Khách người Ấn Độ thanh toán bằng thẻ tín dụng khi mua sắm tại Co.opXtra, Q.Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều khách chia sẻ góc nhìn về động lực khiến họ không dùng tiền mặt.
Làm cho xã hội tốt lên
Anh Raphael Galuz, sống ở TP.HCM đã hơn 3 năm nay, cho biết mình thường thanh toán bằng thẻ ở những nhà hàng lớn, trung tâm thương mại... Có lần còn rất ít tiền mặt trong người, Raphael mừng húm phát hiện mình có thể trả bằng thẻ ở một số cửa hàng tiện lợi dù chỉ là số tiền rất nhỏ.
"Tôi ước gì chúng ta có thể có thêm nhiều nơi chấp nhận thanh toán bằng thẻ. Phải chi ăn cơm tấm mà cũng quẹt thẻ hoặc trả bằng ứng dụng điện thoại được thì hay biết mấy" - anh cười nói.
Tuy nhiên, anh chàng người Pháp 30 tuổi này kể từng lâm vào tình huống dở khóc dở cười khi dắt bạn gái đi ăn mà không thể thanh toán được vì cứ đinh ninh nhà hàng chấp nhận thẻ nhưng cuối cùng lại không, trong khi anh lại không đủ tiền mặt.
Theo góc nhìn của Raphael, thanh toán thẻ giúp anh dễ dàng theo dõi chi tiêu của mình vào mỗi cuối tháng, các cửa hàng giảm được nguy cơ trở thành mục tiêu của tội phạm do có nhiều tiền mặt. Việc này cũng giúp các giao dịch, nền kinh tế minh bạch hơn và một nền kinh tế càng minh bạch thì càng có được lòng tin của người dân và dân càng có lợi.
Theo anh Raphael, người Việt có thói quen chỉ tin những gì họ cầm được và thấy được, đó là một trong những lý do mà nhiều người vẫn chuộng giao dịch bằng tiền mặt, ngoại tệ hay vàng. Tuy nhiên, thói quen này có thể gây ảnh hưởng đến đất nước bởi nếu như vậy, số tiền thuế thu được sẽ ít hơn, đồng nghĩa các công trình phúc lợi cộng đồng như trường học, bệnh viện, đường sá sẽ có ít vốn đầu tư hơn.
Một số người nước ngoài khác cũng đồng tình rằng sẽ an toàn hơn nếu người ta giữ ít tiền mặt trong người. "Thậm chí nếu có mất giỏ xách thì chúng ta cũng chỉ việc nhanh chóng yêu cầu khóa thẻ và không bị mất tiền" - anh Wayne Jordan, người Anh, nói.
Trong khi đó, sống ở Việt Nam 5 năm nay, anh John Bayarong, người Philippines, "khoe" mình không mấy gặp khó khăn khi thanh toán bằng thẻ. "Bất kỳ khoản tiền nào trên 500.000 đồng tôi đều thanh toán bằng thẻ. Tôi có một thẻ credit (ghi nợ) của Philippines và 1 thẻ debit của Vietcombank. Ngay cả thủ tục làm thẻ ở Việt Nam cũng đơn giản, tôi không gặp khó khăn gì" - John nói.
Cần quyết tâm để chuyển đổi
Dù đã quen với lối sống "không tiền mặt" ở nước mình nhưng khi sang Việt Nam, nhiều người nước ngoài cũng vướng một số vấn đề khiến họ thấy xài tiền mặt là lựa chọn dễ dàng hơn.
"Phí phụ thu khi sử dụng thẻ quốc tế, phí chênh lệch khi chuyển đổi ngoại tệ và có khi còn phụ phí khác... là những lý do khiến tôi không thường dùng thẻ" - anh Ray Kuschert, người Úc, đã sống ở Việt Nam 6 năm, cho hay.
Một lý do khác mà nhiều người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam lâu năm, hay khách du lịch thấy khó để xài thẻ mọi lúc mọi nơi là văn hóa ẩm thực đường phố ở Việt Nam.
"Dù tôi đồng tình rằng thanh toán không tiền mặt rất có lợi và nên được Chính phủ khuyến khích, nhưng các bạn vẫn còn văn hóa ăn uống bên lề đường và thường những tiệm hàng rong không có máy quẹt thẻ. Một số chỗ có sử dụng ví điện tử nhưng thường ví điện tử chỉ thông dụng với người Việt chứ không thông dụng với người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch nếu họ chỉ ở lại trong vài tuần.
Bên cạnh đó, nước các bạn vẫn còn văn hóa "cho tiền", tức người bị ốm hay những dịp như đầy tuổi, cưới... các bạn cho tiền vào phong bì để tặng. Điều này khó có thể thay thế bằng các phương thức thanh toán không tiền mặt, vì có thể sẽ bị nghĩ rằng thô thiển" - du khách người Đài Loan Lu Ling Kai nêu ý kiến.
Ngoài ra, những lo ngại về bảo mật thông tin cá nhân, ngại thủ tục mở thẻ ngân hàng nội địa, tâm lý lo sợ "quẹt thẻ không kiểm soát", nhiều nơi vẫn không chấp nhận thanh toán thẻ... là những lý do mà người nước ngoài vẫn chưa chuộng thanh toán thẻ ở Việt Nam. Và điều này ảnh hưởng nhất định đến việc chi tiêu của du khách khi ở Việt Nam.
Một số người cho rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành một xã hội không tiền mặt, tuy nhiên vẫn cần thời gian để giải quyết các bất cập với quyết tâm cao và giải pháp đồng bộ. Anh Raphael Galuz lạc quan "có thể tạo ra nhiều ứng dụng hoặc phương pháp khả thi để tạo điều kiện cho việc thanh toán điện tử, từ đó phát triển xã hội không tiền mặt tại Việt Nam".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận