Phóng to |
Tàu HQ 505 trên đường làm nhiệm vụ ở Trường Sa - Ảnh tư liệu |
Công sự nổi kiên cường
“Trải sóng gió thử thách, nhưng ngọn cờ chủ quyền của Tổ quốc trên đảo Cô Lin vẫn sừng sững tung bay. Mười người trên tàu thay phiên nhau canh gác, bảo vệ ngọn cờ. Đó là nhiệm vụ lớn nhất của chúng tôi. Từ vị trí cao trên tàu có thể quan sát toàn vùng biển này, mỗi chiến sĩ trực một giờ và cứ thế nối tiếp nhau suốt ngày đêm” - thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ kể thêm rằng sóng gió Trường Sa rất dữ dội, làm cờ mau phai bạc và sờn rách.
Trước lúc tàu HQ 505 xuất bến, thuyền trưởng Lễ đã chuẩn bị sẵn nhiều lá cờ để mang theo hình ảnh Tổ quốc ra biển.
Thời gian bảo vệ tàu và bãi san hô Cô Lin, anh em cứ ít ngày lại lên đảo thay lá cờ để đảm bảo hình ảnh quốc kỳ Việt Nam luôn nguyên vẹn. Ngoài hai lá cờ ở đảo, trên tàu HQ 505 còn có một ngọn cờ Tổ quốc khác tung bay.
Những lần có tàu từ đất liền ra tiếp tế cũng mang thêm cờ ra cho anh em để dự phòng thay thế cờ sờn rách. Chính những hình ảnh thiêng liêng này đã làm ấm lòng chiến sĩ ở cách xa đất liền.
Suốt nhiều ngày, tàu đối phương cứ lảng vảng quanh bãi san hô Cô Lin. Nhưng thuyền trưởng Lễ và chín anh em bảo vệ tàu không hề nao núng. Họ đồng lòng sẵn sàng chiến đấu đến cùng để giữ vững ngọn cờ Tổ quốc. Có chiến sĩ đã xúc động tâm sự với đồng đội rằng nếu mình hi sinh thì hãy lấy cờ Tổ quốc bọc thi hài để hương hồn mình tiếp tục canh giữ non sông đất nước!
Tuy không ai nói ra lời, nhưng tất cả đều hiểu rằng mỗi chiến sĩ đang ngày đêm ôm súng bám trụ trên vùng biển này cũng chính là bia chủ quyền bằng xương máu của Tổ quốc. Chiến sĩ còn thì chủ quyền còn và cờ Tổ quốc sẽ đứng vững.
Từ ngày ủi bãi san hô Cô Lin 14-3-1988, con tàu HQ 505 đã trở thành một công sự thép kiên cường giữ biển. Nó nguyên là một chiếc tàu vận tải đổ bộ của Mỹ chuyển lại cho quân đội Sài Gòn.
Được đóng từ năm 1942, rộng 18m, dài gần 100m, nó có tải trọng trên 1.000 tấn. Đây là con tàu khá lớn nhưng được thiết kế để hải vận và đổ bộ nên không được trang bị hỏa lực đủ mạnh như chiến hạm. Từ năm 1975, con tàu này đã được nâng cấp, sửa chữa lại nhiều hạng mục để trở thành tàu vận tải Trường Sa.
Trước ngày 14-3 lịch sử, tàu HQ 505 đã thực hiện nhiều hải trình chở chiến sĩ và vật liệu ra xây dựng các công trình trên quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, tàu còn tham gia các chuyến đi biển ngược xuôi Bắc - Nam để vận chuyển lương thực thời kỳ kinh tế khó khăn.
Trong ký ức của thuyền trưởng Lễ vẫn còn nhớ rõ sau trận hải chiến ngày 14-3-1988, những vết thương do đạn pháo của đối phương và mưa nắng, sóng gió đại dương đã làm vỏ tàu chuyển sang màu nâu đỏ. Hệ thống điện và một số bộ phận bị cháy hỏng trên tàu vẫn còn bốc mùi khen khét. Điện bị mất hoàn toàn. Mười người ở lại với tàu chỉ sử dụng được một bóng đèn nhỏ phát sáng bằng bình ăcquy. Khi ăcquy hết điện, họ sử dụng chính máy xuồng vận tải nhỏ trang bị trên tàu để sạc lại điện. Lúc đầu, tàu có hai chiếc xuồng này, nhưng một chiếc đã bị hỏng trong sáng 14-3-1988 nên chỉ còn lại một chiếc có thể sử dụng được. Đây là phương tiện di chuyển duy nhất của anh em trên tàu.
“Hệ thống liên lạc xa của tàu chúng tôi bị hỏng, anh em ở lại tàu chỉ có một phương tiện liên lạc tầm ngắn với đảo Sinh Tồn ở gần đó. Mọi người bám trụ cùng tàu HQ 505 phải tự chủ hoàn toàn cuộc sống giữa biển”. Thuyền trưởng Lễ kể cứ đầu giờ sáng, anh em lên tập thể dục trên boong để gìn giữ sức khỏe, rồi tiếp tục huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Chính những hình ảnh này đã khiến các tàu lảng vảng xung quanh quan sát thấy có phần kiêng dè...
Ngày đêm và Tổ quốc
Khi ủi bãi, bảo vệ Cô Lin, két nước trên tàu HQ 505 chỉ còn khoảng 60 khối nước. Anh em phải dè sẻn từng giọt nước, vì khoảng thời gian tháng 3, tháng 4 vẫn còn rất ít mưa ở Trường Sa. Buổi sáng, mỗi người được một ít nước để rửa mặt. Sau giờ huấn luyện buổi chiều họ mới được sử dụng hai chậu nước 5 lít để tắm qua và lau lại bằng khăn. Anh em thường phải tắm trước bằng nước biển, sau đó mới giội qua chút nước ngọt ít ỏi này để cơ thể bớt ngứa ngáy.
Mỗi ngày thường chỉ có chiến sĩ đứng gác là mặc quân phục chỉnh tề, còn những người khác đều mặc quần áo ngắn để hạn chế phải sử dụng nước tắm giặt.
Khẩu phần ăn trên tàu chủ yếu là đồ hộp khô khan. Thi thoảng biển lặng êm, thuyền trưởng Lễ mới cử anh em đi xuồng máy sang đảo Sinh Tồn gần đó để tiếp thêm gạo và rau khô. Anh em vẫn thường tếu táo với nhau khi nào về lại đất liền sẽ chỉ ăn “tiệc cao lương mỹ vị” là canh mồng tơi và rau muống xào, ngọn khoai lang luộc trừ cơm để bù lại những ngày quay quắt thèm nhớ rau xanh trên tàu.
Thuyền trưởng Lễ nhớ lại: “Những đêm thủy triều hạ, chiến sĩ trẻ xin phép tôi xuống bãi san hô Cô Lin đâm cá. Có hôm tay không cũng bắt được cá đang mắc cạn, vùng vẫy trong vũng san hô. Ngoài cải thiện được bữa ăn tươi, anh em chiến sĩ cũng thêm niềm vui khuây khỏa nỗi nhớ nhà. Tuy nhiên, cũng có hôm anh em ăn phải loại cá hồng, cá chình có độc tố. Chiến sĩ ngộ độc nặng bị sốt cao, đau nhức nằm rên hừ hừ ở góc tàu, nhưng khi có báo động chiến đấu lại cố nén đau, bò lên ụ súng...”.
Do khoang tàu bị trúng đạn, cháy khét và mất điện nên mười anh em ở lại bảo vệ tàu ăn nghỉ luôn trên mặt boong. Đây cũng chính là vị trí thuận lợi nhất để quan sát và có thể nhanh chóng sẵn sàng chiến đấu. Cứ năm anh em ngủ dưới một gầm bệ pháo 40 ly đã bị hỏng trong ngày 14-3-1988. Họ giăng bạt trên bệ pháo để giảm bớt cái nóng như thiêu đốt của mùa nắng ở Trường Sa. Và những tấm bạt này cũng đánh lừa các tàu đối phương đang lảng vảng gần đó tưởng rằng các khẩu pháo vẫn còn tác xạ được.
Những đêm thao thức khó ngủ, anh em nằm tâm sự với nhau chuyện đời lính và kỷ niệm ở quê nhà. Thuyền trưởng Lễ là người lớn tuổi trong anh em và đã có gia đình nên hay được các chiến sĩ trẻ bắt kể chuyện nhà.
Quê ở Thái Bình, ông lập gia đình từ năm 1975, mỗi năm chỉ loáng thoáng gần vợ được ít ngày. Những buổi hiếm hoi được gặp nhau, vợ ông hay tâm sự chồng cứ yên lòng ra đi, việc nhà để bà gánh vác. Chính tấm lòng người vợ đã giúp ông vững bước xông pha lên đường vì Tổ quốc.
----------------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Viết cho Nguyễn Ngọc Trường XuânKỳ 2: Ca cấp cứu ở Trường SaKỳ 3:Ký ức pôngtôngKỳ 4: “Nhật ký đảo” bằng ảnhKỳ 5:Thư từ đại dươngKỳ 6:Nhật ký ở đảo Phan Vinh
----------------------------------------------
Sau gần ba tháng bám trụ Cô Lin, đội mười người của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ được thay bằng đội chín anh em khác do chính trung úy Phạm Văn Hưng, đội trưởng pháo có mặt trên tàu HQ 505 trong trận chiến ngày 14-3-1988, chỉ huy. Và ngọn cờ Tổ quốc vẫn tiếp tục tung bay ...
Kỳ tới: Tình đồng đội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận