20/03/2019 10:41 GMT+7

Vụ ép cô gái để hôn trong thang máy: Nên sửa luật để phạt mạnh hơn

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Cô gái đi thang máy bị một người đàn ông giở trò sàm sỡ, ép vào góc thang máy để hôn. Ông này bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 200.000 đồng và mức phạt này ngay lập tức gây ra phản ứng trong dư luận vì được cho là 'quá nhẹ'.

Vụ ép cô gái để hôn trong thang máy: Nên sửa luật để phạt mạnh hơn - Ảnh 1.

Hình ảnh ông Đỗ Mạnh Hùng ép nữ sinh vào góc thang máy để hôn - Ảnh cắt từ clip

Công an quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) căn cứ vào điểm a, khoản 1, điều 5 nghị định 167/2013 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự. 

Theo đó, mức phạt ở đây được quy định là từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".

Xúc phạm hay dâm ô?

Nói về căn cứ xử phạt ông Đỗ Mạnh Hùng - người có hành vi ép nữ sinh trong thang máy để hôn, một thẩm phán đang làm việc tại TP.HCM cho rằng việc xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 5 nghị định 167 là mức quá nhẹ. 

Bởi thực tế hành động của người thực hiện hành vi là sử dụng vũ lực tấn công người phụ nữ trong thang máy để thỏa mãn nhu cầu về tình dục. Tội dâm ô quy định trong Bộ luật hình sự là buộc phải có hành vi sờ mó vào bộ phận nhạy cảm của người khác mới đủ yếu tố cấu thành. 

Trong camera không thể hiện rõ điều này nên theo vị thẩm phán này thì cần phải rà soát lại xem có hành vi động chạm vào các bộ phận nhạy cảm khác của cơ thể hay không.

Rất bức xúc, luật sư Trần Ngọc Nữ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: "Đây là hành vi dâm ô chứ không phải là xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác theo quy định tại điểm a, khoản 1 điều 5 nghị định 167/2013. 

Bởi thực tế, người đàn ông này đã sử dụng vũ lực ép nạn nhân vào góc thang máy để hôn lên môi. Hôn lên môi cũng là một bộ phận nhạy cảm của cơ thể chứ không phải những nơi khác mới là nhạy cảm. Bản thân nạn nhân đã tránh né, vùng vẫy, chống cự để thoát ra nhưng không thoát ra được và thậm chí còn bị trầy xước ở mũi và tay. 

Như vậy thì sao mà xử lý vi phạm hành chính được. Tên chính xác của hành vi này phải là dâm ô", bà Nữ nói.

Đồng thời, bà Nữ cũng cho rằng nếu cứ căn cứ theo quy định của pháp luật là chỉ động chạm vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể mới đủ yếu tố cấu thành tội dâm ô thì có để ý đến cảm xúc của nạn nhân và hậu quả có thể xảy ra với nạn nhân không?

Bà Nữ phân tích rằng: hành vi tấn công đối với một người hoàn toàn xa lạ tại nơi công cộng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý nạn nhân. 

Ngoài việc cảm thấy bị xúc phạm, còn có những nguy cơ khác liên quan đến các loại bệnh tật có thể lây qua đường hô hấp hoặc lây qua tuyến nước bọt.

Do đó, theo bà Nữ, các cơ quan tố tụng của quận Thanh Xuân cần xem xét khởi tố người tấn công nữ sinh viên tội dâm ô chứ không chỉ xử lý hành chính. Bởi nếu hành vi như vậy mà chỉ xử lý hành chính thì không đủ sức răn đe và không ngăn ngừa được các hành vi tương tự trong tương lai.

Gọi chính xác thì đây là hành vi tấn công tình dục, nhưng rất tiếc Bộ luật hình sự 2015 của Việt Nam chưa quy định về tội danh này. Do đó theo tôi, cần bổ sung tội danh này vào luật để xử lý những tình huống tương tự.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Phải sửa luật!

Đó là ý kiến của ông Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao). Ông Hùng cho rằng cần có mức chế tài mạnh hơn và đủ sức răn đe đối với hành vi tương tự. Việc tấn công một cô gái trong thang máy gây nên sự bức xúc trong dư luận về hành vi và thái độ của người thực hiện hành vi tấn công người khác trong thang máy. 

Khi cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt hành chính với mức 200.000 đồng, dư luận lại tiếp tục phẫn nộ vì mức xử phạt quá nhẹ. "Tôi cho rằng cần phải có mức chế tài mạnh hơn, vì đó là hành vi gây tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần của nạn nhân. Thậm chí có thể ảnh hưởng đến tâm lý nếu nạn nhân là người chưa đủ 18 tuổi".

Ngoài ra, theo ông Phạm Công Hùng, cơ quan nhà nước nơi ông Đỗ Mạnh Hùng làm việc (nếu có) cũng cần có mức kỷ luật hợp lý.

Bà Trần Ngọc Nữ cho rằng việc người thực thi công vụ cứng nhắc trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm hoặc việc xử lý không đúng với mức độ hành vi. 

Thực tế thời gian có rất nhiều trẻ em, phụ nữ bị người khác giới có hành vi sàm sỡ, dâm ô hoặc tấn công về tình dục. Tuy nhiên do không được xử lý triệt để hoặc do luật chưa đủ chặt chẽ, chưa phòng ngừa hết đã khiến nhiều nạn nhân ấm ức.

"Trong vụ việc cụ thể nêu trên, nạn nhân đã phải đi tìm camera thu đoạn ghi hình, rồi ra công an trình báo, tố cáo. Thế nhưng khi xử phạt như vậy thì không mang lại được sự công bằng cho nạn nhân", bà Nữ nói. 

Bởi vậy, theo bà, cần sửa luật và quy định rõ ràng hơn. Trong khi luật chưa sửa cũng cần đánh giá chính xác mức độ hành vi cũng như hậu quả của hành vi đó đối với đời sống tinh thần của nạn nhân. Có như vậy các hành vi quấy rối, tấn công, lạm dụng tình dục mới mong giảm được.

Ông Phạm Công Hùng cho rằng khó xử lý hình sự vì luật chưa quy định hành vi này là quấy rối tình dục nên cũng không thể xem xét trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, đối với việc xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định 167 với mức xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng thì quá nhẹ, không đủ sức răn đe người vi phạm. Khi luật không dự liệu được thì chỉ có thể xử lý hành chính, muốn xử lý nghiêm phải xem xét điều chỉnh luật.

Niềm cay đắng 200.000 đồng Niềm cay đắng 200.000 đồng

TTO - Không biết có bao nhiêu cô gái chưa bao giờ rơi vào tình huống bị trêu chọc, bị xúc phạm, bị cưỡng bức, bị xâm hại.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên