600 loại sữa giả, bộ nói không phải đối tượng quản lý và đã giao địa phương, vậy trách nhiệm của ai?

Liên quan đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả đưa ra thị trường, Bộ Công Thương nói 'không thuộc đối tượng quản lý', còn Bộ Y tế cho rằng 'đã giao phần lớn về địa phương quản lý'. Bạn đọc hỏi cuối cùng trách nhiệm thuộc về ai?

600 loại sữa giả, bộ nói không phải đối tượng quản lý và đã giao địa phương, vậy trách nhiệm của ai? - Ảnh 1.

Cơ quan quản lý thị trường kiểm tra việc kinh doanh sữa - Ảnh: TTO

Rất nhiều câu hỏi của bạn đọc đã đặt ra trong những ngày qua: trách nhiệm quản lý, kiểm soát gần 600 loại sữa giả thuộc về ai?

Bao nhiêu người đã dùng sữa giả?

Sau khi Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả đã đưa ra thị trường suốt 4 năm, nhiều người dân bày tỏ hoang mang vì không biết rằng đã bao nhiêu người dùng những loại sữa này. 

Đáng nói, những loại sữa giả có cả sữa dành cho trẻ sinh non, thiếu cân, người bệnh đái tháo đường...

Nhiều bạn đọc bày tỏ bức xúc, không tin đây là chuyện có thật, vì sao các sản phẩm giả hoành hành suốt bốn năm mà không đơn vị nào quản lý?

Một bạn đọc bày tỏ: "Sữa là sản phẩm thiết yếu liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ mà cũng làm giả được, thật vô nhân đạo".

Sau khi triệt phá vụ án, đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa cung cấp đầy đủ gần 600 loại sữa đã bị làm giả. 

Điều này cũng khiến bạn đọc lo lắng, không biết để phòng tránh. Bạn đọc Thành viết: "Bây giờ điều quan trọng nhất nhưng không nghe ai nói tới là 600 loại sữa giả là những loại nào? 

Nhà tôi có người già đang uống sữa hằng ngày, giờ muốn biết có mua phải sữa giả không mà không biết tìm thông tin ở đâu.

Việc xử lý những người vi phạm đã có cơ quan chức năng lo, nhưng việc bảo vệ người tiêu dùng, ở mức cơ bản và đơn giản nhất là công bố tên sữa giả thì chưa thấy đâu".

Bạn đọc Quốc Long đặt vấn đề: "Ai tiếp tay? Phải có người tiếp tay mới làm được điều đó. Như vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Đừng để như quả bóng đá qua đá lại rồi dân lãnh đủ".

Bạn đọc Hoàng Hùng cho rằng theo cơ quan chức năng, nghi phạm lợi dụng quy định trong quản lý về sản xuất kinh doanh thực phẩm cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm; tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm. 

Song việc này không chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, cấp phép trước khi lưu hành.

"Như vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý là chỉ ký cấp phép, còn doanh nghiệp làm thế nào là do họ và trách nhiệm chỉ thuộc về doanh nghiệp thôi sao?" - bạn đọc Hoàng Hùng đặt câu hỏi.

Một bạn đọc khác nhấn mạnh: "Rõ ràng việc cho doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn, nhưng không phải chịu sự quản lý của cơ quan chức năng chính là nguồn cơn của mọi tai họa này".

Còn tài khoản Cậu 3 Miền Tây đề xuất: "Ngoài hình phạt dành cho các tổ chức, cá nhân vi phạm thì việc cấp bách cần làm ngay là tạo ra cơ chế để người tiêu dùng có thể tố giác hàng gian, hàng giả một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Gần đây, việc một cá nhân tự bỏ ra chi phí kiểm nghiệm kẹo Kera để tìm ra sự thật cho thấy cơ quan chức năng đã chậm trễ xử lý các sản phẩm giả như thế nào. 

Nếu có chính sách hoàn tiền, khen thưởng cho tổ chức, cá nhân phát hiện hàng gian, hàng giả thì vấn nạn này chắc chắn sớm được đẩy lùi".

Nếu cứ hậu kiểm thì "được vạ, má đã sưng"

Sau khi đường dây làm sữa giả bị triệt phá, trả lời Tuổi Trẻ Online, Bộ Công Thương khẳng định các nhóm danh mục sữa bột giả là sản phẩm thuộc Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group sản xuất không thuộc đối tượng quản lý của bộ này.

Trong khi đó, chia sẻ về chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Y tế cho biết hiện nay đa phần việc quản lý đã phân cấp về địa phương và giao địa phương quản lý. 

Bộ cũng đã "ban hành các kế hoạch thanh tra, kiểm tra".

Theo nhiều bạn đọc, vậy trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai?

Bạn đọc Hoàng Điệp kiến nghị làm rõ trách nhiệm các cơ quan để tình trạng sản xuất hàng giả liên quan sức khỏe, tiền của của người dân. 

Tổng kiểm tra tất cả các sản phẩm sữa và các mặt hàng tiêu dùng khác... trên toàn quốc, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Trong khi đó, bạn đọc Phượng Đặng ý kiến: "Cơ quan chức năng qua kiểm nghiệm mới phát hiện nhiều loại sữa không đạt hàm lượng. Và tới bốn năm sau khi sản phẩm ra thị trường mới hậu kiểm phát hiện được việc này. 

Việc hậu kiểm thực phẩm cần phải giao cho cơ quan quản lý an toàn thực phẩm đảm nhiệm định kỳ và đột xuất. Việc hậu kiểm sẽ thực hiện nhiều hơn, phạt nặng hơn".

Bạn đọc Huong Nguyen cũng cho rằng thực phẩm giả không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe mà còn gây ra hậu quả nghiêm trọng, lâu dài. 

Nhất là những sản phẩm dùng cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, hậu quả ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của thế hệ mai sau.

"Vì thế cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn và cả những hình phạt nặng để răn đe, xử lý với những cá nhân, tổ chức cố tình sản xuất, phân phối thực phẩm bẩn, thực phẩm giả", bạn đọc Huong Nguyen viết.

Một bạn đọc khác đề xuất: "Hãy thay ngay 'hậu kiểm' bằng 'tiền kiểm' với sản phẩm thực phẩm, thực phẩm công nghệ, thuốc chữa bệnh, tránh tình trạng được vạ thì mạng người đã bị ảnh hưởng. 

Chỉ như vậy người dân mới cảm thấy được an toàn khi mua sắm hằng ngày, khuyến khích sản xuất kinh doanh hàng hóa an toàn".

Thăm dò ý kiến

Bạn chọn mua sữa bột theo cách nào:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Gần 600 loại sữa giả: Cuối cùng trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 3.Sữa giả: quản thì đông, trách nhiệm thì... không

Qua bốn ngày vụ công an bắt giữ tám người trong đường dây sản xuất, kinh doanh gần 600 loại sữa giả nhưng danh sách loại sữa giả vẫn chưa rõ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên