14/10/2023 16:21 GMT+7

Tiền gửi khách hàng tại công ty chứng khoán: Vì sao chưa tách bạch?

Số tiền gửi của khách hàng tại công ty chứng khoán được thống kê không hề nhỏ, có khi tới cả trăm ngàn tỉ đồng. Vấn đề tách bạch tiền nhà đầu tư từng được đề cập từ rất lâu, nhưng đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Công ty chứng khoán phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng - Ảnh: BÌNH KHÁNH

Công ty chứng khoán phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng - Ảnh: BÌNH KHÁNH

Chưa tách bạch hoàn toàn, rủi ro gì?

Thông tư 121 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ năm 2021 quy định, công ty chứng khoán phải xây dựng hệ thống quản lý tách bạch tiền của khách hàng.

Cụ thể, khách hàng mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do công ty chứng khoán lựa chọn để quản lý tiền giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, các công ty chứng khoán vẫn được bổ sung phương thức mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một số lãnh đạo công ty chứng khoán cho biết đến nay vẫn phổ biến phương thức công ty chứng khoán mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng, thay vì ngân hàng quản lý trực tiếp tiền từng nhà đầu tư.

Tuy nhiên với cách dùng tài khoản "tổng" của công ty chứng khoán này, nhiều quan điểm lo ngại sự nhập nhằng và nguy cơ rủi ro cho nhà đầu tư.

Ông Trần Ngọc Báu - CEO Wigroup, một chuyên gia từng có nhiều năm kinh nghiệm về quản lý tài sản - cho rằng việc mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại để quản lý tiền gửi là cần thiết nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng.

Một số công ty chứng khoán thu hút nhà đầu tư bằng lãi suất. Do vậy khi tách bạch nguồn tiền như vậy, nhà đầu tư có thể giảm quyền lợi về lãi suất, theo ông Báu. Nhưng bù lại, số tiền gửi sẽ an toàn hơn, không lo bị lạm dụng vốn hay mất thanh khoản...

Ông Báu cho biết thêm thời gian qua một số công ty tham gia nhiều kênh đầu tư để nâng cao hiệu quả đồng vốn, nhưng như "con dao hai lưỡi", có thể rơi vào trạng thái khó kiểm soát khi thị trường đó có biến động.

Ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC - thông tin thêm tiền gửi của khách hàng tại công ty chứng khoán rất lớn, vừa qua được thống kê lên tới 60.000 - 70.000 tỉ đồng, có lúc cao điểm còn lên tới 100.000 tỉ đồng. Giả sử, một phần số tiền được sử dụng để kinh doanh chênh lệch lãi suất, số lợi thu về không hề nhỏ.

Chậm vì đâu?

Vấn đề tách bạch tiền nhà đầu tư từng được đề cập cả chục năm trước. Mới đây, vấn đề này lại nóng lên khi báo chí đưa tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi công văn tới các công ty chứng khoán để lấy ý kiến về việc quản lý tách bạch tài sản của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán.

Ủng hộ việc cần tách bạch tài sản của nhà đầu tư nhưng ông Bùi Văn Huy lo ngại sẽ phát sinh không ít khó khăn khi "một công ty chứng khoán chỉ được lựa chọn từ 1 - 3 ngân hàng thương mại để khách hàng mở tài khoản quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán" như công văn đưa ra.

"Để phục vụ khách hàng thì vẫn phải dựa trên lợi ích, sự đồng thuận của khách hàng, chỉ định như vậy khách hàng có đồng ý không. Thêm nữa việc hợp tác giữa các công ty chứng khoán với ngân hàng ra sao, tiêu chí nào để lựa chọn, chỉ định", ông Huy nhấn mạnh, các thỏa thuận, hợp tác liên quan đến chia sẻ lợi ích và dữ liệu khách hàng bao giờ cũng "gây tranh cãi".

"Không phải bên nào cũng có thể ngồi lại với nhau. Chưa kể có những công ty chứng khoán thuộc các ngân hàng, nếu chỉ định ngân hàng khác có làm được không?", ông Huy tiếp tục nêu vấn đề.

Nói với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực chứng khoán cũng cho biết một loạt vấn đề đặt ra khi chỉ cho phép khách hàng mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng do công ty chứng khoán chỉ định.

Cũng theo vị này, khó ai có thể đảm bảo sự phối hợp giữa công ty chứng khoán và ngân hàng. Chưa kể còn các vấn đề tương thích công nghệ các bên, tốc độ giao dịch cho khách hàng.

"Khi chuyển tiền về ngân hàng, công ty chứng khoán muốn đặt lệnh phải kiểm tra bên ngân hàng, nếu phối hợp chậm trễ ảnh hưởng cơ hội nhà đầu tư thì ai chịu trách nhiệm", ông lo ngại.

Nhiều người lo ngại công ty chứng khoán nhập nhằng, lạm dụng vốn. Tuy nhiên theo vị chuyên gia, trường hợp công ty chứng khoán lấy tiền của nhà đầu tư đi làm việc khác, sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trong khi số lượng tài khoản nhà đầu tư rất lớn, việc chuyển đổi cách thức quản lý tách bạch tiền cũng đặt ra vấn đề về bài toán thời gian, sự đồng thuận từ nhà đầu tư.

Muốn nâng hạng thị trường chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết cần công bố thông tin bằng tiếng AnhMuốn nâng hạng thị trường chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết cần công bố thông tin bằng tiếng Anh

Trên thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp niêm yết lớn đã chủ động công bố thông tin bằng tiếng Anh. Trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ công bố thông tin bằng tiếng Việt còn có lỗi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên