Một người đàn ông đến từ tỉnh Hồ Bắc đi qua cây cầu gần trạm kiểm soát với thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây - Ảnh: REUTERS
Ông Jianguo rất mệt mỏi khi trở về nhà sau một ngày làm việc dài ở Bệnh viện Phổi Vũ Hán, một trong những cơ sở y tế được chỉ định làm nơi chữa trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona ở tỉnh Hồ Bắc.
Trả lời phỏng vấn Đài Al Jazeera (Qatar), người đàn ông 52 tuổi làm nghề quét dọn than thở rằng bệnh viện bị quá tải bệnh nhân, bác sĩ và y tá phải làm việc quá sức, trong khi vật tư y tế cạn nhanh chóng.
Thế giới khác
Kể từ khi loại virus corona mới được phát hiện ở Vũ Hán hồi tháng 12-2019, hơn 400 người đã chết và hơn 20.000 ca nhiễm bệnh được ghi nhận tính đến ngày 4-2. Thành phố 11 triệu dân bị phong tỏa "nội bất xuất, ngoại bất nhập" từ sáng 23-1-2020.
Sự lây lan nhanh chóng khiến hệ thống y tế tỉnh Hồ Bắc bị kéo căng, các bác sĩ cho rằng chính phủ hoàn toàn không chuẩn bị gì cho một cuộc khủng hoảng kiểu này, thể hiện qua cách phản ứng hết sức hỗn loạn.
Khi ông Jianguo xem tivi hôm 28-1, những gì ông chứng kiến là người dẫn chương trình CCTV tung hô "các nỗ lực nhanh chóng và minh bạch của chính quyền" trong dịch corona, video thì chiếu cảnh người dân Vũ Hán vui mừng bày tỏ sự tin tưởng rằng nhà nước sẽ dập được dịch.
Ông Jianguo gọi điện cho cậu con trai thắc mắc: "Con có xem tin tức không? Bác sĩ và y tá chỗ bố làm kiệt sức đến mức gục ngã. Còn những người trên tivi trông vui hết chỗ nói, bộ họ sống trong một thế giới khác à?".
Con trai ông Jianguo lên mạng Weibo đăng một tấm hình chụp trong bệnh viện, bác sĩ và y tá ai nấy nằm lăn trên ghế ngủ trong sự mệt mỏi. "Tôi không quan tâm tivi nói gì, tình hình ở Vũ Hán thật sự bi đát", anh mô tả.
Tấm hình nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ trên Weibo, và là một trong nhiều tư liệu xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc những ngày gần đây. Chúng khá tương phản với những gì truyền thông nhà nước đưa tin.
Một người đi giao hàng ở Vũ Hán mặc trang phục bảo hộ chống virus - Ảnh: NYT
Những dòng tâm sự ám ảnh
Ngày 29-1, một người dùng Weibo đăng một tấm hình ông nội của cô nằm trong hành lang bệnh viện. "Ông tôi đã bị sốt suốt 3 ngày nay, không có bệnh viện nào chịu nhận!", cô viết trong tâm trạng đầy lo lắng.
Một phụ nữ khác mô tả cái chết của mẹ cô chi tiết trong một bài viết trên mạng WeChat: "Chiếc xe đến chở xác mẹ tôi nổ máy chạy đi, còn tôi đuổi theo nó, khóc như chưa từng được khóc trong đời. Đó là một ngày lạnh lẽo, tôi thấy tuyệt vọng cùng cực".
Còn trong đoạn video đăng trên YouTube, một người dân Vũ Hán mô tả cuộc sống trong vòng bị phong tỏa: "Cứ như sống trong địa ngục, chờ đến phiên mình chết".
Giữa bầu không khí u ám ở Vũ Hán, một số cơ quan truyền thông tư nhân Trung Quốc bắt đầu đăng những góc nhìn khác về vùng tâm dịch, chẳng hạn như tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, nghi vấn các nhân viên Chữ Thập Đỏ địa phương ém tiền viện trợ...
Caixin - môt trang tin được nhiều người đọc ở Trung Quốc - đăng bài phỏng vấn một bác sĩ lên tiếng công khai về tình hình dịch corona. Một bài viết khác thì gợi ý rằng việc kiểm soát ngôn luận đã gây ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch...
Một trạm kiểm tra thân nhiệt ở Trung Quốc những ngày này - Ảnh: REUTERS
Người Vũ Hán bị kỳ thị ngay tại Trung Quốc
Lo cho an toàn của đám trẻ khi tình hình ở quê nhà xấu đi, anh Andy Li - một kỹ sư công nghệ quê Vũ Hán - thuê một chiếc xe cùng gia đình di chuyển từ Bắc Kinh xuống phía nam đến tỉnh Quảng Đông. Họ dự định tạm trú cùng bà con ở đó.
Ở Nam Kinh, anh bị một khách sạn từ chối tiếp đón trước khi tìm thấy chỗ ở trong một khách sạn hạng sang. Ở đó, gia đình anh tự cách ly trong 4 ngày cho đến khi chính quyền địa phương yêu cầu tất cả người Vũ Hán dời đến một khách sạn khác nằm gần nhà ga xe lửa.
Trao đổi với báo New York Times, anh Li cho biết môi trường trong khách sạn mới chẳng mấy toàn, người giao thức ăn cứ tự do đến và đi. "Họ chỉ muốn cách ly người Vũ Hán khỏi người Nam Kinh", anh nhận xét.
"Tôi chẳng trách gì chính quyền, lúc nào trong chính sách cũng có lỗ hổng thôi. Thật ra tôi chỉ lo cho các con tôi", anh Li bày tỏ.
Gia đình anh Li chẳng phải cá biệt. Vài quan chức Trung Quốc đã bắt đầu lưu ý đến tình cảnh bị phân biệt đối xử của những người Vũ Hán đang tha hương.
Ở tỉnh Hà Bắc, một địa phương thậm chí treo thưởng 1.000 nhân dân tệ (140 USD) cho bất cứ ai trình báo về sự hiện diện của người Vũ Hán.
Còn ở tỉnh miền đông Giang Tô, công tác cách ly biến thành gần như giam cầm khi cảnh sát dùng cây sắt chèn cửa nhà của một gia đình vừa trở về từ Vũ Hán. Để có thức ăn, gia đình này phải nhờ hàng xóm chuyển xuống bằng dây thừng từ ban công phía trên...
"Chúng tôi đang chú ý đến vấn đề này. Tôi tin rằng dù một số người kỳ thị người Vũ Hán, nhưng phần lớn vẫn đối xử tốt với họ", ông Ma Guoqiang, bí thư tỉnh Vũ Hán, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4-2.
Trung Quốc quả thật còn rất nhiều việc phải làm trong những ngày khó khăn sắp tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận