Lãi to nhờ thị trường tốt
Một số công ty chứng khoán lãi lớn khi thị trường những tháng quý 3 tăng tốt. Điều này cũng đã phản ánh trước trong giá cổ phiếu nhóm ngành này.
Tại Chứng khoán FPT (FPTS), doanh thu quý 3 này đạt 325 tỉ đồng, cao gấp 6 lần so với cùng kỳ. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận 101 tỉ đồng, cùng kỳ còn lỗ 153 tỉ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của FPTS đạt 183 tỉ đồng, tăng 405% so với mức -60 tỉ đồng cùng kỳ năm trước. Lãnh đạo FPTS cho biết chủ yếu nhờ đánh giá lại tài sản tài chính. Cụ thể là mã MSH với 71,9 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ -162 tỉ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu FPTS đạt 762 tỉ đồng, tăng 20%; lợi nhuận sau thuế đạt 402 tỉ đồng, tăng 77%.
Trong văn bản vừa gửi Ủy ban Chứng khoán, ông Trương Ngọc Lân - tổng giám đốc Chứng khoán VIX - cho biết lợi nhuận sau thuế quý 3-2023 đạt 199 tỉ đồng. Con số này tương đương mức tăng gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ.
Theo ông Lân, quy mô giao dịch của thị trường trong quý 3 chuyển biến tích cực, mang lại lợi nhuận từ môi giới tăng 44%; lãi từ các tài sản tài chính tăng 38%. Việc nắm giữ các khoản đầu tư đến ngày đáo hạn cũng đem lại lợi nhuận 43 tỉ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, VIX đã lãi 775 tỉ đồng, tăng 87%.
Chứng khoán Kỹ Thương - Techcom Secirities (TCBS) cũng đã công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý 3-2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 915 tỉ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, các mảng lãi từ hoạt động cho vay ký quỹ, nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán và tư vấn tài chính, lãi từ bán các tài sản tài chính… đóng góp chủ yếu.
Gộp chung 9 tháng, TCBS có lãi sau thuế 1.690 tỉ đồng, giảm gần 23%.
Còn tại Chứng khoán MB (MBS), quý 3 ghi nhận doanh thu 539 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Trong đó, nghiệp vụ môi giới chứng khoán 213 tỉ đồng, tăng 41%.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế MBS đạt 208 tỉ đồng, tăng hơn 37%.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của MBS 1.276 tỉ đồng, giảm hơn 17%. Tiết giảm được chi phí hoạt động (-31%), lợi nhuận trước thuế và sau thuế chỉ giảm nhẹ khoảng 7%, lần lượt còn 514 tỉ đồng và 411 tỉ đồng.
Các công ty lãi ra sao với cho vay margin?
Tại MBS, tổng các khoản cho vay đến hết tháng 9-2023 là 6.541 tỉ đồng. Dư nợ vay ký quỹ (margin) chiếm 6.367 tỉ đồng, tăng 82% so với đầu năm (tương ứng hơn 2.800 tỉ đồng) nhưng lại giảm 10% khi so với cùng kỳ 2022.
Tuy nhiên, lãi từ cho vay và phải thu 9 tháng MBS mang về đạt 445 tỉ đồng, giảm hơn với gần 25% cùng kỳ năm trước.
Còn tại FPTS, dư nợ các khoản cho vay đến cuối quý 3 có giá gốc 4.729 tỉ đồng, tăng hơn 26% với đầu năm. Trong đó, vay margin chiếm 4.008 tỉ đồng, tăng 15% so với đầu năm, nhưng giảm 8% so với cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, lãi từ các khoản cho vay và phải thu 9 tháng năm 2023 đạt 328 tỉ đồng, giảm tới 19% so với cùng kỳ 2022.
Bản thuyết minh cho thấy tổng các khoản cho vay VIX đạt 2.491 tỉ đồng thời điểm cuối tháng 9-2023. Trong đó, cho vay margin đạt 2.489 tỉ đồng, tăng 48%, tương đương 812 tỉ đồng.
So với cùng kỳ, dư nợ margin VIX 9 tháng đầu năm 2023 đã tăng gần 80%. Tuy nhiên, lãi từ các khoản cho vay và phải thu của VIX trong 9 tháng cũng chỉ đạt 166 tỉ đồng, tức tăng 16%.
Trong top công ty chứng khoán có lượng tiền cho vay lớn, phải kể tới TCBS với 12.826 tỉ đồng (tính đến tháng 9-2023), tăng 37% so với con số đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay ký quỹ chiếm 12.497 tỉ đồng, tăng 49% so với đầu năm nhưng đã giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Bởi vậy, lãi từ các khoản cho vay và phải thu của TCBS trong 9 tháng đầu năm nay đạt 1.095 tỉ đồng, giảm hơn 6%. Nếu tính riêng trong quý 3, lãi từ khoản này đem về cho TCBS 423 tỉ đồng, tăng 14%.
Ngoài ra, xu hướng giảm lãi margin có thể được lý giải chủ yếu bởi hai nguyên nhân: các công ty chứng khoán điều chỉnh lại lượng cho vay và giảm lãi suất để cạnh tranh. Chi phí vốn năm nay của các công ty chứng khoán cũng đã giảm nên đầu ra được điều chỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận