23/03/2019 06:10 GMT+7

Nhân phẩm không thể chỉ đáng giá 200.000 đồng

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI
NGUYỄN PHAN QUẾ MAI

TTO - Thử tưởng tượng sau một ngày học tập và làm việc mệt nhọc, bạn lê bước về tổ ấm. Trong thang máy, một người đàn ông bắt chuyện, hỏi xin số điện thoại, cuối cùng là tấn công tình dục.

Nhân phẩm không thể chỉ đáng giá 200.000 đồng - Ảnh 1.

Hình ảnh cắt từ clip cô gái bị sàm sở trong thang máy ở Hà Nội

Và sau đó, bạn trình báo cơ quan chức năng với mong muốn tha thiết rằng kẻ tấn công bạn sẽ bị trừng phạt và không có một cô gái 20 tuổi nào như bạn bị chà đạp nhân phẩm như vậy nữa.

Trong những ngày đầy hoảng loạn sau đó, bạn chỉ có những niềm hi vọng duy nhất: pháp luật sẽ được thực thi, quyền và nhân phẩm của con người nói chung và quyền phụ nữ nói riêng cần được trân trọng và bảo vệ. 

Nhưng, như một cái tát vào mặt bạn, cơ quan công an ra quyết định xử phạt người đã tấn công bạn với số tiền vẻn vẹn 200.000 đồng. 

200.000 đồng ư? Số tiền ấy là gì so với sự khiếp đảm, sợ hãi mà bạn đã phải trải qua, cho những đêm mất ngủ, cho sự tổn thương về tinh thần, cho việc bạn mất đi niềm vui sống, mất khả năng tập trung cho công việc và học hành? Nếu người đàn ông đã coi bạn như một món đồ chơi tình dục của hắn, thì số tiền phạt 200.000 đồng khẳng định rằng phẩm giá của bạn không hơn gì một món đồ chơi.

Bạn tự hỏi có lẽ mình là người đơn độc trong cơn ác mộng tấn công tình dục?

Nhưng không! Một người bạn vừa chia sẻ với bạn một báo cáo xuất bản năm 2014 của tổ chức phi chính phủ ActionAid. Dựa trên phỏng vấn với 2.046 người sống tại TP.HCM và Hà Nội, báo cáo đưa ra kết luận: 87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng, 89% nam giới và những người chứng kiến đã thấy các hành vi này. 

Điều đáng kinh ngạc với bạn là: 66% phụ nữ và trẻ em gái bị xâm hại không phản ứng gì, 65% nam giới và người chứng kiến không hề có các hành động can thiệp. 

Mắt bạn nhòe đi khi bạn đọc kết luận của báo cáo: “Điều này không chỉ đồng nghĩa với việc những thủ phạm vẫn đang tự do ngoài vòng công lý mà nghiêm trọng hơn, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã trở thành một vấn đề bình thường và được “chấp nhận” bởi đại bộ phận xã hội”.

Bạn nhìn lại những con số trong báo cáo. Đó không phải là những con số. Đó là những gương mặt đầy nước mắt của phụ nữ và trẻ em - những đối tượng đáng lẽ ra pháp luật phải ưu tiên bảo vệ. Những nạn nhân này bị xâm phạm, bị tổn thương, nhưng đa số không phản ứng gì vì họ quá sợ hãi, và họ cũng biết rằng sự phản ứng không đem lại kết quả gì đáng kể.

Bạn quyết định không đứng trong bóng tối, không đồng lõa với con quỷ “tấn công tình dục”. Con quỷ ấy cần phải được triệt tiêu bằng các quy định nghiêm minh hơn, quy củ hơn của pháp luật. 

Bạn hít một hơi sâu và tự nhủ: bạn sẽ không sợ hãi. Bạn hi vọng nhiều người sẽ đứng bên bạn và vận động cho sự thay đổi, bởi vì tỉ lệ phụ nữ và trẻ em bị xâm hại ở đất nước bạn vào năm 2019 thật đáng xấu hổ và không thể chấp nhận được. 

Và bởi nhân phẩm của một con người không thể chỉ đáng giá 200.000 đồng!

Bộ Công an phối hợp Hà Nội kiểm tra việc xử lý vụ sàm sỡ trong thang máy Bộ Công an phối hợp Hà Nội kiểm tra việc xử lý vụ sàm sỡ trong thang máy

TTO - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra việc xử lý vụ "sàm sỡ" nữ sinh trong thang máy chung cư Golden Palm nhưng chỉ bị phạt hành chính 200.000 đồng.

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên