Tên lửa hạng nặng H2-A do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries đồng phát triển đã cất cánh vào khoảng 1h44 chiều (giờ địa phương) ngày 12-1, theo Hãng tin Bloomberg.
Theo Mitsubishi Heavy, bộ tăng áp của tên lửa đã tách thành công ngay sau khi phóng, và đưa vệ tinh do thám tới quỹ đạo thấp của Trái đất. Vệ tinh này sẽ theo dõi các địa điểm tên lửa cũng như thiên tai của Triều Tiên.
H2-A là một trong những tên lửa hạng nặng đáng tin cậy nhất thế giới, nhưng JAXA sẽ kết thúc chương trình tên lửa này và đang nghiên cứu một tên lửa thế hệ mới. Sau nhiệm vụ hôm 12-1, JAXA chỉ còn lại hai tên lửa H2-A.
Tên lửa H3 thay thế sẽ được JAXA nỗ lực hoàn thành vào tháng 2 năm nay.
H3 rất quan trọng và là giải pháp để JAXA thay thế cho tên lửa SpaceX của tỉ phú Elon Musk, khi nhu cầu tên lửa ngày càng tăng trong ngành vũ trụ thương mại.
Trước đó, truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng đã đưa tin nước này phóng thành công vệ tinh do thám đầu tiên vào quỹ đạo vào tháng 11-2023. Đồng thời, Triều Tiên có kế hoạch phóng thêm 3 vệ tinh nữa vào năm 2024.
Vệ tinh trinh sát được sản xuất trong nước đầu tiên của Hàn Quốc được phóng bằng tên lửa SpaceX vào tháng 12. Mặt khác, Seoul cho biết sẽ có thêm 2 vệ tinh nữa được phóng trong năm nay.
Theo đánh giá mới nhất của Lầu Năm Góc về quân đội Trung Quốc, đến đầu năm 2022, Trung Quốc đã có hơn 290 hệ thống vệ tinh do thám của mình, gần gấp đôi số lượng vào năm 2018 và chỉ đứng sau Mỹ.
Chỉ riêng năm 2023, SpaceX đã hoàn thành 96 lần phóng vào quỹ đạo, nhiều hơn bất kỳ đối thủ nào.
Một số công ty vũ trụ bắt đầu muốn thu hẹp khoảng cách với Space X. United Launch Alliance, một liên doanh giữa Boeing và Lockheed Martin, vào ngày 8-1 đã thực hiện vụ phóng tên lửa Vulcan đầu tiên.
Bên cạnh đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã đặt mục tiêu vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay để phóng tên lửa Ariane 6, vốn bị trì hoãn từ lâu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận