Người tiêu dùng mãi tự chịu trách nhiệm vì mua phải sữa giả, thuốc giả?

Sau vụ gần 600 loại sữa giả bị phát hiện, dư luận lại bức xúc với chuyện thuốc giả bị cơ quan chức năng phát hiện. Bao giờ người dân không còn phải thấp thỏm, lo lắng?

Người tiêu dùng mãi tự chịu trách nhiệm vì mua phải sữa giả, thuốc giả? - Ảnh 1.

Các hộp sữa bột giả bị công an phát hiện - Ảnh: VTV

Vụ một số người nổi tiếng sản xuất, quảng bá thực phẩm chức năng giả chưa nguôi thì người dân lại bức xúc với vụ việc hơn 600 loại sữa giả bị phát hiện, rồi ngay sau đó là một lượng lớn thuốc giả bị cơ quan chức năng bắt được. 

Người nổi tiếng có "ngây thơ"?

Người tiêu dùng càng hoang mang hơn khi những sản phẩm này đã được bán trên thị trường trong thời gian không phải là ngắn. Vậy mà vì lý do nào đó, đến nay mới bị phanh phui.

Ngay khi danh sách các sản phẩm sữa giả, thuốc giả được các cơ quan truyền thông đăng tải, mẹ tôi, người thường xuyên dùng sữa bổ sung dinh dưỡng, thuốc xương khớp đã dò rất kỹ, rồi lại nhờ con cái dò kỹ lần nữa tên các sản phẩm này.

"Tại thường thấy người ta quảng cáo trên mạng, thấy tên quen quen", mẹ tôi nói.

Chúng tôi thường tìm hiểu rất kỹ các sản phẩm trước khi mua cho mẹ. 

Phần vì không tin lắm vào những lời quảng cáo "có cánh", như rót mật vào tai của một số KOL, KOC, nghệ sĩ.

Phần vì có thể tự tìm hiểu được thông tin qua mạng, qua người quen có kiến thức chuyên môn, bởi sản phẩm tiêu dùng trực tiếp, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là sức khỏe người lớn tuổi, càng phải cẩn trọng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng như vậy. 

Với chiến thuật bài bản, các tay gian thương đã liên tục tung nhiều chiêu, đánh vào tâm lý người tiêu dùng, khiến họ tin rằng sản phẩm đang được nghệ sĩ, KOC, KOL quảng bá là sản phẩm tốt, chí ít cũng là sản phẩm có uy tín. 

Công thức quen thuộc bao giờ cũng là đã dùng thử, có giấy kiểm định chất lượng từ một cơ quan nào đó, giá hời, có khuyến mãi. 

Một người quảng bá thì có lẽ không hiệu quả, nhưng hai người, rồi năm người, 10 người đều chung một thông điệp, cộng thêm một số nhân vật mặc áo blouse trắng xuất hiện nữa là độ uy tín tăng lên gấp bội lần. 

Những người lớn tuổi, những người dễ chốt đơn vì tin tưởng "thần tượng", và cả người nhà bệnh nhân vì nôn nóng muốn mua sản phẩm tốt với giá phải chăng là những nhóm khách hàng mà gian thương thường nhắm đến, dễ trục lợi và cũng dễ dẫn dắt.

Khi sự việc vỡ lỡ, điều khiến người tiêu dùng thấy khó hiểu là các nghệ sĩ, KOL, KOC hoặc là im lặng chờ cho "con sóng" qua đi.

Hoặc sẽ ngay lập tức lên tiếng nhưng lại viện lý do không biết, không nắm hết thông tin, thậm chí cho rằng bị đã bị lợi dụng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm kém chất lượng. 

Họ đều là những người có hiểu biết, có kinh nghiệm, trải nghiệm trong cuộc sống. 

Chưa kể là với thời đại bây giờ, việc tìm kiếm thông tin sản phẩm, xem xét từ nhiều góc độ đâu phải là quá khó, cộng thêm mạng lưới quan hệ xã hội rộng khắp, lẽ nào chỉ đơn thuần dựa vào kịch bản do nhãn hàng đưa ra rồi nói theo, xong rồi có vấn đề thì bảo là không biết? 

Không lẽ lại có những người ngây thơ đến vậy? 

Trách nhiệm thuộc về ai?

Khi tôi đem vấn đề này đi hỏi một vài người bạn làm trong ngành quảng cáo, truyền thông, họ cho biết không nhiều người nổi tiếng quan tâm đến nguồn gốc hay công dụng thật của sản phẩm. 

Họ chỉ quan tâm nhiều hơn đến việc họ sẽ nói gì, dùng hình ảnh họ trong bao lâu, và giá trị hợp đồng. 

Điều này lẽ nào lý giải cho việc con số trên hợp đồng quan trọng hơn thông tin về sản phẩm?

Hay họ buộc phải chối trách nhiệm, xin lỗi chứ không thật lòng xin chừa, để "sóng yên biển lặng" rồi lại tái xuất quảng cáo xin mời bà con mua sản phẩm tiếp?

Càng khó hiểu, hoang mang hơn khi các sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng đã trôi nổi trên thị trường suốt mấy năm, len lỏi cả vào trong bệnh viện.

Nhưng đến khi cả đường dây bị phanh phui thì một số đơn vị có liên quan mới ngã ngửa, vội vàng đi kiểm tra, rồi quả bóng lại được chuyền qua chuyền lại. 

Việc bán sản phẩm đâu phải chỉ qua một hai bước là xong, chưa kể là quảng cáo, bán hàng rầm rộ, thậm chí có phần "lố", thổi phồng công dụng sản phẩm suốt thời gian dài mà các cơ quan chức năng lẽ nào không hay biết?

Việc sản xuất, bán hàng giả, nhất là các sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người, đặc biệt là người lớn tuổi, phụ nữ có thai, không chỉ vi phạm pháp luật, mà đó là hành vi mất nhân tính khi kiếm lợi nhuận trên sức khỏe người khác, bất chấp hậu quả mang lại cho người dùng. 

Việc hậu kiểm lơ là lại thêm phần tiếp tay của một số người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng thật sự, khiến niềm tin của người tiêu dùng gần như sụp đổ. 

Trách nhiệm rốt cuộc thuộc về ai khi người nọ đổ người kia, ai cũng có lý do biện minh cho rằng mình thiếu hiểu biết? 

Không lẽ người tiêu dùng mãi mãi phải chịu trách nhiệm vì họ đã lỡ xuống tiền mua phải sản phẩm giả, sản phẩm kém chất lượng hay sao?

Lẽ nào người tiêu dùng mãi tự chịu trách nhiệm vì mua phải sữa giả, thuốc giả? - Ảnh 3.Bà nội trợ lo lắng sau vụ công an bắt 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất

Sau vụ việc công an lập chuyên án, bắt các cơ sở sản xuất 3.500 tấn giá đỗ ngâm ủ hóa chất bán ra thị trường, nhiều bà nội trợ ở Nghệ An bày tỏ lo lắng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên