03/06/2019 11:26 GMT+7

Những "chiến binh K" - Kỳ 1: Làm bạn với ung thư

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Nhiều bệnh nhân đã gục ngã hoàn toàn khi nghe bác sĩ thông báo mình mắc bệnh ung thư - hồi chuông báo tử. Nhưng một số khác vẫn kiên cường chiến đấu, trở thành những tấm gương truyền cảm hứng cho cộng đồng. Họ được gọi là những "chiến binh K".

Những chiến binh K - Kỳ 1: Làm bạn với ung thư - Ảnh 1.

Chị Vân Anh (giữa) luôn nở nụ cười trong suốt hành trình chiến đấu với bệnh ung th ư - Ảnh: SCI4

Dính ung thư là nằm chờ chết - những ai có suy nghĩ như vậy cần lắng nghe câu chuyện của bác sĩ Phạm Trường Giang, một nhân vật thuộc hàng độc nhất vô nhị trong danh sách hồ sơ bệnh án ung thư ở VN.

Chúng tôi gặp ông trong một hội thảo về bệnh ung thư tại Đà Nẵng, nhưng ông tham dự hội thảo không phải trong vai trò bác sĩ mà là của một bệnh nhân kiêm diễn giả.

Bây giờ có mặt ủ mày chau thì cũng đâu giúp gì được cho việc mắc bệnh ung thư... Dần dà rồi thì chúng tôi xem ung thư như một người bạn vong niên.

Chị VÂN ANH

16 năm, 5 căn bệnh ung thư

Và câu chuyện về cuộc đời ông cuốn hút ngay từ những câu đầu tiên: "Tôi năm nay 64 tuổi, mắc bệnh ung thư đầu tiên cách đây 16 năm, và nay đã tái phát qua bốn vị trí khác nhau".

16 năm, năm căn bệnh ung thư, nhiều bạn bè của bác sĩ Giang vẫn thường đùa ông xứng đáng đi vào sách kỷ lục Guinness về số lượng ca ung thư trên người.

Vị bác sĩ 64 tuổi này khiến giới y học VN phải ngỡ ngàng nhiều năm qua, không chỉ bởi nghị lực kiên cường của ông mà còn bởi cái "duyên" lạ lùng của ông với hai chữ "ung thư".

Tất cả bắt đầu từ một ngày ám ảnh vào năm 2003. Bác sĩ Giang khi đó 48 tuổi, công tác tại phòng y tế học đường của Phòng Giáo dục - đào tạo quận 7. Ông có một cuộc sống ổn định với vợ - cô Đặng Thị Hồng làm điều dưỡng viên cùng hai con trai.

Và rồi cuộc sống tốt đẹp ấy gần như sụp đổ sau kết quả chẩn đoán ban đầu cho biết ông mắc ung thư một lúc ở hai nơi - dạ dày và đại tràng.

Những chiến binh K - Kỳ 1: Làm bạn với ung thư - Ảnh 3.

Bác sĩ Giang và vợ - người giúp đỡ ông chiến đấu với bệnh ung thư 16 năm qua - Ảnh: NVCC

"Bàng hoàng, sụp đổ, không thể tin nổi. Cảm giác của tôi khi ấy có lẽ cũng giống như nhiều người bệnh ung thư khác. May mắn là tôi có vợ ở bên để chia sẻ, hai vợ chồng lập tức cùng nhau bàn kế hoạch.

Hàng loạt câu hỏi phải trả lời, có cần thông báo cho con trai biết không, có nên tiếp tục công việc ở phòng mạch không..." - bác sĩ Giang kể.

Một tuần sau, ông lên bàn mổ. Kết quả khám lâm sàng lại cho thấy phần dạ dày bình thường nên đóng lại, còn đại tràng phải cắt bỏ 1/2. Ông trải qua chín chu kỳ hóa trị trong vòng sáu tháng và bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới.

Ông phải đóng cửa phòng mạch rồi về hưu mất sức ở tuổi 49, vợ ông cũng xin nghỉ công việc điều dưỡng viên để ở nhà chăm sóc chồng.

Một năm sau, kết quả kiểm tra nội soi cho thấy chỗ dạ dày cũ của ông thực sự có khối u, và một lần nữa ông phải lên bàn mổ, lần này 2/3 dạ dày còn lại bị cắt bỏ, lại tiếp tục hóa trị chín lần.

Sáu năm sau, ung thư một lần nữa réo tên Phạm Trường Giang, lần này là ở phần đại tràng sigma, lại mổ và hóa trị tám lần. Rồi đến năm 2015 là khối u ở bàng quang, mổ và hóa trị bảy lần. Và mới đây nhất, ung thư lại tái phát ở đại tràng ngang hồi tháng 6-2018...

Ung thư - người bạn vong niên

Nhiều người trong khán phòng hội thảo bật cười khi nghe xong câu chuyện về cuộc đời oái oăm của bác sĩ Phạm Trường Giang. Họ là những bệnh nhân, với không ít người cũng đã phải trải qua nhiều năm chinh chiến cùng căn bệnh ung thư quái ác chẳng kém gì bác sĩ Giang.

Và thái độ của những "chiến binh K" dày dạn ấy khi đối mặt với bệnh tật cũng khác hẳn người thường.

Chị Nguyễn Thị Bích Châu - một bác sĩ da liễu, và cũng là một người bệnh ung thư - cho biết mình đã hai lần mắc bệnh ung thư.

"Tôi bị ung thư tuyến giáp và buồng trứng, may mắn là cả hai đều được phát hiện trong giai đoạn 1. Nhưng cũng có thể bệnh ung thư của tôi sẽ tái phát ở những vị trí khác như bác sĩ Giang.

Nhiều người ái ngại cho tôi khi nói về chuyện bệnh tật, nhưng cá nhân tôi cảm thấy không có vấn đề gì. Đối mặt với bệnh tật giúp tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, đời tôi đã tám lần lên bàn mổ rồi còn gì" - bác sĩ Châu cười nói.

Những chiến binh K - Kỳ 1: Làm bạn với ung thư - Ảnh 4.

Chị Vân Anh cùng con gái từng phải đối mặt những giây phút suy sụp khi mới biết tin mình bị ung thư - Ảnh: SCI

Cũng có thái độ tích cực y hệt, nhưng hoàn cảnh mắc bệnh của chị Lương Ngọc Vân Anh (43 tuổi) lại ngặt nghèo hơn nhiều. Công tác trong một đơn vị bảo trợ xã hội cho bệnh nhân tâm thần ở Bình Phước, chị Vân Anh mắc bệnh ung thư vú cách đây hai năm.

"Phải mất nhiều ngày trời tôi mới chấp nhận nổi sự thật này" - chị Vân Anh nói.

Là một bà mẹ đơn thân với cô con gái chỉ mới 9 tuổi, ung thư thực sự là một thách thức quá khủng khiếp với chị Vân Anh. Nhưng cuộc sống vẫn cứ trôi đi, chị Vân Anh quyết tâm chiến đấu với ung thư bằng thái độ tích cực nhất. Và hiện giờ chị vẫn đang sống tốt.

Tất nhiên đi kèm đó là những ca mổ, những lần hóa trị, vô số cơn đau đè nặng lên cơ thể và một tương lai đầy lo âu.

"Bây giờ có mặt ủ mày chau thì cũng đâu giúp gì được cho việc mắc bệnh ung thư. Tôi thường xuyên lên mạng, tìm hiểu rồi gia nhập cộng đồng những người bệnh ung thư, tham gia những buổi hội thảo về ung thư. Tại đây, tôi được gặp gỡ nhiều người bệnh còn khổ sở hơn mình.

Chẳng hạn như bác sĩ Giang, cứ vài năm lại nghe mắc thêm một căn bệnh ung thư thật quá sức chịu đựng. Dần dà rồi thì chúng tôi xem ung thư như một người bạn vong niên" - chị Vân Anh chia sẻ.

Không còn sợ kể từ lần 3

"Tôi mất một tháng sau ca mổ đầu tiên mới có thể định thần lại. Thời điểm đó là lúc sự nghiệp, công việc của tôi đang trong giai đoạn ổn định nhất nên ung thư là một cú sốc thực thụ. Đến lần thứ hai mọi thứ bớt kinh khủng hơn nhưng cũng rất bàng hoàng.

Và lần thứ ba thì đã không còn sợ hãi nữa, tất nhiên việc phải mổ và hóa trị liên tục cũng khiến tôi mệt và khá lo âu. Đôi lúc tôi bật cười khi nghĩ về cái duyên lạ lùng của mình với ung thư" - bác sĩ Giang chia sẻ.

Kỳ tới: Đối mặt với sự thật


Thư bác sĩ mổ đẻ cho bà mẹ ung thư gửi những người mẹ Thư bác sĩ mổ đẻ cho bà mẹ ung thư gửi những người mẹ

TTO - Bác sĩ Trần Danh Cường, giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, là người thực hiện ca mổ đẻ cho bà mẹ 28 tuổi bị ung thư Nguyễn Thị Liên hôm 22-5. Tám ngày sau cuộc mổ đón cháu bé chào đời, ông viết thư, chia sẻ với các bà mẹ.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên