20/04/2025 13:36 GMT+7

Bà nội trợ lo lắng sau vụ công an bắt 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất

Sau vụ việc công an lập chuyên án, bắt các cơ sở sản xuất 3.500 tấn giá đỗ ngâm ủ hóa chất bán ra thị trường, nhiều bà nội trợ ở Nghệ An bày tỏ lo lắng.

giá đỗ - Ảnh 1.

Cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất bị Công an Nghệ An triệt phá - Ảnh: Công an tỉnh Nghệ An

Vụ việc Công an tỉnh Nghệ An phát hiện các cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng hoạt chất 6-Benzylaminopurine, tiêu thụ khoảng 3.500 tấn giá đỗ ra thị trường từ năm 2024 đến thời điểm bị bắt giữ đang gây xôn xao dư luận.

Hóa chất 6-Benzylaminopurine - chất kích thích tăng trưởng tế bào mà các nghi phạm sử dụng tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Mua giá đỗ theo cảm tính

Lời khai ban đầu của nhóm bị can tại cơ quan điều tra cho thấy, trung bình mỗi ngày, một cơ sở sản xuất khoảng 3-5 tấn giá đỗ, sau đó bán cho các tiểu thương tại các chợ đầu mối trên địa bàn Nghệ An và các tỉnh lân cận với giá 10.000-15.000 đồng/kg.

Sáng 20-4, dạo quanh một vòng các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Vinh như chợ Quán Lau, chợ Hưng Dũng, chợ đầu mối Vinh… chúng tôi thấy ở hầu hết các quầy hàng kinh doanh rau quả đều có bán giá đỗ.

Giá đỗ cũng có nhiều loại, từ giá đỗ được giới thiệu là "tự làm, giá đỗ sạch" cho đến giá đỗ được đóng gói, có bao bì sản phẩm rõ ràng.

Tại chợ đầu mối Vinh, nơi tập trung mặt hàng rau củ quả lớn của Nghệ An rồi phân phối đi các chợ huyện, hàng quầy giá đỗ được bày bán riêng biệt. Khu vực này có nhiều thùng nhựa màu xanh đựng giá đỗ.

giá đỗ - Ảnh 2.

Giá đỗ được bán ở chợ đầu mối Vinh, Nghệ An - Ảnh: DOÃN HÒA

Bê từng mảng giá đỗ trong thùng nhựa ra, người phụ nữ bán hàng vừa quảng cáo: "Giá đỗ này gia đình tự làm, không cho bất kỳ loại hóa chất nào mà chỉ cho "uống" nước sạch hằng ngày nên đảm bảo ăn sống cũng không sao".

Theo lời giới thiệu của người này, giá giá đỗ được bán 13.000 đồng/kg, nếu khách lấy sỉ với số lượng nhiều chỉ còn 11.000 đồng/kg. Khi chúng tôi đề cập tới vụ việc công an vừa triệt phá đường dây sản xuất giá đỗ "ngâm" hóa chất, người này tỏ ra e dè hơn.

Bên cạnh các vựa sỉ giá đỗ với số lượng lớn thì cũng có các quầy rau củ bán số lượng ít, giá đỗ được đựng trong thùng tôn. Bà Th. - một người bán hàng cho biết trên thị trường có hai loại, giá đỗ được ngâm ủ chất kích thích cho thời gian sinh trưởng nhanh và loại giá tự làm. Thông tường khoảng 1,5kg đỗ xanh sẽ làm được khoảng 10kg giá đỗ thành phẩm.

"Giá đỗ sạch thường cũng phải 3 - 5 ngày mới có thể thu hoạch một mẻ. Loại này thân gầy, nhiều rễ, ăn ngọt thanh hơn và không xốp như giá ngâm chất kích thích chỉ cần 1 - 2 ngày đã phát triển", bà Th. nói.

Thường xuyên đi chợ, chị Hoàng Lam - ngụ xã Nghi Kim, thành phố Vinh - cho biết do giá đỗ có thể nấu thành nhiều món ăn ngon như xào, nấu canh chua hay là rau dùng để ăn sống… nên gia đình chị thường mua giá đỗ ở chợ nhưng theo cảm tính vì rất khó phân biệt được đâu là giá sạch hay giá ngâm hóa chất.

"Thông tin công an bắt vụ số lượng lớn giá đỗ ngâm hóa chất đã đưa ra thị trường khiến chúng tôi rất lo lắng, chắc sắp tới tôi phải tự ủ giá đỗ ở nhà cho an toàn", chị Lam chia sẻ.

giá đỗ - Ảnh 3.

Nhiều thùng nhựa màu xanh ủ giá đỗ được bán ở chợ đầu mối Vinh - Ảnh: DOÃN HÒA

Phạt nặng thực phẩm bẩn để bảo vệ sức khỏe người dân

Lo lắng về sức khỏe của gia đình và cộng đồng khi theo dõi thông tin về vụ 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online mong muốn cơ quan chức năng cần có những bản án nghiêm khắc dành cho các chủ cơ sở này để làm tấm gương cảnh tỉnh những chủ cơ sở sản xuất giá đỗ nói riêng, sản xuất thực phẩm nói chung vì lợi nhuận cá nhân mà bỏ qua trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng.

Bạn Kim Anh cho rằng: "Vì hình phạt còn quá nhẹ nên người sản xuất và lưu hành hàng giả, thực phẩm bẩn, hàng ngâm hóa chất... không sợ. Phải tăng mức hình phạt lên nhiều lần (ví dụ phạt tù 15-20 năm) thì họ mới sợ, chứ phạt tiền 100-200 triệu đồng họ chưa sợ".

"Bao nhiêu người đã ăn hết 3.500 tấn giá đỗ này? Không truy tố người làm những giá đỗ thế này thì biết đến bao giờ người tiêu dùng mới được ăn giá đỗ an toàn, sạch?", bạn 5 Mỳ Lát băn khoăn.

Bạn TNT chia sẻ: "Vấn nạn làm hàng giả, hàng gian, làm thực phẩm ăn uống ngâm hóa chất độc hại diễn ra liên tục ngày càng quy mô lớn hơn... Có lẽ pháp luật còn quá nhẹ tay nên các đối tượng không sợ".

giá đỗ - Ảnh 4.

Giá đỗ được quảng cáo tự làm, không ngâm hóa chất - Ảnh: DOÃN HÒA

Luật sư Thông Nguyễn - Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An - cho biết theo điều 6, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và điều 317, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với hành vi đã xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng. Ngoài ra tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể phạt tù từ 1 - 5 năm nếu phạm tội thuộc một trong các hành vi sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bị cấm sử dụng.

Bà nội trợ lo lắng sau vụ công an bắt 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất - Ảnh 5.3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất đã tiêu thụ ở đâu?

Trung bình mỗi ngày mỗi cơ sở sản xuất khoảng 3-5 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất kích thích rồi bán ra các chợ đầu mối ở Nghệ An và các tỉnh lân cận.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên