16/10/2023 15:24 GMT+7

Nhiều yếu tố tác động, lợi nhuận nhiều ngân hàng khó cao?

Tín dụng tăng trưởng thấp và trích lập dự phòng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn có thể tác động đến lợi nhuận ngành ngân hàng.

Cơ chế linh hoạt lãi suất được áp dụng với một số khách hàng, trong khi đó chi phí vốn ngân hàng chưa có nhiều cải thiện - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cơ chế linh hoạt lãi suất được áp dụng với một số khách hàng, trong khi đó chi phí vốn ngân hàng chưa có nhiều cải thiện - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dần hé lộ kết quả kinh doanh ngành ngân hàng

SSI Research vừa đưa ra ước tính kết quả kinh doanh quý 3-2023 của một số ngân hàng niêm yết, với sự phân hóa trái chiều.

Với nhóm "big 4", SSI Research dự báo VietinBank (CTG) có mức tăng trưởng 20-22% so với cùng kỳ 2022, chủ yếu do chi phí dự phòng giảm từ mức cao của năm trước.

Trước đó, trong quý 3 năm ngoái, ngân hàng này ghi nhận chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao kỷ lục là 8.300 tỉ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 4.100 tỉ đồng.

Với Vietcombank (VCB), SSI Research cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này chậm hơn so với ngân hàng khác, chỉ ở mức 3,6% so với đầu năm tính đến tháng 9-2023.

Động lực tăng trưởng chính của VCB vẫn đến từ mảng khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, NIM (tỉ lệ thu nhập lãi thuần) thu hẹp do tiền gửi khách hàng tăng nhanh, đồng thời ngân hàng tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho khách hàng trong kỳ. 

Chất lượng tài sản dự kiến giảm nhẹ cùng sự gia tăng của nợ xấu và nợ xấu nhóm 2, theo SSI.

Còn BIDV (BID) lại nằm trong nhóm dự kiến lợi nhuận âm do tăng gánh nặng trích lập dự phòng, theo dự báo. 

SSI Research cho rằng ngân hàng này sẽ tích cực xử lý nợ để duy trì tỉ lệ nợ xấu ở mức hợp lý.

Với khối ngân hàng thương mại cổ phần, SSI Research cho rằng VPBank (VPB), VIB, TPBank (TPB), MSB... sẽ có lợi nhuận suy giảm. Còn ACB, Sacombank (STB), MBBank (MBB)... có triển vọng kinh doanh sáng sủa hơn.

Đến thời điểm giữa tháng 10-2023, một số đơn vị đã bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý 3-2023, trong đó có ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2023 mới công bố, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank - BAB) có thu nhập lãi thuần chỉ đạt hơn 426 tỉ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do hoạt động cốt lõi giảm, lợi nhuận trước thuế trong kỳ của ngân hàng này chỉ ở mức 77 tỉ đồng, giảm hơn 72% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, BacABank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 551 tỉ đồng, giảm gần 23% so với cùng kỳ.

Những yếu tố nào khiến ngân hàng khó "lãi dày"?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Trần Thị Khánh Hiền, giám đốc khối nghiên cứu của Chứng khoán MB (MBS), nhận định có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận chung ngành ngân hàng năm nay.

Thứ nhất, lợi nhuận của ngành ngân hàng năm nay có thể sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng giảm lãi suất, kéo theo mức giảm thu nhập lãi thuần.

Thứ hai, tín dụng tăng trưởng thấp và tăng trích lập dự phòng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nợ xấu có thể tăng cao.

Riêng với quý 3-2023, bà Hiền cho rằng bức tranh kinh doanh chung khó lạc quan hơn bởi khi so với cùng kỳ, có thể thấy nền tăng trưởng quý 3 năm ngoái rất tốt.

Trong khi năm nay, tăng trưởng tín dụng ì ạch hơn. Tín dụng mới bắt đầu tăng tốt hơn từ giai đoạn cuối tháng 9. "Sự tăng tốc này sẽ phản ánh nhiều hơn vào quý 4", bà Hiền nhận định.

Trong báo cáo mới đây, bộ phận phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng xếp ngân hàng nằm trong nhóm có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tích cực hơn trong quý 4-2023 do cùng kỳ năm ngoái có mức nền lợi nhuận thấp.

VDSC cho rằng lãi suất huy động đã về vùng đáy và khó có thể giảm thêm trong quý 4-2023, khi lãi suất thực đang dần thu hẹp lúc lạm phát tăng lên và tín dụng tăng tốc hơn trong quý 4.

Về tỉ lệ nợ xấu khi tăng từ 2% lên 3,56% đến cuối tháng 7 vừa qua, bà Trần Thị Khánh Hiền cho rằng điều này không bất ngờ bởi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản đóng băng, nhiều doanh nghiệp "kiệt sức".

Tuy nhiên, bà Hiền cũng chỉ ra yếu tố mang tính chu kỳ, thông thường giữa năm nợ xấu sẽ cao hơn và về cuối năm sẽ được điều chỉnh. 

Theo đó, bà Hiền dự báo đến cuối năm sẽ về mức 3,3 - 3,4%. Với mức này, tỉ lệ nợ xấu hệ thống ngân hàng vẫn nằm trong kiểm soát. Chỉ với những ngân hàng có mức nợ xấu cao vọt lên chục phần trăm mới đáng lo ngại.

Nhiều ngân hàng giảm lợi nhuận, tăng nợ xấuNhiều ngân hàng giảm lợi nhuận, tăng nợ xấu

TTO - Bức tranh kinh doanh quý 3-2022 dần được nhiều ngân hàng vén màn, bên cạnh những ngân hàng duy trì lợi nhuận tốt, vẫn có nhiều bên ghi nhận số liệu không mấy khả quan khi lợi nhuận giảm nhưng nợ xấu lại gia tăng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên