Tại talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp 2023" do báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn ra sáng 26-4 tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM, chuyên gia kinh tế Philipp Rösler nhận định sẽ luôn có nhiều khủng hoảng diễn ra trong cuộc sống, công việc… điều quan trọng là luôn phải đứng lên, học được những bài học giá trị.
Ông Philipp Rösler: "Phải có tư duy độc đáo để cạnh tranh"
Dưới đây là một số câu hỏi hay mà người xem trực tiếp sự kiện đã đặt ra cho ông Rösler.
* Hiện tôi có sản phẩm muốn bán ra nước ngoài, chẳng hạn qua nước Mỹ. Tôi cần liên lạc với những tổ chức nào để có thể hiện thực hóa điều này?
- Trước đây tôi cũng có hỗ trợ khoảng 50 start-up ở Đức đem qua Thung lũng Silicon ở Mỹ thông qua một tổ chức ở Đức. Tôi và ông Don Lam (tổng giám đốc & cổ đông sáng lập VinaCapital) cũng đã giới thiệu nhiều start-up và đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam lẫn tổng lãnh sự Việt Nam tại thành phố San Francisco nói riêng và ở các nước nói chung.
Khi đến thị trường quốc tế, thách thức đầu tiên sẽ là ngôn ngữ, sau đó là phân tích thị trường phù hợp nhất (tiền tệ, hiệp định thương mại tự do…). Thị trường Mỹ đúng là rất lớn, nhiều cơ hội nhưng sự phù hợp với start-up của bạn còn phụ thuộc sự sâu sát của bạn.
* Làm sao để thế giới biết nhiều hơn về các câu chuyện khởi nghiệp thành công của Việt Nam?
- Đầu tiên chúng ta cần cảm ơn báo Tuổi Trẻ vì họ đang góp phần làm điều bạn muốn nhắn gửi. Báo Tuổi Trẻ đang đem thông điệp, câu chuyện khởi nghiệp đến bạn đọc khắp nơi. Thách thức duy nhất thì hiện khi nhắc về trung tâm khởi nghiệp, mọi người nghĩ đến Thung lũng Silicon ở Mỹ. Chính vì họ chưa biết đến, mình cần chủ động đến với họ, đem thương hiệu của mình cho họ biết.
Tôi nghĩ chúng ta có thể nhờ sự hỗ trợ của các tổng lãnh sự, sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Dĩ nhiên chúng ta cần có chất lượng và sự tự tin vào sản phẩm, start-up của mình. Hiện thị trường Việt Nam rất hấp dẫn, có dân số trẻ và thành thạo về công nghệ. Tôi tin với những "từ khóa" đó, các quốc gia khác rất quan tâm.
Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) cũng thường có những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, thương mại, kỹ thuật số… Đây là những điều rất gần với nhau.
Và nhiều quốc gia khác cũng có những hoạt động ý nghĩa tương tự để hỗ trợ start-up. Quan trọng không phải bạn đến từ đâu, mà quan trọng chất lượng của bạn như thế nào.
* Việc tiếp thu yếu tố văn hóa của đối tác quan trọng như thế nào bên cạnh chất lượng, đột phá ở start-up? Và năm sau liệu ông có thể mời một số start-up từ Đức đến chương trình để các start-up có cơ hội giao lưu?
- Hiện ở các quốc gia nói chung, ở Đức hay Việt Nam nói riêng đều có các hiệp hội, liên hiệp là nơi đứng ra tổ chức những sự kiện hỗ trợ những yếu tố liên quan đến kết nối văn hóa cho các tổ chức, cá nhân quan tâm.
Với câu hỏi thứ hai, tôi sẽ cố gắng hết mình để chúng ta có thể mời một số start-up ở Đức đến đây để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm, kết nối và giúp truyền thông về doanh nhân Việt Nam nói chung và giải thưởng nói riêng. Đây cũng là một ý tưởng rất hay.
* Làm sao để bảo vệ quyền sáng tạo của start-up trước các tập đoàn lớn khi họ sao chép rất tốt, lại rất quyền lực về tài chính? Lời khuyên của ông khi nhìn từ các quốc gia khác?
- Có nhiều tổ chức có thể hỗ trợ điều này. Bạn có thể nhờ sự hỗ trợ từ các tổ chức chính quyền. Nhưng nói thật lòng thì nếu bạn đã có một ý tưởng mới thì cứ liên tục phát triển, cải tiến sản phẩm thì các tổ chức khác cũng khó thể nắm bắt, copy y hệt.
* Làm cách nào để có tư duy đổi mới sáng tạo? Ông có thể chia sẻ góc nhìn cá nhân khi đối mặt thất bại?
- Tôi nghĩ tư duy đổi mới sáng tạo là từ khóa chúng ta nhắc đến rất nhiều trong xã hội hiện nay, và theo tôi để có điều này, sự cởi mở, sẵn sàng tiếp thu… là rất quan trọng. Ngoài ra đổi mới sáng tạo cũng cần quan tâm ý tưởng đó có thực tế không, và làm sao từ ý tưởng, mô hình kinh doanh này tạo ra mô hình độc đáo, cạnh tranh trên thị trường.
Còn về câu chuyện sợ hãi, thất bại, tôi cho rằng chúng ta không thích nỗi sợ hay thất bại, nhưng đó là dịp để cẩn trọng trong điều mình làm, thúc đẩy chúng ta mạnh mẽ, linh hoạt và tư duy sáng tạo hơn trong giải quyết vấn đề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận