29/04/2023 09:47 GMT+7

Nguyên phó thủ tướng Đức Philipp Rösler: Cảm xúc nguồn cội thôi thúc người Việt trở về

Nhân chuyến trở về Việt Nam làm việc và tham dự chương trình Tuổi Trẻ Start-up Award, cựu phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler đã trải lòng cùng Tuổi Trẻ về thu hút đầu tư, khởi nghiệp và đặc biệt là cảm xúc nguồn cội.

Nguyên phó thủ tướng Đức Philipp Rösler: Cảm xúc nguồn cội thôi thúc người Việt trở về - Ảnh 1.

Ông Philipp Rösler: "Nước ngoài chưa biết đến, mình cần chủ động đến với họ, đem thương hiệu của mình cho họ biết" - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Philipp Rösler nói:

- Khi bạn lớn lên ở một nền văn hóa khác và còn là đứa trẻ bạn sẽ không quan tâm nhiều về cội nguồn. Nhưng đến lúc trưởng thành, từng trải hơn, có gia đình, con cái thì những câu hỏi về nguồn gốc, truyền thống văn hóa của mình như thế nào, từ đâu... sẽ thôi thúc bạn đi tìm lời giải. 

Video: Nguyên phó thủ tướng Đức Philipp Rösler chia sẻ về thu hút đầu tư, khởi nghiệp

Sự tự hào nơi mình sinh ra, đặc biệt là cảm xúc kết nối dân tộc ấy rất mãnh liệt... Những điều này giải thích vì sao ngày càng có nhiều người Việt muốn quay trở về.

Kết nối cội nguồn

* Có một khảo sát được thực hiện tại cộng đồng người Việt ở nước ngoài, cho biết họ sẽ về nước để kết hôn và vì cha mẹ già (63%), gần một nửa (49%) cho biết họ cảm thấy có mối liên hệ với cội nguồn, văn hóa và khoảng 41% muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, và phần còn lại (28%) sẽ làm điều đó vì sự nghiệp của họ và nếu có cơ hội. Ông nghĩ gì về kết quả này?

- Chính quyền Liên bang Đức từng có một cuộc khảo sát về các nhóm người nhập cư ở Đức và kết quả cũng cho thấy không hề ngạc nhiên khi cộng đồng người Việt ở Đức là cộng đồng hòa nhập tốt nhất. Tôi nghĩ lý do người Việt ở đây chỉ tập trung hai điều quan trọng nhất là giáo dục và giá trị gia đình.

Xu hướng kiều bào quay trở về quê hương có thể vì hôn nhân, vì gia đình nhưng quan trọng hơn cả đó là sự tái kết nối với cội nguồn, nơi xuất phát của họ. Điều này còn quan trọng và ý nghĩa hơn bất kỳ họ ở đâu. Và yếu tố thứ hai làm cho người Việt xa quê muốn quay về là để đóng góp nhiều hơn cho quê hương, cho sự phát triển của Việt Nam, tạo thêm nhiều công ăn, việc làm và tăng trưởng.

Đó cũng là lý do vì sao nhiều người có thể khởi nghiệp ở châu Âu, ở Mỹ nhưng họ chọn quay về quê nhà để gầy dựng khởi sự doanh nghiệp hay làm việc cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Tôi nghĩ đây là ý tưởng chính, động lực chính cho những người Việt Nam ở nước ngoài quyết định quay trở về ngày càng nhiều hơn trong những năm gần đây.

Nguyên phó thủ tướng Đức Philipp Rösler: Cảm xúc nguồn cội thôi thúc người Việt trở về - Ảnh 2.

Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Thế Chữ (bìa trái) và Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Trương Minh Tước Nguyên (bìa phải) trao kỷ niệm chương cho ông Philipp Rosler tại talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp" ngày 26-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Trong dòng chảy trở về đó, có một xu hướng đó là ngày càng nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đang trở về quê khởi nghiệp?

- Tôi nhìn thấy một thế hệ khởi nghiệp mới ở Việt Nam, đó là những người trẻ đi học và bây giờ họ trở về, chọn Việt Nam là điểm khởi nghiệp mà trong giải thưởng của Tuổi Trẻ Start-up Award chúng ta cũng thấy có trường hợp như vậy, đó là nhà sáng lập của Logivan, bạn ấy cũng chọn về Việt Nam để khởi nghiệp. 

Câu chuyện trở về của những người Việt trẻ, kiều bào của Việt Nam cũng giống như câu chuyện của Ấn Độ. Họ đi khắp nơi trên thế giới làm việc, kinh doanh nhưng sau tất cả, sự thành công của họ đóng góp rất nhiều vào nền kinh tế thế giới, của toàn cầu và quê hương.

Nguyên phó thủ tướng Đức Philipp Rösler: Cảm xúc nguồn cội thôi thúc người Việt trở về - Ảnh 3.

Ông Philipp Rösler trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ ngày 26-4 - Ảnh: HỮU HẠNH

Dù không còn có người thân ở Việt Nam nhưng mỗi lần về Việt Nam tôi đều rất háo hức nhìn thấy và so sánh những tố chất Việt Nam có và không có trong cuộc sống của tôi.
Ông Philipp Rösler

Ông Philipp Rösler: "Tôi muốn xây dựng chiếc cầu kết nối"

* Vậy Việt Nam cần làm gì để thu hút, chào đón kiều bào, những người Việt Nam thành công trở về, thưa ông?

- Tôi nghĩ Việt Nam đã thể hiện rất rõ sự chào đón kiều bào khắp nơi trở về. Bộ Ngoại giao phụ trách công tác này và hằng năm đều có những hoạt động, chương trình lớn ngay dịp Tết cổ truyền dân tộc. Kiều bào khắp nơi trên thế giới hội tụ về Việt Nam trong dịp này được trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa dân tộc, họ được tham quan nhìn thấy cảnh đổi thay của đất nước về nơi họ sinh ra hay cha mẹ mình sinh ra. Những hoạt động này rất ý nghĩa.

Dịp Tết năm ngoái, tôi cũng được mời về và chia sẻ câu chuyện với những kiều bào khác. Dù ở nhiều nơi trên thế giới nhưng nhiều người vẫn còn gia đình, bà con, bạn bè ở Việt Nam và họ xúc động khi được trở về, có thể nói đó còn là sự đoàn tụ với chính người thân của mình.

Nguyên phó thủ tướng Đức Philipp Rösler: Cảm xúc nguồn cội thôi thúc người Việt trở về - Ảnh 5.

Chuyên gia kinh tế Philipp Rösler (phải) và doanh nhân Don Lam đến dự talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp" ngày 26-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Chúng tôi được biết ông đi lại rất nhiều giữa Việt Nam và các nước, các chuyến đi đó có ý nghĩa như thế nào?

- Năm ngoái, tôi có khoảng chín lần về Việt Nam. Tôi nghĩ đằng sau những chuyến đi về Việt Nam liên tục là tôi muốn xây dựng chiếc cầu kết nối Việt Nam với thế giới cũng như đưa những điều tốt đẹp của thế giới về Việt Nam. 

Ở buổi giao lưu, trò chuyện với các start-up, tôi rất thích thú khi nhận thấy rất nhiều start-up muốn đưa hàng hóa, dịch vụ của mình ra thế giới hoặc các bạn cũng có tầm nhìn, định hướng như thế. 

Chúng ta đều nhìn nhận rằng không ai muốn dừng cơ hội kinh doanh ở trong nước dù thị trường nội địa của Việt Nam không hề nhỏ với hơn 100 triệu dân. 

Nhưng ở đây, đã đến lúc các start-up, doanh nghiệp Việt Nam đủ dũng cảm, đủ sự tự hào để tự tin giới thiệu với thế giới rằng: Chúng tôi cũng năng động, sáng tạo thậm chí còn "ngon lành" hơn nhiều start-up trên thế giới khác, hãy đến khám phá. Mặt khác, chúng ta cũng có thể mời những nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam để họ có cơ hội tìm hiểu và đầu tư.

Nguyên phó thủ tướng Đức Philipp Rösler: Cảm xúc nguồn cội thôi thúc người Việt trở về - Ảnh 6.

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu (bìa trái) trao đổi với các kiều bào dịp đầu năm 2023 - Ảnh: HỮU HẠNH

Ngay cả trong khủng hoảng, Việt Nam vẫn có cơ hội

* Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ có lẽ cũng là vai trò đặc biệt đối với ông?

- Dù không còn có người thân ở Việt Nam nhưng mỗi lần về Việt Nam tôi đều rất háo hức nhìn thấy và so sánh những tố chất Việt Nam có và không có trong cuộc sống của tôi. Nhưng cuối cùng, vẫn rất là thú vị nếu có thể nhìn thấy sự khác biệt giữa hai nền văn hóa dù tôi nghĩ rằng mình có những tính cách, văn hóa của người Thụy Sĩ hay Đức và trong trường hợp này thật tốt khi có cả hai.

Với vai trò là lãnh sự danh dự, công việc của tôi là xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ kinh doanh giữa Thụy Sĩ và Việt Nam làm sao phát triển tốt nhất... 

Việt Nam mở cửa cho doanh nghiệp bên ngoài vào tìm hiểu, muốn đến Việt Nam và họ tìm thấy những khoản đầu tư thành công nhưng đồng thời cũng giúp Việt Nam phát triển. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể cùng Chính phủ hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật chẳng hạn cùng xây dựng nội dung cho các hiệp định thương mại tự do...

Về dài hạn, để phát triển Việt Nam cần có một kế hoạch tổng thể xem mình muốn gì trong 5 năm, 10 năm hay 15 năm tới khi nhìn sang các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia... Có thể chúng ta giống các nước đó vài năm trước nhưng những điều những nước này làm được có thể là hình mẫu hay kinh nghiệm cho chúng ta.

Nguyên phó thủ tướng Đức Philipp Rösler: Cảm xúc nguồn cội thôi thúc người Việt trở về - Ảnh 7.

Nhà báo Trần Xuân Toàn (bìa trái), phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, đón ông Philipp Rosler - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cựu phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler, hiện là lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ. Sinh ra tại Sóc Trăng, ông từng trở thành chính trị gia trẻ nhất đảm nhận vị trí lãnh đạo quan trọng tại Đức. Khi là giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2018, ông đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện một số sáng kiến liên quan tới cách mạng công nghiệp 4.0 và Hội nghị WEF Đông Á.

* Vậy cơ hội nào cho Việt Nam để phát triển nhanh hơn nữa?

- Tôi nghĩ rằng luôn có cơ hội cho Việt Nam, ngay cả trong khủng hoảng. Ít nhất trong năm 2023, dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn vào Việt Nam khi xung đột Nga - Ukraine đang làm dòng vốn đầu tư dịch chuyển đáng kể. Việt Nam nên nắm bắt cơ hội này vì chúng ta đều không biết những biến động, sự bất định đang kéo dài bao lâu. Có một điều là khi nhà đầu tư đã đến và thiết lập làm ăn kinh doanh ở đây thì sẽ luôn muốn làm ăn lâu dài.

Chúng ta cũng cởi mở với các giải pháp, xu hướng mới như blockchain, thương mại điện tử, Việt Nam có những lợi thế về thị trường quy mô dân số hơn 100 triệu dân, nền tảng học vấn tốt, số hóa cao khi hầu như ai cũng có điện thoại di động và cùng với đó là tinh thần doanh nhân. Đây là những yếu tố, nguyên liệu cho sự thành công của một nền kinh tế.

Tuy nhiên, để thu hút đầu tư, chắc chắn là câu chuyện hạ tầng mà ở đây là hạ tầng giao thông, đường sá hay hệ thống chăm sóc sức khỏe, bệnh viện... Chúng ta cần lập danh sách những gì Việt Nam quan tâm và muốn ưu tiên thu hút và xây dựng các thủ tục rõ ràng, dễ dàng, dễ hiểu nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nguyên phó thủ tướng Đức Philipp Rösler: Cảm xúc nguồn cội thôi thúc người Việt trở về - Ảnh 9.

Ông Philipp Rösler là một trong các diễn giả chính của talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp" - Ảnh: HỮU HẠNH

"Chỉ có làm việc chăm chỉ thì mới thành công"

* Cuộc đời của ông chắc hẳn có rất nhiều trải nghiệm, có phải vì ông học từ thất bại nhiều hơn?

- Trong cuộc đời của mỗi người chắc chắn ai cũng có những lúc thăng trầm và nếu bạn hỏi một người nào đó thì họ chắc chắn trả lời rằng họ học được nhiều nhất từ những "giai đoạn trầm" đó, hơn là lúc thành công. Tất nhiên đừng để phải thất bại quá nhiều nhưng nếu chúng đến vì lý do nào đó thì chúng ta phải tìm cách giải quyết, đương đầu với những khó khăn đó.

Đây là câu chuyện tư duy. Hãy nhìn một võ sĩ quyền anh trong trận đấu, thỉnh thoảng vận động viên ấy vẫn dính đòn, gục ngã nhưng nếu ngã đúng cách thì sẽ đứng lên lại, không sao cả. Nếu võ sĩ ấy học được từ cú đấm ấy và đứng lên thì anh ấy sẽ không để bị đấm như thế lần nữa. 

Quan trọng là có giải pháp và chúng ta phải tự tìm cho mình điều ấy. Vấn đề này đặc biệt quan trọng trong kinh doanh. Một doanh nhân có thể thất bại, thậm chí phá sản nhưng nếu tránh sai lầm, họ sẽ làm tốt hơn. Thực tế cho thấy rất nhiều người thất bại ban đầu nhưng sau đó lại rất thành công.

TS Nguyễn Đình Uyên, kiều bào Mỹ, giới thiệu thiết bị bay không người lái gắn camera quang phổ, cảnh báo thiếu nước trong vườn nông nghiệp tại Công viên phần mềm Quang Trung, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

TS Nguyễn Đình Uyên, kiều bào Mỹ, giới thiệu thiết bị bay không người lái gắn camera quang phổ, cảnh báo thiếu nước trong vườn nông nghiệp tại Công viên phần mềm Quang Trung, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Nguyên phó thủ tướng Đức Philipp Rösler: Cảm xúc nguồn cội thôi thúc người Việt trở về - Ảnh 11.

Ông Hoàng Thế Bân, kiều bào Nhật, giám đốc Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt Nhật, hướng dẫn học viên công nghệ robot - Ảnh: TỰ TRUNG

* Đây có phải là điều ông vẫn dạy con mình?

- Hai con gái nhà tôi đã 14 tuổi và chúng cũng rất hào hứng với các công việc, dự án kinh doanh ở Việt Nam, dù lúc này còn hơi sớm để chia sẻ nhưng tư duy là nền tảng của mọi thứ. Chúng tôi cùng Don Lam (tổng giám đốc và cổ đông sáng lập VinaCapital) có một dự án khởi nghiệp dành cho những người trẻ có tinh thần doanh nhân. 

Người Việt đã có sẵn tố chất của một doanh nhân và trên hành trình đó quan trọng nhất là không bao giờ bỏ cuộc, hãy học hỏi từ thất bại và luôn biết cách đứng lên sau mỗi lần thất bại.

Tôi tin rằng làm việc chăm chỉ và hiệu suất cao không phải là mối đe dọa mà đó là cơ sở cho hạnh phúc, phồn vinh của chính bản thân, gia đình và đóng góp cho đất nước. Vì vậy, nếu chúng ta cùng làm việc chăm chỉ sẽ là điều tốt. Lịch sử của Việt Nam hàng ngàn năm qua cũng đã chứng minh chỉ có làm việc chăm chỉ thì mới thành công và chúng ta vẫn có thể làm việc chăm chỉ và hiệu quả theo cách của mình.

Bất ngờ với các start-up Việt

CEO Hồ Minh Đức nhận giải start-up đặc biệt của Tuổi Trẻ Start-up Award 2023 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

CEO Hồ Minh Đức nhận giải start-up đặc biệt của Tuổi Trẻ Start-up Award 2023 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tôi từng tham gia cuộc thi khởi nghiệp lần đầu tiên vào năm 2019 với quy mô nhỏ hơn và sau bốn năm, sự kiện đã lớn, với nhiều dự án đăng ký tham gia hơn.

Một cách nào đó, rất thú vị và bất ngờ là Việt Nam có rất nhiều công ty khởi nghiệp khi nền kinh tế Việt Nam thiên về sản xuất thực phẩm hay dệt may. Nhưng trên hết, tôi nhìn thấy có rất nhiều dự án tâm huyết về mô hình, ý tưởng sáng tạo, năng động và các dự án khởi nghiệp ở các bạn trẻ Việt Nam có sự kết hợp của hai yếu tố này.

Đây là tương lai của sự phát triển ở Việt Nam, cũng như trong buổi giao lưu tôi nhận được khá nhiều câu hỏi về tư duy kinh doanh, khởi nghiệp. Điều ngạc nhiên, thú vị không kém là các start-up Việt Nam ứng dụng công nghệ rất tốt, nhanh, nhiều dự án đưa AI (trí tuệ nhân tạo) vào giải quyết các vấn đề của mình, điều này ngay tại Đức thậm chí cũng còn rất mới với giới khởi nghiệp nước này.

Chuyên gia kinh tế Philipp Rösler: Chuyên gia kinh tế Philipp Rösler: 'Thị trường Việt Nam rất hấp dẫn'

Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nguyên phó thủ tướng Đức Philipp Rösler chia sẻ tại talkshow 'Cảm hứng khởi nghiệp' do Tuổi Trẻ tổ chức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên