16/09/2013 04:01 GMT+7

Nhật ký phóng viên: 21-6 ở Hoàng Sa

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - 21-6 năm nay, phóng viên chúng tôi được đón ngày truyền thống của nghề mình ở nơi rất đặc biệt: Hoàng Sa – vùng biển thiêng xa xôi của Tổ quốc đang cuộn sóng.

CYQjDQ2c.jpgPhóng to
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng đang ký tặng lên lá cờ Tổ quốc cho nhà báo Trần Tuấn - Ảnh: My Lăng

Các anh - những người chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam giữa bộn bề công việc với những lo âu, căng thẳng, vẫn nhớ đến ngày này của những người làm báo và đã tổ chức cho chúng tôi một ngày 21-6 không thể quên…

8 lần và 63 phóng viên

Từ những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ đến giờ, tàu CSB 8003 đã 8 lần tiếp nhận phóng viên trong và ngoài nước với 63 người (trong đó có 11 phóng viên quốc tế). Đặc biệt, có 3 phóng viên đi 2 lần và tổng cộng có 8 phóng viên nữ đã tác nghiệp trên tàu. Ngay từ sáng ngày 18-6, chỉ huy tàu đã bàn kế hoạch tổ chức ngày 21-6 cho 11 phóng viên trên tàu. Các anh thống nhất lấy một cái tên thật đơn giản, ngắn gọn cho chương trình giao lưu văn nghệ chào mừng 89 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam: 21-6 giữa Hoàng Sa.

Giữa ầm ào của sóng Hoàng Sa, xung quanh là các tàu TQ sáng rực điện rải đầy trên mặt biển đen thẳm, tôi nhớ đến câu nói của đại tá Lưu Tiến Thắng: “Thời gian tới các đồng chí phóng viên cùng cán bộ chiến sĩ tàu CSB 8003 cần xác định rõ chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vất vả cả về đời sống sinh hoạt hàng ngày và diễn biến tình hình trên biển. Do vậy, mỗi chúng ta cần quyết tâm hơn, đoàn kết chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ nhau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Đại úy Lê Mạnh Thường - phóng viên của Trang thông tin điện tử Cảnh sát biển Việt Nam - viết kịch bản chương trình. Anh Trần Tuấn - trưởng đại diện của báo Tiền Phong ở miền Trung và tôi cùng ngồi bàn ý tưởng và vẽ băng-rôn làm background. Các thủy thủ được phân công chuẩn bị tìm giấy, bút chì, màu, bàn ghế, hệ thống âm thanh… cho buổi giao lưu.

Món quà đặc biệt

Chiều ở Hoàng Sa, 17g30 mà nắng vẫn còn gắt. Kế hoạch diễn ra buổi giao lưu từ 17g dời xuống 18g. “Sân khấu” là khu vực boong tàu với tấm băng-rôn vẽ bằng tay kiểu “cây nhà lá vườn”, dàn âm thanh với các dãy ghế đã được thủy thủ sắp xếp gọn gàng. Toàn bộ các cán bộ, chiến sĩ tàu mặc quân phục kiểu dã chiến tập trung trước boong. Cờ Tổ quốc đỏ thắm căng bay trong gió lộng. Xung quanh là các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam. Xa hơn một chút là các tàu Trung Quốc đang lởn vởn.

Phóng viên Tuổi Trẻ là thành viên nữ duy nhất trên tàu nên được cả tàu ưu ái tặng riêng một món quà nhân ngày 21-6. Không gói bằng giấy kính óng ánh như những món quà tặng bình thường trong đất liền, hộp quà được các anh tận dụng từ một thùng gỗ nhỏ, thắt thêm sợi dây cột thành nơ bên ngoài. Theo yêu cầu của mọi người, tôi mở hộp quà ngay trên “sân khấu”. Mọi người ồ lên vỗ tay khi tôi lấy ra chiếc mũ đặc trưng của Cảnh sát biển Việt Nam. Trên chiếc mũ là dòng chữ: Hoàng Sa 21-6-2014, Tàu CSB 8003 mến tặng My Lăng.

Thay mặt cho các anh em thủy thủ, đại úy Nguyễn Huy Trung (chính trị viên tàu CSB 8003) đã chia sẻ những câu chuyện nhỏ về đội ngũ phóng viên tác nghiệp trên tàu từ những ngày đầu đến giờ.

Với lá cờ Tổ quốc rất đặc biệt được tặng từ tàu CSB 4032: bạc phếch, rách vì gió biển, lủng một lỗ rất to, nhà báo Trần Tuấn đã đề nghị toàn bộ thủy thủ tàu CSb 8003 ký tặng lên lá cờ Tổ quốc thiêng liêng đượm sương gió mưa nắng Hoàng Sa. Lá cờ này sẽ được anh Tuấn tặng lại cho bảo tàng Hoàng Sa khi về lại đất liền. Bài hát “Vì nhân dân quên mình” được cả tàu và các phóng viên cất lên đã khép lại một chương trình thành công.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Lá cờ can trường ở Hoàng SaNhững lá thư tay từ Hoàng SaTiếng hát giữa biển trời Hoàng SaMón quà 1-6 từ Hoàng Sa

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên