Tình trạng người trưởng thành "lười yêu" đang ở mức độ báo động tại Nhật - Ảnh: CNN
Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí BMC Public Health, các chuyên gia sức khỏe cộng đồng thuộc Đại học Tokyo phát hiện số lượng người Nhật trưởng thành không có kinh nghiệm tình dục khác giới đang gia tăng một cách đáng ngại.
Cụ thể, tỉ lệ phụ nữ tuổi 18-39 tuổi chưa từng quan hệ tình dục tăng lên 24,6% (năm 2015) so với 21,7% của năm 1992. Tức cứ 4 phụ nữ thì có một người "còn trinh".
Thay đổi đối với nam giới còn lớn hơn: nhóm "còn trinh" chiếm 25,8% (năm 2015), so với 20% của năm 1992.
"Không tình dục đã trở thành mối quan ngại mang tầm quốc gia tại Nhật. Các báo cáo trước đây không đánh giá xu hướng này ở nhiều nhóm tuổi và theo các nền tảng kinh tế xã hội khác nhau" - ông Peter Ueda, nhà nghiên cứu thuộc ĐH Tokyo, đánh giá.
Để so sánh, các khảo sát từ Anh, Mỹ và Úc cho thấy tỉ lệ người trưởng thành chưa quan hệ tình dục chỉ từ 1-5% ở độ tuổi 30.
Mặc dù lâu nay tình trạng người Nhật "lười yêu" đã được đề cập đến, nhưng đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu đầy đủ sử dụng dữ liệu đại diện toàn quốc, thu thập từ 7 cuộc khảo sát trong hơn 3 thập niên.
Các nhà nghiên cứu định nghĩa "kinh nghiệm tình dục khác giới" là quan hệ kiểu truyền thống giữa nam và nữ. Khảo sát không bao gồm phản hồi từ cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới...) và những người vô tính.
Nghiên cứu của Đại học Tokyo còn phát hiện thêm mối liên hệ giữa sức khỏe tài chính và tình dục, cụ thể là nam giới thu nhập thấp có xu hướng "còn trinh" cao hơn phụ nữ.
"Mặc dù tranh luận xung quanh vấn đề này khá phức tạp, chúng tôi thấy tình trạng không tình dục phần nào đó là vấn đề mang tính kinh tế xã hội đối với đàn ông. Nói đơn giản, đồng tiền quyết định" - ông Cyrus Ghaznavi, người đứng đầu công trình nghiên cứu, giải thích.
Vấn đề gia đình, sinh đẻ quan trọng đối với Nhật vì dân số nước này đang già đi nhanh chóng. Nhật được xem là quốc gia "siêu già" vì có hơn 20% dân số tuổi trên 65.
Năm 2017 chỉ có 946.060 em bé chào đời tại Nhật, mức thấp kỷ lục kể từ khi số liệu được ghi nhận vào năm 1899.
Dân số giảm đồng nghĩa lực lượng lao động giảm, và họ phải đỡ đần cho nhóm dân số già mỗi lúc một tăng về chăm sóc sức khỏe, lương hưu... giáo sư Kukhee Choo thuộc Đại học Sophia (Tokyo) giải thích thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận