"Nước mắt vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc, thích nhất các chị và em sẵn sàng bù đắp cho chị, nghe thật ấm lòng và mừng", khán giả xem chương trình viết trên YouTube.
Niềm vui đoàn tụ gia đình của cô Đối trong Như chưa hề có cuộc chia ly đã trở thành niềm vui của bao người.
Nỗi buồn thời loạn lạc trong Như chưa hề có cuộc chia ly
Cô tên Lê Thị Đối (tên hiện tại Nguyễn Thị Ánh Tuyết), là ví dụ điển hình về những mất mát đau thương của những đứa trẻ sống trong thời đất nước còn chiến tranh loạn lạc.
Cha cô làm lính chế độ Cộng hòa, gia đình theo cha liên tục di chuyển khắp nơi, từ trại binh này đến trại binh khác. Lúc ở Đông Hà, khi Cam Lộ, Gio Linh, rồi Quảng Trị...
Một ngày năm 1973, ba mua đồ ăn sáng rồi dẫn cô đến nhà ông Tín - chỉ huy của ba ở Đà Nẵng.
"Ba bảo tôi ở đây đi, ba đi với chú Tín ra ngoài này chút. Cô cứ nghĩ là ba dẫn mình đi chơi, vài bữa được rước về, chứ có biết đâu là đi luôn", cô Đối kể đời mình trong Như chưa hề có cuộc chia ly, giọng buồn hiu.
Và thế là một đứa trẻ mới 12 tuổi bỗng chốc còn lại một mình trong căn nhà xa lạ, ngơ ngác, lạ lẫm. Cô thành con nuôi ông Tín, hằng ngày chăm sóc các em là con gia đình ông chỉ huy của ba mình.
Đến cuối tháng 3-1975, cô theo gia đình ông Tín chuyển vào Sài Gòn, bắt đầu một giai đoạn mới.
"Lúc ngoài đó lộn xộn, ông Tín nói sẽ rời đi, tôi mới xin về nhà nhưng ông không cho về. Ông nói: Về đó gia đình con đi rồi, quay lại đây, chú đi rồi thì con ở với ai, rồi đi lạc thì sao. Vào Sài Gòn với chú, chừng nào ổn định chú đưa con đi kiếm gia đình", cô Đối kể.
Lời hứa ấy không thực hiện, ông Tín sau khi đi cải tạo đã định cư ở nước ngoài. Còn cô suốt 50 năm trời thất lạc gia đình vẫn mãi day dứt câu hỏi: Vì sao ba bỏ mình?
Không biết mặt chị làm răng kiếm chị về cho mẹ được
Từ những mảnh ghép ký ức của cô bé 12 tuổi tên Đối, Như chưa hề có cuộc chia ly đã lần giở những manh mối để đi tìm người thân cho cô. Sau bao lần thất bại, cuối cùng tin vui cũng đã đến nhờ vào sức mạnh của cộng đồng mạng.
Chị Yến Sách - con dâu út bà Lê Thị Phú hiện sống ở Sơn Mỹ - Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) - đã đọc thấy thông tin tìm gia đình của cô Đối được chia sẻ trên trang Cộng đồng Quảng Trị.
Thấy câu chuyện giống như những gì chị từng được nghe từ mẹ chồng, chị liền thông báo ngay. "Khi con dâu đưa thông tin, tôi run hết cả người. Cả nhà cứ nghĩ chị chết năm 1973 rồi", bà Phú xót xa nói.
Hóa ra, cô Đối họ thật là Lê nhưng cứ nghĩ mình họ Nguyễn. Có lẽ việc tìm kiếm gặp khó khăn cũng bởi sự nhầm lẫn này. Gia đình cô có bốn chị em tên Thảo, Đối, Phú, Quý. Mẹ cô tên là Sâm, cha tên Thưởng. Ông cũng bỏ nhà đi bặt tin từ lúc đó đến nay.
"Sau khi chị Đối đi, quần áo cũ của chị tôi mặc. Mỗi lần thấy, mẹ lại khóc rất nhiều. Thế là tôi không dám mặc nữa, cất luôn vào tủ.
Năm 1974 mẹ con lại dắt díu nhau đi tản cư đến Bình Thuận. Mẹ bước chân đi, đầu cứ ngoái lại nơi ở cũ như tìm bóng dáng chồng con.
Vào đất mới rồi. Mẹ vẫn khóc buồn đau. Đi xin lễ cho chị, mẹ dặn là lễ Bình An chứ đừng lễ Cầu Hồn nha con. Mẹ luôn tin chị vẫn còn sống", bà Phú nhớ lại.
Còn em gái Lê Thị Quý nghẹn ngào kể: "Khi tôi đi làm ở Sài Gòn, mẹ dặn lên trên đó con xem cách tìm chị Đối. Tôi nói với mẹ rằng con không biết mặt chị làm răng kiếm chị về cho mẹ được".
Vì đau buồn, bà Sâm suy sụp, ốm liệt giường 4 năm liền. Bà cũng từng uống thuốc chuột để mong chấm dứt cuộc đời, hết làm khổ các con. May kịp thời được cứu sống.
Bà mất năm 90 tuổi trong nỗi nhớ không nguôi về chồng, con. Trước khi chết, bà vẫn không quên tiếp tục dặn đừng làm lễ cầu hồn đứa con thất lạc của mình.
Giờ đây, không còn trên cõi đời nhưng ở đâu đó mẹ cô Đối chắc cũng thấy ấm lòng khi nhìn thấy các con đã đoàn tụ và yêu thương nhau.
"Không biết chị em giàu hay nghèo, lành lặn hay tật nguyền. Dù chị em có cực khổ hay gì cũng đem chị về nuôi. Chị thiệt thòi nhiều rồi", bà Quý xúc động nói tình cảm của mình với chị.
Vòng tay yêu thương từ đồng đội
50 năm thất lạc gia đình của cô Đối không chỉ toàn có nước mắt, mà vẫn lấp lánh tình yêu thương.
Năm 16 tuổi, cô Đối tình nguyện đi thanh niên xung phong với suy nghĩ đơn giản là để chú (ông Tín) đi học tập cải tạo về sớm, tìm gia đình cho mình.
Sống trong môi trường tập thể, từ cô bé nhút nhát cô dần trưởng thành, hoạt bát hơn. Cô có chồng, sinh con trong khó khăn. Nhận ra chồng không tốt, cô quyết bỏ, tự nuôi con một mình.
Cuộc sống khó khăn khiến bé Khanh, con cô Đối, ốm yếu, bệnh tật liên miên. Đứa trẻ sau đó được mẹ của đồng đội cô tên Hiệp đem về nhà nuôi cho cháu cứng cáp. Năm 1990, bà tiếp tục nhận cô làm con nuôi, cho nhập hộ khẩu vào gia đình.
Sau khi tốt nghiệp trung cấp kế toán, Khanh được lực lượng Thanh niên xung phong tiếp nhận, vào làm kế toán trong một chi nhánh trường cai nghiện do lực lượng quản lý.
Học phí của Khanh được cô Bạch - đồng đội thanh niên xung phong - hỗ trợ một thời gian khá dài.
Cảm nhận tình cảm quý này, một khán giả viết: "Trân quý tình cảm dành cho nhau của các chị cựu thanh niên xung phong. Tình đồng đội đã làm chỗ dựa cho chị Tuyết vượt qua mọi khó khăn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận