27 thí sinh cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon 2021" tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chiều 19-11, các thí sinh cuộc thi "Đi tìm người nấu phở ngon 2021" đã có buổi họp mặt để chuẩn bị cho vòng sơ kết cuộc thi vào sáng 20-11. Hoạt động này nằm trong chương trình Ngày của phở 12-12 do báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Các thí sinh được phổ biến thể lệ thi, quy chế chấm điểm, bốc thăm thời gian dự thi.
Anh Huỳnh Thành Duy (36 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) sinh ra và lớn lên ở Kiên Giang, có một niềm đam mê lớn với phở. Anh làm đầu bếp tại TP.HCM được 3 năm nay. Quen nấu và chế biến nhiều món ăn, tuy nhiên anh mê nhất là món phở.
"Tôi rất thích ăn phở, có thể ăn hàng ngày. Tôi biết đến cuộc thi của báo Tuổi Trẻ từ năm ngoái, nhưng từ dưới quê mới lên tôi còn ái ngại, chưa dám đi thi. Năm nay quá mê nên tôi quyết định đi thi, mong muốn học hỏi thêm cách nấu phở", anh Duy nói.
Cũng như anh Duy, ông Nguyễn Mạnh Công (59 tuổi, ngụ phường 9, quận Tân Bình) đã "phải lòng" phở từ rất lâu. Ông chia sẻ khi thấy quán phở nào ngon, ông cũng đến tận nơi ăn. Có nhiều quán phở xa, ở Hà Nội, nhưng có dịp là ông tranh thủ ghé ăn để trải nghiệm.
Các thí sinh bốc thăm thời gian dự thi - Ảnh: DUYÊN PHAN
Biết đến cuộc thi qua báo Tuổi Trẻ, ông Công đã nhiều lần đăng ký dự thi, tuy nhiên đăng ký sai cú pháp.
"Sau khi đăng ký cuộc thi, tôi đợi thông báo thể lệ, tuy nhiên đến ngày 20-10 vẫn chưa thấy thông báo, tôi đã gọi đến báo để đăng ký lại mới yên tâm. Với tôi, thắng thua không quan trọng, chỉ cần được tham dự tôi đã rất vui. Hôm nay tôi đã mài sẵn dao, soạn đũa, tô và phụ liệu để chuẩn bị cho cuộc thi ngày mai", ông Công cho hay.
Bà Bùi Ngọc Nhân Ái đi thi để học hỏi tạo nên hương vị mới - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bên cạnh các thí sinh mê nấu phở, nhiều chủ tiệm phở đăng ký dự thi với mong muốn giao lưu học hỏi thêm cách nấu. Bà Bùi Ngọc Nhân Ái (47 tuổi, ngụ quận 8) mong muốn tham dự cuộc thi sẽ học hỏi được cách nấu phở ngon, tạo nên hương vị mới.
Đây là lần thứ 2 bà Ái tham gia cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Bà Ái chia sẻ lần đầu tham gia vào năm 2019, nhưng biết đến cuộc thi khá muộn nên bà chưa có sự chuẩn bị kịp thời. Đến năm 2020, do dịch bệnh, bà đăng ký muộn. Năm nay bà Ái đã chuẩn bị rất kỹ.
"Người TP.HCM thường nấu phở vị Nam với sợi phở to và nhiều rau, còn phở Bắc sợi phở nhỏ và ít rau hơn. Đến với cuộc thi, tôi muốn học thêm cách nấu phở Bắc để có thể kết hợp hài hòa hương vị phở Bắc và Nam, tạo nên nét đặc biệt mới", bà Ái nói.
Sau hai năm dự thi, năm nay bà Ái đã có sự biến tấu mới trong cách hầm thịt bò để tạo nên hương vị khác biệt. Bà tiết lộ: "Tôi nấu nạm khác đi, bằng cách dùng dây buộc nạm thành cuộn tròn khi luộc, sau đó cắt mỏng, vừa đảm bảo nạm mềm, vừa đỡ ngấy".
Bà Vũ Thị Đào tìm đến cuộc thi vì niềm đam mê nấu phở - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại buổi họp mặt, các thí sinh khắp nơi cũng có cơ hội chia sẻ niềm đam mê phở - Ảnh: DUYÊN PHAN
"Ngày của phở 12-12" là sự kiện do báo Tuổi Trẻ tổ chức, được khởi xướng vào năm 2017. Từ năm đầu tiên phát động, kêu gọi lấy ngày 12-12 hàng năm làm Ngày của phở, chuỗi sự kiện đã trở thành một hoạt động văn hóa ẩm thực thường niên để quảng bá món ăn truyền thống của dân tộc lan tỏa khắp thế giới.
Ngày của phở 12-12 năm nay tiếp tục được sự đồng hành của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam. Tổng giám đốc công ty, ông Kajiwara Junichi chia sẻ: "Đồng hành với chương trình từ những ngày đầu, tôi hy vọng qua hoạt động này, chúng ta sẽ cùng làm cho món phở Việt Nam ngày càng nổi tiếng hơn, vươn cao thế giới. Từ đó, nâng tầm ảnh hưởng, uy tín và vị thế của ẩm thực Việt Nam lên một tầm cao mới.
Là một trong những doanh nghiệp có sản lượng phở ăn liền tiêu thụ nhiều nhất tại thị trường Việt Nam, với mục tiêu đưa món ăn này đến tay người tiêu dùng một cách tiện lợi, nhanh gọn hơn trong khâu chế biến và thưởng thức, chúng tôi hy vọng phở ăn liền của Acecook không chỉ thân quen với người dân Việt Nam, mà còn đến với nhiều quốc gia khác trên thế giới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận