20/06/2021 07:47 GMT+7

Nhiều người mắc COVID-19 vì bị 'hội chứng đã tiêm vắc xin'

DẠ THẢO
DẠ THẢO

TTO - Nhiều người mới được tiêm một liều vắc xin COVID-19 đã lơi lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Giới khoa học Pháp đã cảnh báo hội chứng này. Các bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân như thế.

Nhiều người mắc COVID-19 vì bị hội chứng đã tiêm vắc xin - Ảnh 1.

Sau liều vắc xin đầu tiên, vẫn cần đeo khẩu trang thường xuyên - Ảnh: nicematin.com

Họ kéo khẩu trang xuống một chút, ban đầu dưới mũi, sau đó dưới cằm và cuối cùng bỏ luôn. Họ không quan tâm rửa tay thường xuyên như trước và nhất là không tôn trọng giãn cách.

Tình trạng này xảy ra phổ biến đến mức giới khoa học Pháp đã gọi đây là "hội chứng của người đã tiêm vắc xin" hoặc "hội chứng của liều đầu tiên".

Hội chứng này xảy ra khi một người đã tiêm vắc xin nhưng bị nhiễm virus vì nhầm tưởng có khả năng miễn dịch ngay lập tức.

Bác sĩ Benjamin Davido ở Bệnh viện Raymond-Poincaré trao đổi với Đài Europe 1: "Chỗ chúng tôi ngày càng nhiều bệnh nhân kiểu này. Họ coi liều vắc xin đầu tiên là tấm khiên rồi. Công tác chẩn đoán thường chậm vì mọi người cứ nghĩ đến các chẩn đoán khác, trừ mắc COVID-19".

Bác sĩ Jean-Michel Constantin tại Bệnh viện Pitié Salpêtrière giải thích: "Khi đã tiêm chủng và sống giữa gia đình hoặc bạn bè, họ có xu hướng lại gần, bắt tay, hôn nhau. Nhưng hãy nhớ virus vẫn lưu hành. Chúng ta càng tiêm chủng nhiều, virus càng ít lưu hành nhưng luôn hiện diện".

Điều quan trọng là cần duy trì thái độ cảnh giác trong hai tuần đầu sau khi tiêm liều vắc xin đầu tiên.

GS Anne-Claude Crémieux thuộc Viện hàn lâm Y học Pháp giải thích trên kênh France 3: "Trong phần lớn những người đã tiêm vắc xin rồi mắc COVID-19, hầu hết bị nhiễm giữa tuần đầu tiên và tuần thứ hai sau liều đầu tiên".

Thật ra để vắc xin COVID-19 phát huy tác dụng cần phải có thời gian. Khả năng bảo vệ của vắc xin hình thành từ từ và chỉ đạt mức tối đa 15 ngày sau liều thứ hai.

Đối với vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna, khả năng bảo vệ khỏi bệnh COVID-19 nặng đạt khoảng 80% từ 14-21 ngày sau liều đầu tiên và tăng gần 95% hai tuần sau liều thứ hai.

Đối với vắc xin AstraZeneca, khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng đạt 70% một tháng sau liều đầu tiên và gần 90% hai tuần sau liều thứ hai.

Nếu bị nhiễm virus giữa lần tiêm vắc xin đầu tiên, phải hoãn tiêm lần hai tối thiểu ba tháng.

GS Anne-Claude Crémieux chỉ ra: "Đừng quên giữa hai lần tiêm, chúng ta chỉ có tối đa 50% khả năng bảo vệ chống lại các dạng COVID-19 có triệu chứng".

Ngoài ra, người đã tiêm vắc xin còn phải tính đến nguy cơ đối với các biến thể.

Trong mọi trường hợp, sau một hoặc hai liều vắc xin, vẫn phải duy trì giãn cách vì hai lý do.

Một, khả năng bảo vệ của vắc xin không bao giờ đạt 100%. Hai, hiệu quả của vắc xin đối với các biến thể vẫn chưa rõ.

Bài học nhớ đời đã xảy ra ở Anh. Dịch bệnh đã tạm lắng vào mùa xuân, sau đó số ca mắc COVID-19 bùng phát trở lại. Đa số ca dương tính mới đều do biến thể Delta.

Nhiều người mắc COVID-19 vì bị hội chứng đã tiêm vắc xin - Ảnh 2.

Kể cả sau khi tiêm hai liều vắc xin vẫn phải duy trì giãn cách - Ảnh: AFP

WHO: Hàng chục nước phải dừng tiêm vắc xin liều hai do thiếu nguồn cung WHO: Hàng chục nước phải dừng tiêm vắc xin liều hai do thiếu nguồn cung

TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 18-6 cho biết nhiều nước nghèo phải dừng tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ hai do thiếu nguồn cung.

DẠ THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên