Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam, 30 năm đối với nữ, khi đến tuổi nghỉ hưu, sẽ hưởng 75% lương/tháng.
Cơ quan này đánh giá đây là tỉ lệ hưởng khá cao. Song nhiều lao động đóng bảo hiểm xã hội thấp, thời gian đóng ngắn, nghỉ hưu trước tuổi nhiều nên lương hưu thấp.
Dẫn chứng những trường hợp lương hưu thấp
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá như ở Nghệ An, các trường hợp lương hưu thấp chủ yếu là người nghỉ hưu từ Quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quyết định 41/2009, cán bộ xã không chuyên trách, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức thấp nhất…
Cụ thể, nhiều nông dân ở Nghệ An khi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm ngắn, mức đóng thấp (có thời điểm chỉ 10.000 đồng/tháng) dẫn tới lương hưu thấp.
Trong khi đó, cán bộ xã không chuyên trách có nhiều lý do dẫn tới lương hưu thấp như mức đóng bằng lương cơ sở, thời gian đóng chỉ từ 15-20 năm…
Qua thống kê, năm 2021, lương bình quân của đối tượng này khoảng 1,3 triệu đồng/tháng.
Cũng về hưu với lương thấp, nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có mức đóng bằng chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (từ năm 2022 trở đi là 1,5 triệu đồng). Cạnh đó, đối tượng này cũng chỉ đóng đủ 20 năm để hưởng lương hưu nên tiền lương không cao.
Ngoài ra, còn có lao động dù đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc song không đủ thời gian hưởng lương hưu đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, hoặc đóng một lần bù thời gian ở mức thấp.
Cơ quan bảo hiểm còn chỉ rõ có tình trạng doanh nghiệp “lách luật” khi đóng bảo hiểm xã hội không đúng với tiền lương, thu nhập thực tế của người lao động. Tại một số đơn vị, thu nhập căn cứ đóng bảo hiểm xã hội rất thấp.
Đơn cử bà N.T.N. (61 tuổi) đóng bảo hiểm xã hội 20 năm 3 tháng, tỉ lệ hưởng lương hưu 61%. Nhưng đến tháng 6-2023, bà chỉ nhận trên 1,6 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân là bà N. có 2/3 thời gian đóng bảo hiểm với tiền lương căn cứ đóng bảo hiểm thấp từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng.
Đề xuất nhóm giải pháp để lương hưu cao hơn
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Luật Bảo hiểm xã hội nêu rõ tiền lương căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động gồm lương, các phụ cấp. Song pháp luật không quy định các khoản phúc lợi, hỗ trợ như xăng xe, điện thoại, ăn trưa, thuê nhà…
"Lợi dụng quy định này, một số doanh nghiệp 'lách luật' chia nhỏ các khoản phụ cấp thành các khoản hỗ trợ này để trốn đóng, đóng không đủ bảo hiểm xã hội.
Vì vậy, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu phương án khi sửa đổi tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương”, cơ quan này nêu quan điểm.
Bảo hiểm xã hội cho rằng các ngành như tài chính, lao động, tư pháp cần nghiên cứu các loại thu nhập của người lao động và xác định rõ tiền lương căn cứ đóng bảo hiểm, tránh chênh lệch lớn giữa thu nhập quyết toán thuế và thu nhập thực tế chi trả.
Trước mắt, ngành bảo hiểm khuyên người lao động chú ý và kiến nghị nếu tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trong hợp đồng thấp so với tiền lương được hưởng hoặc lương tối thiểu vùng.
Người dân có thể tra cứu quá trình đóng - hưởng bảo hiểm xã hội qua Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ứng dụng VssID…
Hiện cả nước có hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Từ ngày 1-7, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng từ 12,5 - 20,8%.
Do đó, người nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng trước năm 1995, sau khi điều chỉnh vẫn hưởng dưới 3 triệu đồng/tháng được tăng thêm.
Cụ thể, người hưởng dưới 2,7 triệu đồng/tháng được tăng thêm 300.000 đồng/tháng. Người hưởng từ 2,7 đến dưới 3 triệu đồng/tháng được tăng lên thành 3 triệu đồng/tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận