Nhi và mẹ chia nhau xấp vé số rong ruổi mỗi đêm - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Nhưng những ước mơ ấy có thể phải dang dở bởi đường đến trường của em đang đầy trắc trở, khó khăn.
“Em muốn sau này khi ai đó nhắc đến mình thì không nhắc đến em là người nghèo nữa, họ nhắc đến em là người giỏi. Cái tài của mình sẽ át cái nghèo của mình.
PHAN THỊ HOÀI NHI
Tuổi thơ cơ cực
Căn nhà của Nhi nằm sâu hút, lọt thỏm dưới mặt đường đầy ổ gà trong con hẻm trên đường Lê Văn Hiến, Đà Nẵng. Nhà ông bà ngoại Nhi để lại bé tí, chỉ đi vài bước chân là hết, được chia thành ba phòng kề nhau. Mái tôn mùa hè nhìn rõ ánh nắng xuyên vào từng vệt. Mùa mưa nước theo đó trút xuống chỗ ngủ của mấy mẹ con.
Gian thờ di ảnh ngoại chừng vài mét vuông cũng là nơi để chiếc bàn con cho Nhi học, nơi dọn bữa cơm của cả hai gia đình và chỗ đêm đến Nhi và chị gái thay nhau trải tấm bìa cactông ra sàn để ngủ. Phía sau là chỗ ngủ của mẹ và mẹ con dì ruột cũng trải chiếc chiếu cũ giữa sàn.
Mẹ con Nhi và mẹ con dì ruột cùng sống với nhau trong căn nhà đó từ ngày Nhi mới lọt lòng. Cũng từ ngày ấy, ba em bỏ đi. Cả mẹ và dì đơn thân, làm nghề bán vé số dạo. Năm Nhi học lớp 1, ban ngày đi học, tối về Nhi theo mẹ đi bán vé số dạo mỗi đêm.
Bà Lê Thị Ngọc Hồng (48 tuổi), mẹ Nhi, vốn không lanh lẹ nên cũng chẳng biết làm nghề nào phù hợp hơn. Nay bà bệnh thoát vị đĩa đệm nặng, có nhiều bữa không đi làm nổi. Không có tiền, mấy mẹ con lại ăn mì gói qua bữa. Trước Nhi có chị gái cũng sớm bỏ học, đi làm thuê với tiền công ít ỏi.
Không chỉ bán vé số, có hôm Nhi bán hàng rong ở quán nhậu, nhặt ve chai dọc các con đường. Riết rồi làn da em cháy đen vì nắng, duy chỉ có đôi mắt em sáng rực nhưng đượm buồn như chính tuổi thơ của mình.
Cô bé bán vé số học giỏi
Từ nhỏ, cứ đi học về là Nhi lại cầm xấp vé số ngồi sau chiếc xe đạp cà tàng của mẹ. Hai mẹ con rong ruổi qua các quán xá mỗi đêm. Có hôm mưa, về đến nhà quần áo ướt mèm, nhưng chưa một ngày Nhi bỏ buổi học trên lớp. Từ ngày mẹ bệnh, cô bé lớp 9 phải tính toán nhiều đến chuyện tiền học, tiền ăn khiến ai nghe cũng thấy đau lòng.
"Mỗi đầu năm học em lo lắm, lo tiền mua sách vở rồi tiền đóng học. Có lần mẹ bệnh nghỉ bán, em đi học mà run vì lo mẹ không khỏe lại và không đi làm được nữa" - Nhi nói. Năm nay nỗi lo đó còn lớn hơn.
Mùa dịch hàng quán đóng cửa, hai mẹ con em không có ve chai để nhặt. Thời điểm khó khăn nhất là khi có lệnh ngưng phát hành vé số. Mẹ Nhi chạy mượn quanh xóm mỗi nhà vài ba chục ngàn mua rau đậu qua bữa. Đến khi trong nhà chỉ còn mấy thùng mì gói và bao gạo được hỗ trợ vì dịch COVID-19, mấy mẹ con, dì cháu ăn mì gói suốt.
Có biệt danh là Nhi "vé số" nhưng có lẽ em làm không sót nghề gì trong cả tuổi thơ, từ phụ bán cơm, bán nhang ở chùa, bán hàng rong ở các quán nhậu, ai gọi gì làm nấy... Nhưng để không ảnh hưởng việc học thì nghề bán vé số và lượm ve chai gắn luôn với em đến nay.
Nhi kể, ngày nhỏ có lúc em tủi thân hỏi mẹ sao mấy bạn con được ngồi trong quán với ba mẹ, còn con thì phải đi bán? Có lần mẹ khóc, nhưng mẹ cũng nói rằng mình nghèo thì cố đi làm để kiếm tiền đi học, không làm việc gì sai trái thì không ngại ai cả.
Nhi nói: "Em nghĩ hiện tại mình cực để làm quen sau này có cực thì cũng dễ chịu. Nhưng em không muốn cực cả đời". Cô gái nhỏ dự tính sẽ học tiếp nữa, học cho cả phần của mẹ, học để trở thành cô giáo dạy văn và viết sách. Ước mơ lớn nhất của Nhi là sẽ xây cho mẹ một ngôi nhà mới không dột, nhà cao hơn đường để nước không tràn vào nhà khi mưa; sẽ làm giáo viên quay lại trường cấp II của mình và giúp đỡ những học trò nghèo như bây giờ các cô thầy đang giúp em.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, chủ nhiệm lớp 9/7 Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, là người trực tiếp gọi điện đến học bổng “Tiếp sức đến trường” giới thiệu Nhi. Cô Hằng cho biết Nhi là cô học trò đặc biệt nhất lớp, dù cuộc sống khó khăn nhưng lúc nào cũng tràn đầy năng lượng. Nhi nhiều năm liền là học sinh giỏi, tham gia nhiều cuộc thi kiến thức đoạt giải ở trường và địa phương.
“Biết em khó khăn và nghị lực nên tôi và nhiều giáo viên bộ môn khác đã dạy thêm miễn phí cho em và động viên, định hướng cho em nhiều trong học tập và cuộc sống” - cô Hằng nói.
Báo Tuổi Trẻ kính mời độc giả chia sẻ thông tin về những học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cần sự hỗ trợ để tiếp tục theo đuổi ước mơ trên con đường học vấn.
Email xin gửi về: tto@tuoitre.com.vn. Vui lòng cung cấp thông tin họ tên, quê quán, nơi học tập, số điện thoại, hoàn cảnh của các em để tòa soạn tiện liên lạc. Báo Tuổi Trẻ trân trọng cảm ơn độc giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận