Bão tuyết gây thiệt hại nặng ở bang New York, lũ lụt ở San Francisco, mưa bất thường ở Garden Grove..., nhưng nước Mỹ bước sang năm mới 2023 trong thời tiết tốt hơn hẳn hồi Giáng sinh. Cộng đồng người Việt ở Mỹ đón năm mới và Tết cổ truyền sắp tới với nhiều hy vọng tươi sáng.
Chị Phương Thu Thủy, tác giả sách du ký Bước chân theo dấu Mặt trời, vừa đón mừng năm mới 2023 tại TP Detroit (bang Michigan) cùng một gia đình người gốc Việt ở đây trong không khí ấm áp và thời tiết dễ chịu hơn hẳn so với một tuần liền kẹt vì bão tuyết ở vùng Grand Rapids cũng thuộc bang Michigan trước đó.
Tuyết tan đi, lòng ấm lại
"Ở nhà nhiều ngày liền tránh bão tuyết là trải nghiệm nhớ đời mà tôi lần đầu trải qua. Nhìn ra ngoài khung cửa tuyết rơi dày đặc, các hàng cây trụi lá trơ trọi mùa đông, các mái nhà phủ lên một màu trắng toát, tôi cảm thấy một sự lạnh lẽo bao trùm. Lòng cũng âu lo cho những ai lỡ đang ở ngoài đường kẹt trong cơn bão tuyết nguy hiểm", chị Thu Thủy tâm sự.
Nhưng Thu Thủy cũng cho biết chị thật sự hạnh phúc khi đón năm mới 2023 trong ngôi nhà ấm áp sắc màu của một gia đình người Việt ở khu Farmington Hills (TP Detroit). Chị nói: "Nhìn các ánh đèn trang trí nhấp nháy, ngọn lửa bập bùng trong lò sưởi, tôi lại thấy rất bình an và đầy niềm tin cho một năm mới trước mắt. Cũng nhờ tuyết tan, nhiệt độ ấm lên mà chúng tôi thoải mái đi ăn món phở Việt để kỷ niệm ngày đầu năm 1-1. Cuối tháng tôi sẽ về lại Việt Nam đúng ngày 30 Tết để đón Tết trên quê hương".
Tại những ngôi nhà ở Garden Grove hay Huntington Beach (bang California), vùng tập trung khoảng 50.000 người gốc Việt định cư sinh sống, nhiều người bước sang năm mới đầy vui vẻ bằng những buổi tiệc tụ họp gia đình, người thân, bạn bè.
Bích Du, một người dẫn chương trình và thành viên nhóm hát Lọ Lem ở Việt Nam sang Mỹ lập gia đình từ hơn 15 năm qua, cho biết năm nay tình hình kinh tế nước sở tại có nhiều khó khăn hơn trước, có những công việc bấp bênh như kinh doanh buôn bán, bất động sản, đồng thời cũng có ngành nghề vẫn phát triển thuận lợi.
"Thời gian qua vật giá leo thang, mọi người có xu hướng tiết kiệm chi tiêu hơn trước. Nhưng vào thời điểm năm mới thì ai nấy vẫn gác lại mọi lo toan và buồn vui năm cũ để gặp gỡ bạn bè trong những buổi tiệc thân mật cùng hào hứng đón chào năm mới", Du vui vẻ nói.
Trong các buổi tiệc mừng năm mới ở California của người Việt, cánh phụ nữ thì hát karaoke, nhóm đàn ông thì xem bóng đá kiểu Mỹ trực tiếp qua truyền hình. Những món ăn trong tiệc như bún bò Huế, chả giò, gỏi cuốn... lại là những từ tiếng Việt được nói nhiều nhất trong cuộc họp mặt.
Giây phút bước sang năm mới (countdown) gây ấn tượng mạnh cho tất cả mọi người hiện diện vì những cái ôm, nụ cười và lời chúc "Happy New Year" cho dù họ xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau trên đất Mỹ như luật sư, giảng viên, chuyên viên tài chính, buôn bán, nghệ sĩ...
Bích Du nói lời chúc mà các bạn bè của mình ưa thích chính là: "Năm 2023 sẽ vượt qua mọi khó khăn và tươi sáng hơn!".
Chuẩn bị Tết cổ truyền
Chị Thảo Nguyễn, chủ tiệm tạp hóa 7Bolsa và quán Chợ Đông Ba Cali ở TP Westminster, cho biết dịp đầu năm mới hai tiệm của chị chỉ nghỉ duy nhất ngày chủ nhật 1-1 và mở cửa trở lại từ ngày 2-1 để đón đầu mùa kinh doanh phục vụ nhu cầu mua sắm của cộng đồng người Việt cho Tết Nguyên đán sắp tới.
"Càng gần Tết thì các mặt hàng thực phẩm bán rất nhiều vì đây là mùa cao điểm người Việt mua thực phẩm đặc sản truyền thống để đón Tết nơi xứ người một cách đủ đầy hương vị quê nhà nhất có thể. Chúng tôi đã chuẩn bị làm các món Tết như nem, chả, tré, bánh chưng, bánh tét, dưa món, củ kiệu, mứt gừng... đồng thời đang nhập nhiều thực phẩm khô, mứt món từ quê nhà cho Tết Quý Mão", chị Thảo Nguyễn cho biết.
Tại tiệm tạp hóa và quán ăn của chị Thảo, những mặt hàng thú vị như trà gạo sen, gừng sả mật ong, mứt hạt sen, kẹo dừa, hạt dưa, bánh đậu xanh... đã có sẵn. Đặc biệt, tại đây còn bày bán áo bà ba, nón lá, guốc gỗ và nhiều vật dụng trang trí Tết. Nhiều loại áo dài lụa thêu hoa mang từ Huế sang rất đẹp, có giá từ 40 - 125 USD/áo dành cho phụ nữ gốc Việt mặc đón Tết ở Mỹ.
"Sang Mỹ hơn chín năm, tôi luôn cảm nhận tình cảm của người Việt xa xứ luôn hướng về quê hương trong dịp Tết và duy trì phong tục tập quán này như một hình thức gìn giữ cội nguồn", chị Thảo trải lòng.
Ông Kiên Phan, định cư ở bang New Mexico miền sa mạc phía nam nước Mỹ gần 30 năm qua, cho biết từ lúc về hưu đã chuẩn bị kế hoạch sống "ung dung tự tại" giản dị, ổn định nơi miền quê thanh bình cùng bà xã, ít chịu ảnh hưởng bởi thăng trầm của nền kinh tế nói chung.
"Vợ chồng tôi vừa có chuyến về thăm quê hương Việt Nam dài năm tuần, đi qua nhiều địa phương từ Đà Lạt đến Mỹ Tho, Cần Thơ, Bạc Liêu... như một sự bù đắp nỗi nhớ nhà vì khu vực chúng tôi ở Mỹ rất ít người Việt sinh sống, không có không khí Tết gì cả đâu. Tết và quê hương chỉ luôn luôn ở trong lòng người xa xứ", ông Kiên Phan tâm sự.
Về nhà mới đón Tết
Chị Emmy Nguyễn, sang định cư ở TP St. Louis bên dòng sông Mississippi miền trung nước Mỹ, cho biết chị và gia đình đón năm mới 2023 trong niềm vui tại căn nhà mới. Làm chuyên viên bất động sản, chị cho biết: "Mấy tháng qua lãi suất cao gấp đôi so với trước, lên đến 6 - 7% nên áp lực cho người tìm kiếm tổ ấm an cư lạc nghiệp ở Mỹ. Chưa kể số nhà trên thị trường để người mua lựa chọn vẫn không nhiều".
Nhưng chị Emmy cũng không quá lo lắng trong ngành nghề của mình vì theo quy luật, đến mùa xuân và hè sắp tới thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn. Một khách hàng của chị vừa được nhận nhà đón năm mới sau 12 tháng xây dựng. Nhìn gia chủ hạnh phúc trong ngôi nhà mới khang trang, chị Emmy cũng vui lây và mong mỏi trong năm mới "lạm phát được kiểm soát để lãi suất giảm xuống cho người mua nhà".
Áo ấm cho em
Ngày đầu năm 2023, hơn 200 chiếc áo ấm từ California đã về đến TP Huế để trao tặng cho trẻ em nghèo từ 2 đến 16 tuổi ở các tỉnh miền Trung mặc Tết ấm áp. Đây là đợt đầu tiên của chương trình "Áo ấm cho em" mà nhiều người Việt ở California tổ chức quyên góp.
Chị Thảo Nguyễn cho biết từ năm 2020, mọi người đã quyên góp cả ngàn loại áo ấm/áo phao/áo gió chống thấm nước mang về Việt Nam tặng cho các mái ấm, trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, các trường học vùng sâu vùng xa. "Chương trình sẽ thực hiện mỗi năm và sẽ mở rộng xin áo ấm cho người lớn. Chúng tôi hy vọng từ nay đến Tết Quý Mão sẽ mang về Việt Nam tổng cộng khoảng 1.000 áo ấm", chị Thảo Nguyễn cho hay. Kiều bào có thể mang áo ấm tới quán Chợ Đông Ba Cali ở Westminster của chị để đóng góp vào chương trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận