25/02/2020 09:24 GMT+7

Nhiều tỉnh hạn, mặn khốc liệt

M.TRƯỜNG - K.TÂM - BỬU ĐẤU
M.TRƯỜNG - K.TÂM - BỬU ĐẤU

TTO - Các tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang vất vả đối phó với tình trạng hạn gay gắt và mặn xâm nhập càng sâu gây ảnh hưởng trực tiếp đến mùa màng.

Nhiều tỉnh hạn, mặn khốc liệt - Ảnh 1.

Một điểm bán nước ngọt ở tỉnh Bến Tre - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Tiền Giang: dùng sà lan chở nước tưới vườn sầu riêng

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, nước mặn từ cửa sông Tiền, sông Vàm Cỏ đã lấn sâu vào nội đồng và từ hướng sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) lấn sang địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Khoảng gần 1 tháng qua, các nhà vườn ở huyện Cai Lậy, Cái Bè nằm sâu trong đất liền đã phải mua từng sà lan nước ngọt về để tưới sầu riêng. Ông Nguyễn Minh Huy (54 tuổi, ngụ Cai Lậy) cho biết cứ cách 1 tuần gia đình ông phải mua một sà lan nước ngọt được chở từ thượng nguồn về với giá 7 triệu đồng (khoảng 150m3) để tưới cho sầu riêng.

"Giai đoạn này chỉ tưới nhín vậy thôi chứ không dám tưới nhiều vì sợ lỗ. Ráng tưới cầm cự một thời gian xem độ mặn có giảm không rồi tính tiếp" - ông Huy nói. 

Ngoài vườn sầu riêng của ông Huy, khoảng 13.000ha vườn sầu riêng trên địa bàn cũng đang đứng trước tình cảnh thiếu nước tưới vì loại cây này rất mẫn cảm với nước mặn, hiện độ mặn nguồn nước tưới đã gấp 3 - 4 lần độ mặn được khuyến cáo.

Còn người dân phía giáp biển hơn như Gò Công Đông, Tân Phú Đông... vẫn phải sử dụng nước kênh mương để sinh hoạt nhưng nguồn nước này đã cạn kiệt, nếu không cạn kiệt cũng bị nhiễm mặn nên không thể sử dụng.

Sóc Trăng: thận trọng thả giống nuôi tôm

Ông Lương Minh Quyết - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng - cho biết tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất trên địa bàn vẫn đang diễn ra khốc liệt. Nhiều hệ thống kênh rạch đang dần cạn kiệt nước. Hiện độ mặn trên các sông tại Sóc Trăng còn khá cao, chưa thể lấy nước. 

Theo ông Quyết, cho dù có lấy được nước cũng không thể phục vụ sản xuất nông nghiệp vì độ mặn quá cao. "Chủ yếu để giải quyết ô nhiễm môi trường và thuận lợi cho ghe tàu vận chuyển thu mua lúa của nông dân" - ông Quyết nói.

Ông Quyết còn cho biết độ mặn quá cao đã ảnh hưởng đến lịch thả giống nuôi tôm của bà con. "Độ mặn trên 15‰, cộng thời tiết nắng nóng sẽ không thuận lợi cho việc thả nuôi tôm. Người nuôi tôm cần thận trọng, theo dõi diễn biến thời tiết, độ mặn để bố trí lịch thả giống hợp lý, hạn chế thiệt hại" - ông Quyết khuyến cáo.

An Giang: vừa hạn mặn vừa nguy cơ cháy rừng

Ngày 24-2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã đến kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng ở khu vực núi Phú Cường và làm việc với UBND tỉnh An Giang về tình hình hạn, mặn trên địa bàn.

Hiện tại toàn tỉnh An Giang có trên 7.000ha rừng vùng Bảy Núi đang có nguy cơ cháy cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm, chiếm trên 43% tổng diện tích rừng toàn tỉnh. Các đồi núi khu vực Tịnh Biên, Tri Tôn đã khô héo vì nắng gay gắt. Trong khi đó, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng từ hướng tỉnh Kiên Giang có khả năng ảnh hưởng đến diện tích hơn 9.300ha sản xuất nông nghiệp của tỉnh An Giang ở hai huyện Tri Tôn và Thoại Sơn.

Ông Tuấn cho biết diễn biến tình hình hạn, mặn có thể sẽ tăng nhanh trong tháng 3, tháng 4 và lưu ý tỉnh An Giang phải chủ động xây dựng giải pháp, công trình sống chung với hạn, mặn.

Sống chung với hạn, mặn: Tìm cho ra cây trồng, vật nuôi phù hợp Sống chung với hạn, mặn: Tìm cho ra cây trồng, vật nuôi phù hợp

TTO - Trước tình hình diễn biến phức tạp của hạn hán và xâm nhập mặn thì các địa phương phải tập sống chung với hạn, mặn và có nhiều giải pháp phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp trong thời gian tới.

M.TRƯỜNG - K.TÂM - BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên