29/10/2014 12:25 GMT+7

Người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Công nhân nhập viện vì ngộ độc, hàng hóa kém chất lượng phải thu hồi và hành vi gây thiệt hại cho người tiêu dùng đang diễn ra hằng ngày...

Nhiều vụ ngộ độc vì sản phẩm của các nhà cung cấp nhưng không thể khởi kiện buộc doanh nghiệp bồi thường vì chính sách chưa rõ ràng. Trong ảnh: sau bữa ăn tối ngày 27-10, 40 công nhân Công ty may mặc Quanon (100% vốn Hàn Quốc) đã bị đau bụng, nôn ói, đau đầu... phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện huyện Nhà Bè - Ảnh: Hải Hiếu

Trong khi đó, theo kết quả đánh giá ba năm thực hiện Luật bảo vệ người tiêu dùng, không một vụ nào có thể khởi kiện vì... thiếu tiền.

Đó là nội dung chính tại hội thảo Nhìn lại ba năm thực hiện Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, do Cục Quản lý cạnh tranh và Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng VN (Vinastas) tổ chức ngày 28-10.

Khó khởi kiện vì thiếu kinh phí

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch Vinastas, cho biết quy định về bảo vệ người tiêu dùng hiện nay cho phép các hội bảo vệ người tiêu dùng được đại diện người tiêu dùng khởi kiện, hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích cộng đồng.

Tuy nhiên, sau ba năm Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, thực tế hội chưa thể khởi kiện được vụ nào.

Lý do: hội không có nguồn kinh phí nào, trong khi nghị định 99/2011 của Chính phủ nêu các tổ chức xã hội tự khởi kiện, nếu thua kiện thì... phải tự trả án phí, thậm chí bồi thường.

Trong khi nếu thắng kiện, Bộ luật tố tụng dân sự lại chưa hướng dẫn nên khi có tiền bồi thường, hội đứng ra kiện cũng không biết tiền sẽ về đâu.

Nêu cụ thể trường hợp không thể khởi kiện được như vụ 235 người ngộ độc phải nhập viện do sử dụng bánh mì của hai cơ sở sản xuất ở thành phố Bến Tre vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu thêm: muốn kiện cũng không được do nhiều bất cập, trong đó có quy định hội muốn kiện có phạm vi hoạt động từ cấp tỉnh trở lên...

Ngoài ra còn có điều kiện tổ chức xã hội muốn tự mình khởi kiện phải có thời gian hoạt động tối thiểu ba năm...

Ông Cao Xuân Quảng, trưởng phòng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Cục Quản lý cạnh tranh, cũng công nhận hiện có khoảng 80% khiếu nại của người tiêu dùng được thực hiện qua hòa giải, còn các giải pháp khác được quy định là qua tòa án, trọng tài kinh tế “gần như không thực hiện được”.

Nên có đường dây nóng

Từ thực tế không thể khởi kiện để răn đe, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã đề nghị Nhà nước cần có cơ chế cho phép khi hội khởi kiện doanh nghiệp vi phạm, nếu thắng kiện thì số tiền bồi thường không thể xác định được đối tượng sẽ sung vào quỹ bảo vệ người tiêu dùng.

Ông Phạm Thành Long, Sở Công thương Hà Nội, nêu thực tế việc giải quyết khiếu nại của nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh còn né tránh, trì hoãn... gây thiệt hại cả về kinh tế và thời gian cho người tiêu dùng.

Ông Long chỉ rõ do việc thanh tra, xử lý những hành vi vi phạm của các cơ quan nhà nước chưa nghiêm, chưa nhiều, thường người dân đã thiệt hại mới vào cuộc. Vì vậy, cần tăng cường giám sát, xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm.

Ông Cao Xuân Quảng công nhận hiện xã hội chưa đầu tư đủ sự ủng hộ để các tổ chức xã hội hoạt động hiệu quả trong bảo vệ người tiêu dùng. Về quản lý nhà nước, ông Quảng nêu mảng bảo vệ người tiêu dùng ở trung ương giao Cục Quản lý cạnh tranh, nhưng ở địa phương lại chưa thống nhất giao phòng nào của Sở Công thương, có nơi giao phòng quản lý thương mại, có nơi giao cho... quản lý thị trường.

Ông Quảng kiến nghị các địa phương phải lập bộ phận chuyên trách về bảo vệ người tiêu dùng, xây dựng đường dây nóng tiếp nhận khiếu nại... Ngoài ra, với trách nhiệm quản lý nhà nước, ông Quảng nêu sẽ đề xuất sửa đổi nghị định 99/2011 hướng dẫn thực hiện Luật bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.

Số vụ vi phạm ngày càng tăng

Theo số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh, chỉ riêng tám tháng đầu năm 2014 số vụ khiếu nại gửi đến cục lên tới 790, gấp ba lần so với cả năm 2013. Thế nhưng nếu tính cả những vụ việc vi phạm liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng đã được các lực lượng như quản lý thị trường xử lý, mỗi năm trên cả nước lên tới hàng chục ngàn, như năm 2013 có tới 90.279 vụ... 

Số vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng VN đang ngày càng tăng, với những mặt hàng có giá trị ngày càng cao. Nếu trước đây chủ yếu là các mặt hàng giá trị thấp thì nay có cả các sản phẩm rất đa dạng như: ôtô, xe máy, thực phẩm chức năng, bán hàng đa cấp, bán hàng qua mạng, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, y tế, du lịch, thậm chí cả chung cư cao cấp...

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên