09/04/2023 09:02 GMT+7

Sếp VinaCapital: Thị trường nhiều điểm nghẽn là cơ hội cho start-up

Nền kinh tế Việt Nam đang phát sinh nhiều "điểm nghẽn" trong tất cả các lĩnh vực, và điều này tạo cơ hội để các công ty start-up tham gia vào việc giải quyết những vấn đề tồn đọng.

Doanh nhân Don Lam, CEO VinaCapital: Đừng ngại cạnh tranh, quan trọng là phải tự tin về sản phẩm của mình - Video: TRƯƠNG KIÊN - DIỄM HƯỜNG - CÔNG TUẤN

Sếp VinaCapital: Thị trường nhiều điểm nghẽn là cơ hội cho start-up - Ảnh 1.

Ông Don Lam, tổng giám đốc và cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital: "Các start-up nên theo đuổi ước mơ và tự tin vào sự thành công với niềm đam mê của mình" - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Don Lam - tổng giám đốc và cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital - đã chia sẻ với Tuổi Trẻ về vấn đề này và đưa ra những khuyến nghị cho các start-up.

* Khó khăn khi khởi nghiệp là nhìn thị trường nào cũng thấy như bão hòa, chỗ nào cũng có người đã làm, thậm chí đã có sự góp mặt của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Start-up làm sao tìm lối đi cho mình trong bối cảnh chật hẹp như vậy?

- Ông Don Lam: Trên thị trường lúc nào cũng có sự cạnh tranh và ngành nào cũng đã có người hoạt động. Điều quan trọng với start-up là phải nghĩ xem lĩnh vực nào có thể cạnh tranh được, đừng theo đuổi lĩnh vực đang được cho là "hot" vào thời điểm đó. Ví dụ 6 - 7 năm trước, công nghệ về bất động sản (proptech) rất "hot", sau đó tới công nghệ tài chính (fintech) và mới nhất là trí tuệ nhân tạo (AI).

Các start-up phải tập trung vào sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, phải tạo ra sự khác biệt so với những cái đã có sẵn. Trước kia Nokia, Ericsson là những thương hiệu thống lĩnh thị trường điện thoại di động, nhưng Apple đã trở thành thương hiệu điện thoại thông minh thành công vượt trội nhờ dòng sản phẩm iPhone với công nghệ mới, giải pháp mới giúp mọi người sử dụng điện thoại dễ dàng hơn.

Không nên lo ngại sự bão hòa, đừng ngại sự cạnh tranh, mà nên tìm kiếm và tận dụng công nghệ để phục vụ và cải thiện các mảng/ngách đang bị nghẽn hoặc chưa thực sự hiệu quả. 

Phải tự tin sản phẩm của mình, làm sao sản phẩm của mình thật sáng tạo, để mang lại các trải nghiệm mới, tăng tính hiệu quả trong vận hành...

* Nhưng các lĩnh vực có tiềm năng để start-up đôi khi lại cần vốn quá lớn và quy trình quá bài bản, đặc biệt trong các lĩnh vực hấp dẫn người dùng. Vậy những tay chơi non trẻ có cơ hội nào để start-up trong lĩnh vực ấy?

Sếp VinaCapital: Thị trường nhiều điểm nghẽn là cơ hội cho start-up - Ảnh 2.

Doanh nhân Don Lam khuyên start-up phải có ban cố vấn, trong đó có người có kinh nghiệm về huy động vốn và điều hành công ty - Ảnh: QUANG ĐỊNH

 - Các start-up phải cần có cảm xúc và đam mê. Họ phải rất tự tin vào sản phẩm/dịch vụ tốt của mình, tin vào sự thành công và điều này sẽ thu hút các nhà đầu tư rót vốn cho họ phát triển. Tôi đã từng thấy rất nhiều start-up thành công nhờ đam mê mãnh liệt của họ. Vì vậy, các start-up nên theo đuổi ước mơ và tự tin vào sự thành công với niềm đam mê của mình.

* Nhưng không phải dễ để start-up có thể tiếp cận được và thể hiện được những điều đó với nhà đầu tư?

- Để tiếp cận và thể hiện với nhà đầu tư, có một số tiêu chí cần đạt được. Chẳng hạn như đầu tiên là phải có sản phẩm tốt, tiếp đến phải có được lượng khách hàng nhất định.

Và điều quan trọng nữa mà các start-up cần là nên có ban cố vấn, trong đó phải có 1 - 2 người kinh nghiệm về huy động vốn và điều hành công ty. 

Các bạn khởi nghiệp thường tập trung vào phát triển sản phẩm nhưng lại quên đi các hoạt động khác để tiếp cận các nhà đầu tư.

* Với start-up, muốn phát triển phải huy động vốn, mà để gọi vốn được thì phải có gì đó đã mới dễ thuyết phục nhà đầu tư. Ông có lời khuyên nào cho họ để thoát vòng luẩn quẩn đó?

- Sự chấp nhận của thị trường/khách hàng luôn là một trong những yếu tố chủ chốt trong việc rót tiền của các nhà đầu tư. Các start-up nên tập trung vào hoàn thiện toàn bộ hoặc một phần sản phẩm/dịch vụ có thể đem lại lợi ích thực tế cho khách hàng/thị trường để nhận được sự chấp thuận của họ, đồng thời cải thiện việc quản lý chi phí/tài chính một cách tốt nhất nhằm tránh được việc thiếu hụt nguồn vốn trước khi nhận được vốn bên ngoài.

Tại VinaCapital Ventures, chúng tôi đã đầu tư vào một nền tảng công nghệ bảo hiểm (insurtech). Công ty này trước khi nhận được vốn đầu tư bên ngoài đã chứng minh được sự chấp thuận của khách hàng/thị trường bằng việc cung cấp nền tảng cho một chuỗi bán lẻ điện tử lớn nhất Việt Nam, và đã giúp khách hàng này tăng trưởng gần 20 lần doanh số bán bảo hiểm.

* Tiêu chí để VinaCapital rót vốn vào start-up cụ thể ra sao?

Sếp VinaCapital: Thị trường nhiều điểm nghẽn là cơ hội cho start-up - Ảnh 4.

Ông Don Lam: Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục ứng dụng công nghệ phát triển khởi nghiệp trong tất cả các lĩnh vực hình thành nền kinh tế số - Ảnh: QUANG ĐỊNH

 - VinaCapital Ventures là bộ phận đầu tư mạo hiểm thuộc Tập đoàn VinaCapital đã và đang đầu tư vào các start-up công nghệ từ giai đoạn sơ khai cho đến mở rộng phát triển, đặc biệt ở vòng gọi vốn - giai đoạn doanh nghiệp chuẩn bị tăng tốc cho sự tăng trưởng. 

Chúng tôi đánh giá cao chất lượng hơn là số lượng, nên chỉ đầu tư vào các cơ hội có tiềm năng tăng trưởng lớn và nhắm đến các doanh nghiệp gọi vốn ở mức từ 1 - 5 triệu USD, ưu tiên dành thêm vốn cho giai đoạn tăng trưởng trong các giai đoạn sau.

Bên cạnh đó, chúng tôi luôn tìm kiếm và mong muốn có sự hợp tác bền vững với những công ty khởi nghiệp giải quyết được những điểm nghẽn còn đang tồn đọng, và đóng góp vào sự phát triển hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc gia, mang lại thêm nhiều giá trị và phúc lợi xã hội trong bối cảnh nền kinh tế số mới đang tăng trưởng rất nhanh.

* Gần đây, VinaCapital chủ yếu đầu tư cho các nền tảng công nghệ liên quan tới mảng quen thuộc là bất động sản, tài chính. Vậy các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, phát triển bền vững hay cộng đồng theo VinaCapital là có tiềm năng ở Việt Nam hay không?

- Việt Nam là thị trường với nền kinh tế đang trên đà phát triển nhanh, từ đó cũng phát sinh nhiều "điểm nghẽn" trong tất cả các lĩnh vực, như logistics, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, bán lẻ... Và điều này tạo cơ hội để các start-up công nghệ tham gia vào việc giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Nhờ đó, cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh và có thể đóng góp vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.

So với khu vực, Việt Nam với dân số lên đến 100 triệu dân, lực lượng lao động trẻ có trình độ học vấn, tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự tăng trưởng về thu nhập bình quân trên đầu người, độ phủ Internet và tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao là những điều kiện thuận lợi để tiếp tục ứng dụng công nghệ phát triển khởi nghiệp trong tất cả các lĩnh vực hình thành nền kinh tế số.

Gần 1.000 start-up tham gia Tuổi Trẻ Start-Up Award

Qua 4 mùa, Tuổi Trẻ Start-Up Award đã nhận được gần 1.000 start-up từ các kênh gởi về. Qua các vòng: sơ loại từ khâu nhận hồ sơ, vòng thẩm định và đi thực tế của phóng viên, vòng sơ kết của ban tổ chức, đã có hơn 200 start-up lọt vào vòng chung kết.

Ngoài việc được trao hỗ trợ và được vinh danh trong gala, các start-up khi được đăng trên mặt báo cũng cho biết đã nhận được rất nhiều kết nối từ đối tác, khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư...

Năm nay, sẽ có khoảng 25-30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 3 đến tháng 5-2023. Ban tổ chức sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị, như: VinaCapital, FE Credit, No.1, Thái Bình Group, IDICo, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức..., trong đó tiếp tục có 1 suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.

Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: tuoitrestartupaward@tuoitre.com.vn.

MINH HUỲNH
Sếp VinaCapital: Thị trường nhiều điểm nghẽn là cơ hội cho start-up - Ảnh 6.

'Đừng nghĩ khởi nghiệp quá lớn lao, hãy bắt đầu với những điều nhỏ bé'

Trưởng ban tổ chức Tuổi Trẻ Start-Up Award Trần Xuân Toàn - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho rằng các bạn trẻ đừng nghĩ phải khởi nghiệp với những vấn đề lớn lao, mà hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé gắn với đời sống ngay trước mắt chúng ta.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên