03/03/2022 12:42 GMT+7

Nhỏ virus SARS-CoV-2 sống vào mũi, vẫn không mắc COVID-19

GIA MINH
GIA MINH

TTO - Hiện tượng lạ diễn ra trong đại dịch COVID-19: một số người dù tiếp xúc rất nhiều với ca dương tính nhưng không bị nhiễm dịch. Các chuyên gia hy vọng nghiên cứu các trường hợp này sẽ giúp họ phát triển các loại thuốc ngăn ngừa dịch bùng phát.

Nhỏ virus SARS-CoV-2 sống vào mũi, vẫn không mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Cô Phoebe Garret đã tiếp xúc với nhiều F0 nhưng vẫn không bị nhiễm COVID-19 - Ảnh: THE OBSERVER

Cô Phoebe Garrett đi học trực tiếp tại các giảng đường đại học nhưng không nhiễm COVID-19. Thậm chí cô còn tổ chức một bữa tiệc, mà sau đó tất cả người tham gia đều có kết quả xét nghiệm dương tính ngoại trừ cô, theo báo Guardian.

"Tôi nghĩ rằng bản thân đã cố tình tiếp xúc với ca dương tính khoảng 4 lần", cô gái 22 tuổi đến từ thị trấn High Wycombe (Anh) nói.

Vào tháng 3-2021, cô tham gia một thử nghiệm đầu tiên trên thế giới: các nhà khoa học đã nhỏ virus SARS-CoV-2 sống vào mũi cô và bịt kín lại trong vài giờ, với nỗ lực có chủ ý để lây nhiễm dịch COVID-19. Tuy nhiên, cơ thể cô vẫn kháng cự thành công sự xâm nhập của virus.

Các nhà khoa học tìm cách giải đáp bí ẩn: Tại sao một số người không nhiễm COVID-19?

Ngăn chặn nhiễm trùng ngay từ đầu

Cô Garrett không phải là người duy nhất tham gia thử nghiệm. Trong số 34 người thử nghiệm tiếp xúc với virus SARS-CoV-2, có 16 người không bị lây nhiễm. Khoảng một nửa trong số họ có kết quả xét nghiệm dương tính với mức độ virus thấp, thường là vài ngày sau khi tiếp xúc.

Có thể đây là sự phản ánh của hệ thống miễn dịch nhanh chóng ngăn chặn nhiễm trùng xâm nhập ngay từ đầu. Giáo sư Christopher Chiu tại Đại học Hoàng gia London, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết: "Trong các nghiên cứu trước đây với các loại virus khác, chúng tôi đã thấy nếu virus SARS-CoV-2 bị tiêu diệt ở niêm mạc mũi, chúng sẽ bị vô hiệu hóa khả năng gây bệnh".

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy có thể loại bỏ virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn mới xâm nhập vào cơ thể, trước khi nó tìm được một chỗ lưu trú thích hợp.

Ví dụ, trong đợt đại dịch đầu tiên, tiến sĩ Leo Swadling tại Đại học College London và các đồng nghiệp đã theo dõi kỹ lưỡng một nhóm nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Họ phát hiện chỉ khoảng 15% nhân viên có tế bào T phản ứng với virus SARS-CoV-2, cộng với các dấu hiệu nhiễm virus khác.

Có thể, các tế bào T ghi nhớ từ những lần nhiễm virus corona trước đó - tức là những tế bào gây ra cảm lạnh thông thường - đã phản ứng chéo với virus corona mới và bảo vệ chúng khỏi COVID-19.

Virus corona cúm mùa tạo thành lớp đệm

Các virus corona theo mùa có thể không phải là nguồn duy nhất của các phản ứng miễn dịch bảo vệ chéo.

Giáo sư Cecilia Söderberg-Nauclér, nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Viện Karolinska ở Stockholm, bắt đầu điều tra khả năng này, sau khi Thụy Điển tránh được đợt nhiễm dịch COVID-19 ồ ạt.

Nhóm của cô đã tìm kiếm cơ sở dữ liệu về trình tự protein từ các virus hiện có. Khi họ xác định được một peptide 6 axit amin trong một protein của bệnh cúm H1N1 khớp với một phần quan trọng của protein tăng đột biến virus corona, "Tôi gần như ngã ra khỏi ghế", cô Söderberg-Nauclér kể. Peptit là các chuỗi ngắn của các axit amin được liên kết với nhau.

Kể từ đó, họ đã phát hiện ra kháng thể đối với peptit này ở 68% người hiến máu từ Stockholm. Nghiên cứu có thể gợi ý: các phản ứng miễn dịch do cúm H1N1 gây ra - nguyên nhân gây ra đại dịch cúm lợn 2009-2010 - có thể liên quan đến các chủng virus tiếp theo. Chính phản ứng trên bảo vệ một phần cho con người, mặc dù không hoàn chỉnh, chống lại COVID-19.

Cô Söderberg-Nauclér nói: "Nó cung cấp một lớp đệm, nhưng nó sẽ không bảo vệ bạn nếu người bị nhiễm bệnh ho vào mặt bạn".

Đề kháng với COVID-19 nhờ di truyền

Một số ít người thậm chí có thể đề kháng với COVID-19 về mặt di truyền.

Vào tháng 10 năm ngoái, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phát động một cuộc săn lùng toàn cầu để tìm một số người có gene đề kháng này, với hy vọng xác định được các gene bảo vệ.

Giáo sư András Spaan tại Đại học Rockefeller ở New York cho biết: "Chúng tôi đang tìm kiếm những biến thể gene rất hiếm có khả năng bảo vệ hoàn toàn một người chống lại sự lây nhiễm".

Họ đặc biệt quan tâm đến những người ở chung nhà và ngủ chung giường với người bị nhiễm bệnh và không bị lây nhiễm.

"Ví dụ, một ngày nọ, tôi nói chuyện với một phụ nữ lớn tuổi từ Hà Lan, người đã chăm sóc chồng của cô ấy bị nhiễm dịch trong đợt đầu tiên và không đeo khẩu trang. Chúng tôi không thể giải thích tại sao cô ấy không bị nhiễm bệnh".

Sự đề kháng như vậy được biết có tồn tại đối với các bệnh khác, bao gồm cả HIV, sốt rét và norovirus (các loại virus phổ biến và rất dễ lây nhiễm gây tiêu chảy và nôn mửa). Trong những trường hợp này, khiếm khuyết di truyền có nghĩa là một số người thiếu thụ thể được mầm bệnh sử dụng để xâm nhập vào tế bào, do đó họ không thể bị nhiễm bệnh.

Việc xác định các gene như vậy có thể dẫn đến việc phát triển các phương pháp điều trị mới cho COVID-19, giống như cách xác định các khiếm khuyết thụ thể CCR5 ở những người kháng HIV đã dẫn đến các phương pháp điều trị HIV mới.

Cơ quan Y tế châu Âu: Tiêm tăng cường quá thường xuyên có thể làm yếu hệ miễn dịch Cơ quan Y tế châu Âu: Tiêm tăng cường quá thường xuyên có thể làm yếu hệ miễn dịch

TTO - Theo Hãng tin Bloomberg, Cơ quan Y tế châu Âu (EMA) cảnh báo việc tiêm liều tăng cường vắc xin COVID-19 mỗi 4 tháng một lần sẽ không khả thi vì thuốc có thể gây tác dụng phụ làm suy yếu hệ miễn dịch.

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên