21/12/2017 14:55 GMT+7

Người Việt dễ bị kích động nên dễ... manh động!

NGUYỄN VĂN CÔNG
NGUYỄN VĂN CÔNG

TTO - Bỏ qua những nguyên nhân sinh học, những rối loạn về sức khỏe tâm thần, người Việt thường hay bị kích động bởi hàng loạt những nguyên nhân tâm lý - xã hội. Hậu quả là vô cùng nguy hiểm cho những người xung quanh.

Người Việt dễ bị kích động nên dễ... manh động! - Ảnh 1.
Nhiều người Việt giành cái lợi về mình, không nghĩ đến ai! Nhiều người Việt giành cái lợi về mình, không nghĩ đến ai!

TTO - Xung quanh việc gây ra tiếng ồn "hành hạ" người khác, một số người nước ngoài sống ở VN nhận định rằng: "Nhiều người Việt chỉ làm những gì mình thích, giành cái lợi về mình mà không hề nghĩ ảnh hưởng đối với cộng đồng”.

1. Va chạm nhỏ thành mâu thuẫn lớn: Thói quen không chịu nhường nhịn đã trở thành tính nết của một bộ phận người Việt. Cộng với tâm lý thích nghiêm trọng hóa vấn đề nên đã đẩy xa những chuyện tưởng chừng rất nhỏ nhặt. 

Một bộ phận người Việt hay bị kích động bởi những tác nhân bên ngoài. Chỉ cần họ cảm thấy bất bình, giận dữ, bí bách trước những sự việc, lời nói, thái độ của người khác mà bản thân không vừa ý sẽ dẫn đến tâm lý bị kích động, họ sẵn sàng thách thức và hành động liều lĩnh”

Nguyễn Văn Công

Đặc biệt, khi xảy ra các vụ vi phạm giao thông thì phần lớn mỗi bên đều đưa ra lý lẽ để bảo vệ mình là đúng. 

Từ chuyện cự cãi đến thượng cẳng chân, hạ cẳng tay là chuyện thường tình xảy ra mỗi ngày trên giao lộ. Thậm chí có người còn thủ sẵn hung khí để "tiện" khi có chuyện. 

Có rất nhiều câu chuyện bạo lực xảy ra liên quan đến va chạm giao thông, nhưng hiếm khi thấy được sự nhường nhịn của ai đó. 

Tôi rất ấn tượng với nhân vật là chủ chiếc xế hộp trong bài viết “Chiếc ba gác húc vào xe hơi bạc tỉ và cái kết bất ngờ trên Tuổi Trẻ Online. 

Đó là cách cư xử đầy tình người của người chủ chiếc xe hơi và cũng là thể hiện sự tử tế với người lái xe ba gác. Nếu như ai cũng nghĩ được như vậy và bớt chút hung hãn thì chắc chắn mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn khi xảy ra các va chạm thông thường trong cuộc sống.

2. Bị ám thị bởi người khác: Một bộ phận người Việt hay bị kích động bởi những tác nhân bên ngoài, chỉ cần họ cảm thấy bất bình, giận dữ, bí bách trước những sự việc, lời nói, thái độ của người khác mà bản thân không vừa ý sẽ dẫn đến tâm lý bị kích động, họ sẵn sàng thách thức và hành động liều lĩnh. 

Đáng lẽ ra trong trường hợp đó họ giữ hòa khí một chút, lùi sau một chút, chịu nhường nhịn một chút thì làm gì có chuyện xảy ra. Song, không ít người Việt cố chấp, sợ thua thiệt nên họ không giữ được bình tĩnh và phản ứng một cách gay gắt. 

Kể cả không ít trường hợp a dua, bắt chước, cổ xúy theo nhóm bạn do sự lây lan tâm lý. Cùng bạn đi đánh hội đồng một người mà chẳng liên quan gì đến mình, động cơ hành động là do tức tối vì muốn bảo vệ bạn mà không chịu tìm hiểu rõ ràng xem nguyên nhân thế nào, hậu quả sẽ ra sao. 

Tâm lý ra tay chỉ vì muốn ra tay do bị kích động sẽ còn là nỗi ám ảnh của rất nhiều người.

3. Quá duy tình dẫn đến bị kích động: Có nhiều câu chuyện nói về tính xấu này của một bộ phận người Việt, vì quá duy tình mà không phân biệt đúng sai, phải trái. 

Tôi chứng kiến cảnh một bà mẹ khi thấy con mình khóc lóc trong lúc chơi với các bạn hàng xóm thì người mẹ nọ không thèm tìm hiểu nguyên nhân và liền tát tai đứa nhỏ chơi cùng, tùy tiện quát mắng rằng tại sao lại đánh con chị, con chị có tội gì mà không cho chơi cùng… Khi vỡ lẽ thì mới biết rằng cháu bị té lúc chơi đùa với bạn chứ đâu có bị ai đánh. 

Ấy vậy mà chị kia cũng chẳng thèm xin lỗi đứa nhỏ hàng xóm, lôi con về và mắng bâng quơ là từ nay không được chơi với đứa nhỏ kia nữa. Có phải chăng, chính sự duy tình quá tùy tiện mà họ lại quên lý lẽ rồi dẫn đến tâm lý kích động để bảo vệ cho quyền lợi bản thân.

 4. Tâm lý thích thể hiện: Một số người dễ bị kích động khi có những tác nhân bên ngoài tác động, mà nhất là họ muốn được thể hiện trước mọi người xung quanh. Họ không làm chủ được cảm xúc và dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực cho người khác như để muốn thể hiện mình trước đám đông. 

Câu chuyện nam thanh niên bị đánh hội đồng gục giữa đường, phải nhập viện cấp cứu vì cầm một cọc tiền đứng giữa đường lớn tiếng dọa sẽ ném chết người dân, mua hết công an.

Rõ ràng, động cơ của thanh niên này là muốn thể hiện trước nhóm bạn hoặc muốn thể hiện trước quần chúng… Hậu quả là không lượng được sức mình và bị dân chúng đánh hội đồng đến mức phải nhập viện.           

Dễ bị kích động sẽ còn là nguyên nhân gây ra bao hậu quả khôn lường và để lại ấn tượng xấu về tính cách người Việt trong mắt nhiều người trong và ngoài nước.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ gì về điều này? Theo bạn, ngoài những nguyên nhân trên người Việt còn tính xấu nào khác? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên