"Dĩ vãng đã khép lại mà nghe đau xót quá", khán giả viết lại cảm xúc khi xem tập này.
Nỗi đau ám ảnh trong Như chưa hề có cuộc chia ly
Nhân vật chính là chị Oanh (tên hiện tại là Tân), hiện đang sống ở Quảng Ngãi. Chị có ba người con nay đã lớn, có việc làm. Cuộc sống gia đình chị ổn định.
Dù vậy, hằng ngày buổi sáng chị vẫn đi rửa chén cho quán ăn, chiều thì chăm cháu. Chị bảo mình không biết buôn bán nên làm công việc này.
Nhìn dáng vẻ bề ngoài chị hiền lành, đúng chuẩn phụ nữ truyền thống luôn vì gia đình nhưng ẩn sâu trong đó là một nỗi đau quá lớn mà chị luôn mang trong mình suốt mấy chục năm qua.
Đó là vào năm 1973. Gia đình chị lúc ấy có ba đi lính, có mẹ, và 5 người con. Một buổi sáng khi các chị em chị tỉnh dậy thì thấy mẹ đã chết bởi một viên đạn xuyên qua đầu. Sau đó, người em còn bú cũng mất.
Trailer Như chưa hề có cuộc chia ly tập 170: Dù đau mấy cũng đã là dĩ vãng
Mất mẹ, bốn chị em bước vào những ngày tháng vô cùng khó khăn. Ba thỉnh thoảng mới về. Lần lượt chị Đầm và chị Bích được đưa đi đến sống ở những gia đình khác.
Một thời gian sau, chị được một người họ hàng nhận nuôi. Họ dẫn chị về Châu Đức, tỉnh Đồng Nai sống được hơn một năm thì chị đi lạc. Sau đó, tháng 10-1976, chị được gia đình ở Bình Định nhận làm con nuôi rồi gả chồng, sống ở Quảng Ngãi.
Nỗi day dứt của chị từ lúc còn là đứa trẻ 8 tuổi cho đến tận bây giờ đó là đứa em trai nhỏ:
"Hồi đó tôi nghĩ là sao ông cha của mình không để bốn chị em ở lại cùng nhà, làm ăn dìu dắt nhau, lớn lên sum họp cùng với nhau. Tại sao lại mỗi người mỗi ngả, cuối cùng để thằng em ở lại nhà một mình với bà nội, tôi rất đau khổ".
"Tôi nghĩ là hai chị lớn mình làm ăn được thì hai chị ấy cũng sẽ làm ăn được, còn thằng em mình thì không biết sống chết như thế nào.
Con gái còn đi giúp việc cho người ta được, còn nó con trai thì làm sao mà đi giúp cho họ được, rồi nó sẽ sống như thế nào? Sau này tôi về cứ nghĩ miết tới thằng em đó, bây giờ nó còn sống hay đã chết", chị Oanh nói, kìm nén cảm xúc.
Dù đau mấy cũng thành dĩ vãng
Lần giở những ký ức, Như chưa hề có cuộc chia ly tìm lại được gia đình cho chị. Khi người em trai cùng cha bước ra sân khấu để gặp, chị đã bật khóc, tiến lại em trai, rờ mặt rờ vai đứa em mà chị thương và nghĩ tới nhiều nhất.
Ngày rời xa, em chỉ mới 5 tuổi mà giờ đây trở thành người đàn ông trung niên, mái tóc phai màu theo thời gian.
Anh Sanh - em trai út của gia đình lớn lên nhờ vào tình thương yêu của hai gia đình nội ngoại. Giờ đây anh ở Buôn Ma Thuột, sống bằng nghề trồng cây kiểng. Vườn Năm Sanh của anh được cả nước biết đến.
Trong chương trình, anh Sanh kể về cuộc đời mình nghe thương đứt ruột:
"Mỗi lần tôi đi hát karaoke bất chợt hát bài nói về mẹ là tôi khóc, rời cuộc chơi đi về. Các bạn không hiểu tại sao. "Mồ côi tội lắm ai ơi, đói cơm khát nước biết làm sao đây", tự dưng tôi nhớ lại tuổi thơ, không ngồi chơi được nữa".
"Trưởng thành rồi, tôi đi buôn bán còn có những người họ xoa đầu tôi, khóc. Mẹ tôi mất, sữa không còn nữa mà tôi cứ bò qua cái vú bên này bú. Không có sữa tôi bò qua ngược cái vú bên kia bú. Người hàng xóm kể lại, người ta tự khóc rồi tôi khóc theo, chứ tôi có biết gì đâu", anh nói, mắt ngấn lệ.
Chi tiết cảm động trong tập 170 Như chưa hề có cuộc chia ly là câu chuyện hiếu nghĩa của những người con với ba của mình.
Ông Tiết - cha của Sanh - sau khi giao con gái cho người ta đưa đi, ông cũng đi biệt, không ai biết tin gì về ông. Cho mãi đến năm 1991 khi anh Sanh đã 21 tuổi, làm thợ rừng tình cờ nghe được tin ba mình sống độc thân ở An Khê thì tìm đến. Anh gặp ba năm 1991, đến năm 1996 ông về nhà.
Hình ảnh chị Đầm và chị Bích, anh Sanh ngồi với ba mình trước cửa nhà, giọng anh Sanh vang vang:
"Ba đừng suy nghĩ gì về quá khứ nữa, bây giờ nên nhìn về hiện tại. Ba cũng 85 tuổi rồi. Ngày xưa ông bà cũng nói là Thất thập bất gia hình, Không còn hình phạt gì với người 70 tuổi đúng không ba" khiến khán giả cảm thấy ấm áp tình cha con. Nhiều ý kiến được viết lại trên YouTube:
"Cậu út là người thật nghị lực", "Người cha đã đẩy con cái vào cảnh bơ vơ lại có được người con trai hiếu thảo và đầy bao dung", "Làm mình khóc hết nước mắt, chúc mừng đại gia đình. Ông bố này có người con trai giỏi và hiếu nghĩa quá, vậy là quá phúc cuối đời. Cầu mong mọi người yêu thương và bù đắp cho nhau những ngày tháng còn lại".
Quả thật, dù đau mấy cũng thành dĩ vãng.
Thương một ai đó có lẽ sẽ dễ hơn ghét một người. Huống chi người đó là cha mình.
Tháng 10-2023:
6 cuộc tìm ra
909 đầu thông tin mới được xử lý.
100 hồ sơ tìm kiếm mới được lập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận