Nữ nạn nhân P.H.V. bị quấy rối trong thang máy - Ảnh cắt từ clip
Đã hơn 2 tuần kể từ khi xảy ra vụ việc, chị P.H.V. (20 tuổi, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) cho biết vẫn còn cảm thấy ghê sợ khi là nạn nhân bị người đàn ông lạ mặt ép vào một góc thang máy rồi ôm, hôn mặc cho chị phản kháng.
V. cũng tỏ ra bức xúc khi Công an quận Thanh Xuân xử phạt người đàn ông sàm sỡ mình chỉ với mức phạt 200.000 đồng. "Mức phạt như vậy là quá nhẹ không đủ sức răn đe, tôi thật sự thất vọng khi cơ quan chức năng đưa ra mức phạt như vậy", chị V. nói.
Nói về mức phạt này, lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân cho biết việc ra quyết định xử phạt hành chính người đàn ông ở mức 200.000 đồng là đúng theo quy định.
Cụ thể theo điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013 quy định: "Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng đối với hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".
Xác định người đàn ông đã sàm sỡ cô gái trong thang máy nên công an đưa ra mức phạt 200.000 đồng.
Không đơn giản là trêu ghẹo
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, giám đốc Công ty luật Thiên Thanh, cho rằng nghiên cứu kỹ video quay lại vụ việc thì thấy rõ ràng không thể coi hành vi của người đàn ông tên Đỗ Mạnh H. chỉ là việc trêu ghẹo.
Hành vi cố tình ép một cô gái vào thang máy rồi hôn, khiến cho nạn nhân trầy xước là đang xâm hại trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm của người khác, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và văn hóa của người Việt Nam.
Cũng theo luật sư Truyền, với hành vi "cưỡng ép hôn trong thang máy", pháp luật Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho loại vi phạm này. Cơ quan thực thi pháp luật đang bị chính những quy định pháp luật thực định "hạn chế" rất nhiều.
"Mọi người hoàn toàn có lý do khi soi chiếu điều khoản mà cơ quan chức năng đã áp dụng trong trường hợp này có nhiều điểm chưa thật sự tương ứng. Làm một phép so sánh ta có thể thấy sự bi hài, vì với hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định bị xử phạt tới 3 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 155, còn với hành vi tấn công một cô gái để ép hôn như vậy lại chỉ phạt có 200.000 đồng", ông Truyền đặt vấn đề.
Cùng quan điểm, ông Bùi Văn Xuyền, ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng cho rằng: hành vi cưỡng ép hôn cô gái trong thang máy đã vượt quá sự trêu ghẹo. Cơ quan chức năng cũng cần xem xét lại hành vi, bởi rất có thể việc xác định hành vi mà không đúng thì khi áp dụng xử phạt sẽ không chuẩn.
Ông Bùi Văn Xuyền cho rằng qua vụ việc cũng cần phải xem xét lại các văn bản pháp luật đã đầy đủ chưa, đáp ứng yêu cầu xử lý chưa. Mức phạt, hành vi được mô tả trong nghị định đã bao quát chưa. Việc cố tình ôm hôn vượt quá hành vi trêu ghẹo nhưng trong nghị định không có thì có thể là thiếu sót của văn bản chưa mô tả hết, bao quát hết hành vi trong thực tế làm cho người xử lý chỉ có thể căn cứ vào quy định để xử lý.
Các cơ quan chức năng cần kiến nghị để cơ quan có thẩm quyền sớm sửa luật cho phù hợp tình hình hiện nay. Nếu đánh giá nghị định chưa bao quát hết thì cần bổ sung hành vi để việc xử lý được dễ.
Quy định xử phạt đã "lỗi thời"
Nói về mức xử phạt 200.000 đồng, ông Xuyền nhận định: kể cả khi Công an quận Thanh Xuân xác định hành vi trêu ghẹo phụ nữ thì mức phạt như vậy cũng là "lỗi thời".
"Hành vi cố tình ôm hôn mà chỉ phạt 200.000 đồng thì rõ ràng là buồn cười, khiến dư luận bức xúc. Mức phạt này quá nhẹ, lạc hậu so với tình hình thực tế hiện nay. Mức phạt này kể cả là chiếu theo hành vi trêu ghẹo phụ nữ cũng là "lỗi thời", trong khi hành vi ôm và cố tình hôn một người phụ nữ trong thang máy còn nghiêm trọng hơn nhiều", ông Xuyền nói.
Luật sư Vũ Thị Nga (Trưởng VP LS Công Lý Việt), cho rằng: nghị định mà Công an quận Thanh Xuân áp dụng được quy định từ năm 2013. Sau 6 năm, xã hội đã phát triển và thay đổi, hệ lụy của nó là nhiều tệ nạn nhất là các tệ nạn liên quan đến các vấn đề về quấy rối tình dục.
Tuy nhiên quy định tại nghị định này lại không thay đổi, dẫn đến việc công an khi áp dụng xử phạt không tránh khỏi sự bức xúc trong dư luận, không đáp ứng được việc phòng ngừa tội phạm.
"Cần sửa luật và quy định rõ ràng hơn. Có như vậy các hành vi quấy rối, tấn công, lạm dụng tình dục mới mong giảm được. Còn thay đổi, quy định thế nà và thời gian bao lâu cần phải thay đổi, thiết nghĩ các cơ quan lập pháp cần phải có ngay các biện pháp, ban hành các quy định phù hợp để kịp thời đáp ứng đòi hỏi của xã hội", LS Nga nói.
Thẩm phán Trương Việt Toàn (phó chánh tòa hình sự Tòa án ND TP Hà Nội) cũng cho rằng cần nâng mức xử phạt thì mới đảm bảo tính răn đe, để người vi phạm không nhờn luật. Nếu xử lý chỉ mang tính chất giáo dục tuyên truyền thì rất khó tác động vào xã hội, đem lại sự nghiêm minh cả vấn đề an ninh trật tự và các vấn đề khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận