
Đều đặn hằng tuần, chị tham gia hoạt động của CLB Nhóm lửa yêu thương, nấu hàng trăm thùng cháo cho người nghèo, cũng như đi bộ đều đặn mỗi ngày theo lời khuyên của bác sĩ. Vừa dự xong hội thảo ung thư, chị Vân Anh lập tức theo lời rủ rê của bè bạn... đi du lịch.
Thay vì giấu giếm bệnh tình, những "chiến binh K" đón nhận, truyền bá và chiến đấu với chúng bằng những điều tích cực.
Chơi thể thao cũng là một cách chống lại ung thư của BS Giang - Ảnh: NVCC
Phác đồ điều trị ở Mỹ và VN là như nhau
Bác sĩ Wynn Trần, người sáng lập Tổ chức y khoa phi lợi nhuận VietMD tại Mỹ, khẳng định phác đồ điều trị ung thư ở Mỹ và VN là như nhau.
"Chữa trị ung thư là chữa trị chăm sóc toàn diện, dựa trên nhiều yếu tố quan trọng, bao gồm phác đồ điều trị, chăm sóc giảm đau và giảm nhẹ, chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân lẫn người thân, dinh dưỡng và tham gia những nhóm hỗ trợ.
Tôn giáo cũng mang tính hỗ trợ tinh thần rất tốt cho người bệnh trong quá trình điều trị ung thư. Ở VN, chăm sóc giảm nhẹ cùng vấn đề dinh dưỡng chưa được chú trọng đúng mức" - bác sĩ Wynn Trần cho biết.
_____________________________
Kỳ tới: Người truyền cảm hứng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận