Người nổi tiếng 'quảng cáo láo' phải bị xử lý nghiêm khắc hơn người khác?

Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội, cho người tiêu dùng. Vì vậy trách nhiệm pháp lý cần được đặt ra nghiêm khắc hơn so với các trường hợp vi phạm khác.

Người nổi tiếng 'quảng cáo láo' phải bị xử lý nghiêm khắc hơn người khác? - Ảnh 1.

Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục trong 1 buổi livestream bán hàng - Ảnh: T.L.

Vụ việc Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs vừa bị khởi tố sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người nổi tiếng khi họ thiếu tôn trọng cộng đồng, lợi dụng niềm tin của cộng đồng để trục lợi, đặc biệt là khi liên quan đến sức khỏe của người dùng để thu lợi cá nhân.

Từ vụ việc trên, nhiều bạn đọc đặt vấn đề xử lý như thế nào với những người nổi tiếng khác đã và đang quảng cáo sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội?

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) gửi đến Tuổi Trẻ Online bài viết góp thêm góc nhìn về vấn đề này.

Quảng cáo sai sự thật bị phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự

Hành vi quảng cáo sai sự thật của những người nổi tiếng sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho xã hội, cho người tiêu dùng. Vì vậy trách nhiệm pháp lý cần được đặt ra nghiêm khắc hơn so với các trường hợp vi phạm khác.

Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi bổ sung 2018) đã có những quy định khá đầy đủ, chi tiết về các hành vi bị cấm trong quảng cáo, trong đó có cấm quảng cáo sai sự thật. 

Những hành vi nói quá về giá trị, tác dụng, công dụng của sản phẩm được xác định là quảng cáo sai sự thật. 

Người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại khoản 9, điều 8 Luật Quảng cáo, quảng cáo sai sự thật là quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. 

Đây là một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.

Theo quy định tại khoản 3, điều 5 và khoản 5 điều 34 nghị định 38/2021/NĐ-CP đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

Về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố (trừ trường hợp quy định tại khoản 4 điều 51, điểm b khoản 4 điều 52, khoản 1 điều 60, điểm c khoản 1 điều 61 nghị định 38/2021/NĐ-CP) thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đến 80 triệu đồng đối với cá nhân, và có thể bị phạt đến 160 triệu đồng đối với tổ chức.

Cụ thể, đối với cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 60-80 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 120-160 triệu đồng.

Ngoài ra người vi phạm còn bị áp dụng xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với tổ chức, cá nhân vi phạm gồm: 

Tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 5-7 tháng; tước quyền sử dụng giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22-24 tháng đối với vi phạm nêu trên trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng.

Đồng thời buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nêu trên; buộc cải chính thông tin đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nêu trên.

Nên xem xét chế tài nghiêm khắc hơn trường hợp thông thường

Trường hợp người vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính rồi, hoặc đã bị kết án rồi mà còn vi phạm thì có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại điều 197 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, điều 197 Bộ luật Hình sự quy định về việc xử phạt đối với người có hành vi quảng cáo sai sự thật như sau:

Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Ngoài hình phạt chính cải tạo không giam giữ đến 3 năm, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Trong trường hợp quá trình xác minh sự việc mà cơ quan chức năng xác định hàng hóa, sản phẩm đó không chỉ là không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng mà còn có hành vi vi phạm khác thì tất cả các hành vi vi phạm pháp luật đó đều bị xử lý.

Đối với các nghệ sĩ, những người nổi tiếng, người của công chúng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ đánh giá tính chất mức độ vi phạm, đánh giá hậu quả của hành vi vi phạm đã gây ra để xem xét xử lý bằng các chế tài nghiêm khắc hơn các trường hợp thông thường. 

Có thể là cấm biểu diễn, cấm làm việc hoặc thực hiện những công việc nhất định trong một thời hạn, xử phạt hành chính nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng. 

Ngoài ra có thể xem xét xử lý hình sự về các tội danh mà Bộ luật Hình sự quy định.

Vụ Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục: Xử lý thật nặng để răn đe - Ảnh 1.Bài học đắt giá từ Quang Linh Vlogs

Đã từng có một thời, khi nhắc đến Quang Linh Vlogs, người ta nghĩ ngay đến một hình tượng đẹp đẽ của người trẻ Việt - giản dị, nhân ái và đầy nghị lực nơi đất khách.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên