Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại một số tuyến phố như: Phố Huế, Hàng Điếu, Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm) có nhiều mặt bằng đang căng biển cho thuê.
Tương tự một số tuyến đường ở quận Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng từng là "thiên đường thời trang", "thiên đường ăn uống" đến nay cũng đang tìm khách thuê mặt bằng.
Ngày 29-12, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Điệp, phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cho biết thường vào dịp cuối năm, đặc biệt tháng trước Tết Nguyên đán, phố phường trung tâm sẽ tấp nập "người mua kẻ bán".
Tuy nhiên, theo ông Điệp thì do thói quen ăn uống, mua sắm online đã trở thành xu thế nên những địa điểm mặt bằng "đất vàng", "đất kim cương" đã không còn thu hút như trước đây.
"Ví dụ trước đây muốn mua quần áo người dân thường qua phố Hàng Ngang, Hàng Đào (quận Hoàng Kiếm), đường Chùa Bộc (quận Đống Đa) hay đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) nhưng giờ thì khác, chỉ cần lên sàn thương mại điện tử là mua được sản phẩm giá rẻ và giao hàng tại nhà.
Bên cạnh đó, những thương hiệu lớn về thời trang cũng đã xây dựng kênh, tài khoản để bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Có thể thấy đến năm 2024 mua bán trên mạng điện tử đã sôi động hơn rất nhiều so với thị trường kinh doanh truyền thống", ông Điệp nói.
Theo ông Điệp, để thị trường mặt bằng trung tâm không bị "ế" thì cá nhân, tổ chức cần giảm giá thuê và xem đây là thời gian sửa chữa, đầu tư lại cơ sở vật chất để hút người có nhu cầu.
Đối với người thuê mặt bằng ở các phố trung tâm thì nên bán những sản phẩm đặc trưng và hướng tới khách du lịch. Bên cạnh đó, ngoài bán tại chỗ cũng phải tăng cường bán online, vì đây là xu thế không thể đảo ngược.
Còn ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho hay mặt bằng thương mại nhà phố bỏ trống ngày càng nhiều một phần do hệ quả của COVID-19.
"Trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát, nhu cầu mua sắm của người dân đô thị đã thay đổi theo hướng mua bán, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử ngày càng nhiều. Việc ship hàng, giao hàng tận nơi ngày càng thuận lợi", ông Đính cho hay.
Để khắc phục tình trạng bỏ trống nhà mặt phố hiện nay, theo ông Đính, chủ nhà mặt phố cần có sự đồng hành với người thuê, chia sẻ khó khăn với người kinh doanh. "Khi kinh tế phục hồi chưa thực sự tốt thì chủ nhà cũng nên điều chỉnh giá thuê ở mức hợp lý", ông Đính nói.
Từ mặt bằng vài m2 đến rộng 350m2 ở đường Nguyễn Thái Học và Kim Mã đang căng biển cho thuê nhưng chưa tìm được khách.
Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) từng là một địa điểm kinh doanh lý tưởng nhưng đến nay cũng vắng vẻ và nhiều mặt bằng đang tìm khách thuê
"Con đường thời trang" Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) cũng có nhiều biển cho thuê nhà
Không chỉ cho thuê mà nhiều chủ mặt bằng còn treo biển bán đứt nhà phố
5 yếu tố tác động đến mặt bằng cho thuê?
* Ông Đinh Minh Tuấn (giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn):
1. Người tiêu dùng đã thay đổi thói quen mua sắm trong và sau dịch COVID-19. Việc mua sắm vật phẩm ít tiền như quần áo, những vật dụng hằng ngày đều được nhiều người thực hiện qua mạng.
2. Xu hướng người dân sử dụng ô tô ngày càng nhiều, bỏ dần thói quen dạo phố để mua sắm như trước đây.
3. Sự xuất hiện của mô hình trung tâm thương mại phù hợp cho cả gia đình như cha mẹ đi mua sắm, con vào khu vui chơi giải trí, ăn uống...
4. Hộ kinh doanh, doanh nghiệp chọn thuê mặt bằng nhà phố để kinh doanh từ trước đến nay nhằm tận dụng lợi thế tăng nhận diện với người dùng và phát huy tối đa lợi thế kinh doanh nhưng những năm gần đây cả hai lợi thế này đều không đáp ứng được.
5. Sự thuận tiện của hệ thống logistics, người mua ngồi tại nhà, mua hàng với giá phải chăng, chất lượng dịch vụ y chang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận